Làm lành vết thương quá khứ, đầu tư cho tương lai
Các Website khác - 22/08/2005
Là một Việt kiều về sống và làm việc ở Việt Nam từ hơn mười năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu - từng là giảng viên chính Đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne (ĐH RMIT, Australia) có cuộc trò chuyện về đất nước, về thế hệ trẻ Việt Nam với tất cả tấm lòng của một người từng có quá khứ đau buồn.
Ông Nguyễn Xuân Thu nói:

- Tôi tin chắc rằng để đẩy nhanh công cuộc đổi mới kinh tế tại Việt Nam, đất nước cần có đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và tôi đã chia sẻ những suy nghĩ đó với bạn bè. Tôi mơ ước được làm một điều gì đó để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua giáo dục. Và tôi đã làm điều này.

Sau 12 năm làm việc cật lực tại Australia và sau khi các con tôi đã học xong đại học, rồi trả xong tiền mua sắm ngôi nhà của gia đình, tháng 3-1994 tôi quyết định thôi công tác giảng dạy của một giảng viên chính tại Đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Đại học RMIT), quay về Việt Nam. Quyết định này đã khiến gia đình tôi bị chia rẽ sâu sắc, làm cho các bạn tôi thấy choáng váng. Còn vị giáo sư David Beanland, khi đó là giám đốc Đại học RMIT, lại coi là “một quyết định dũng cảm và đầy đau đớn”.

* Đã hơn mười năm rồi?

- Đầu tháng 8-1994 tôi quay về sống tại Hà Nội. Không như TP Hồ Chí Minh hiện nay, Hà Nội khi đó là một thành phố xa lạ đối với tôi, tôi không có một người bạn hay bà con thân thích nào ở đó. Nhưng tôi đã quyết định sống ở thủ đô của quê hương mình...

Tại Hà Nội, tôi kiếm sống bằng cách làm tư vấn độc lập cho Đại học RMIT. Tôi có nhiệm vụ đại diện cho Đại học RMIT tại Việt Nam, xúc tiến sự hợp tác hàn lâm giữa Đại học RMIT và Đại học Quốc gia Hà Nội. Đồng thời giúp tuyển sinh viên du học tự túc cho Đại học RMIT. Nguồn thu nhập duy nhất của tôi là từ Đại học RMIT. Những công việc đó chỉ đủ để tôi thanh toán những chi phí sinh hoạt khiêm tốn. Thu nhập của tôi khi đó không dư dả, nhưng tôi thích làm việc tại Việt Nam, là nơi tôi có thể đóng góp những hiểu biết và kinh nghiệm của mình cho quê hương.

* Có lẽ ông biết trước những khó khăn mà ông sẽ đối diện, nhưng tại sao ông vẫn quyết tâm quay về Việt Nam vào thời điểm đất nước chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp, đồng thời lao vào làm chiếc cầu nối giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục?

- Vào những năm đó tôi hoàn toàn hiểu rằng nhiều bạn bè của mình và phần lớn cộng đồng người Việt ở nước ngoài không thích thấy bất kỳ ai làm điều gì tại Việt Nam. Ngay cả những người thân và bạn bè của tôi cũng có người có quan điểm như vậy. Khi tôi quay về làm việc tại Việt Nam, nhiều bạn tôi cũng đã lên án tôi. Tôi đã từng phải đi tập trung cải tạo năm năm sau năm 1975 và tôi cũng có những niềm tâm sự riêng như bao người khác.

Tuy nhiên, từng là một đứa trẻ mồ côi lớn lên bên những người bất hạnh nhất tại các tỉnh nghèo khó của miền Trung, bao giờ tôi cũng muốn làm một điều gì đó có thể giúp những người nghèo tại quê hương. Để thực hiện mong muốn sâu sắc của mình, tôi phải tìm cách làm lành những vết thương trong quá khứ. Tôi đã từng viết trên Journal of Vietnamese Studies (tạp chí Việt Nam học) khi tôi còn giảng dạy và nghiên cứu: “Bạn không thể làm lành vết thương của mình bằng cách nhìn lại quá khứ và bạn cũng không thể tạo dựng được một tương lai tốt đẹp cho con cái mình bằng thù hận. Quá khứ cần thuộc về quá khứ. Tương lai là cách duy nhất để đem lại sự an bình và hạnh phúc cho mình và tạo dựng tương lai tốt đẹp cho con em của bạn”. Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai và mọi công việc của tôi là đầu tư vào tương lai. Đối với tôi, giáo dục là tương lai, tương lai của những thế hệ trẻ, tương lai của Việt Nam, cũng là con đường tốt nhất đi tới phồn vinh cho một đất nước như Việt Nam.

* Có lẽ ông cũng là người mang nhiều trăn trở khi nhìn vào thực tế của nền giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây?

- Sau gần 15 năm cải tổ giáo dục đại học của Việt Nam, phải công bằng mà nói là ngành này có những tiến bộ rất lớn so với những năm đầu của thập niên cuối thế kỷ 20. Nhưng kết quả đào tạo quả thật chưa đáp ứng được mong muốn của một nền kinh tế đang đi lên và tiến đến hội nhập quốc tế. Cho nên, tôi có mối quan tâm là phải làm thế nào để có thể xác lập được mô hình đào tạo mà ở đó so với các nước nếu họ đạt 10 thì mình cũng đạt khoảng 7 hay 8, nhưng học phí vẫn rẻ hơn rất nhiều so với việc phải bỏ tiền cho con em Việt Nam đi du học ở nước ngoài. Điều đặc biệt quan trọng là những bạn trẻ Việt Nam sẽ được đào tạo ngay tại quê hương, ngay tại đất nước của chính mình, không sợ bị vấp ngã, không sợ bị hư hỏng... và chảy máu chất xám nữa. Ước vọng của tôi mong muốn Việt Nam có một mô hình đào tạo đáp ứng được những mục tiêu như vậy.

* Theo ông, tại sao những người trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài khi nói đến chuyện quay về quê hương, Tổ quốc làm việc lâu dài thì họ rất e ngại?

- Thật sự phải nói như thế này mới đúng. Thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài hoàn toàn không e ngại quay về Việt Nam làm việc. Vì lứa trẻ mà hiện nay mới chỉ đến 40 tuổi (tức là khi đất nước Việt Nam thống nhất họ chỉ mới có 10 tuổi thôi) và lứa trẻ hơn nữa lại càng không dính líu gì đến quá khứ. Lớp người này không mang những hình ảnh buồn của cha mẹ họ do lịch sử để lại. Vì vậy muốn về Việt Nam lúc nào là họ về ngay, không hề có một lo ngại nào cả về mặt tâm lý, tư tưởng. Tuy nhiên, họ là những người được học hành đầy đủ, có công ăn việc làm, có vợ và con cái đang đi học rất ổn định… Với họ, nếu phải bỏ tất cả những gì hiện tại để về Việt Nam và bắt đầu lại từ đầu là một điều không dễ dàng chút nào. Khó khăn nằm ở chỗ đó, chứ không phải khó khăn nằm ở chỗ thủ tục giấy tờ để về nước làm ăn sinh sống lâu dài hay có những e ngại do quá khứ để lại. Nhưng nếu có những chính sách rõ ràng: mua nhà thế nào, con cái họ học hành ra sao… thì tôi nghĩ rằng nhiều người cũng sẽ suy nghĩ đến chuyện quay về Việt Nam đầu tư, làm ăn và sinh sống.

* Ông là người thuộc thế hệ trước 1975 và như ông nói mình vẫn có những nỗi niềm riêng do lịch sử để lại. Chắc rằng khép lại quá khứ không phải là điều dễ dàng đối với ông?

- Thế hệ của chúng tôi gắn liền với thời chiến tranh trước năm 1975. Thật tình, để quên đi dĩ vãng xảy ra trong giai đoạn đó là điều khó khăn lắm. Nhưng muốn quên thì cũng có thể làm được. Riêng tôi có một điều may mắn để làm việc này một cách không khó lắm. Tôi ở trong môi trường đại học. Tôi thường chấm những luận án tiến sĩ, tôi đọc sách nhiều, nghiên cứu nhiều… nên biết rõ Việt Nam đã làm gì, nỗ lực ra sao, đang phát triển đất nước như thế nào và sẽ đi đến đâu. Tiếc rằng có một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những người thuộc thế hệ chúng tôi, không có may mắn như tôi. Họ không biết nhiều về Việt Nam và bộ phận người này thường mô tả Việt Nam như một bức tranh vô cùng ảm đạm.

Tôi thấy rằng muốn xây dựng một tương lai với cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng thì chỉ có cách duy nhất là phải quên đi những cái cá nhân, cần phải nghĩ đến cộng đồng và đất nước Việt Nam. Sự thật có một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu thuộc thế hệ trước, không có may mắn như tôi, họ chỉ ở nhà đọc báo, uống cà phê… rồi bàn tán, nhắc lại thời vàng son ở quá khứ của mình và xem đó là những điều đẹp nhất. Còn đất nước Việt Nam sau khi thống nhất hiện đã phát triển ra sao thì họ không được biết đầy đủ. Hễ ai nói gì tốt đẹp về đất nước Việt Nam là họ không chịu nghe. Họ chỉ nghe cái gì họ thích nghe. Những điều đó làm cho họ luôn đau buồn, gia đình họ buồn, con cái của họ cũng buồn…

* Ông là người làm nghiên cứu và giảng dạy đại học, tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài… Ông cảm nhận như thế nào về tinh thần Việt trong lớp trẻ này?

- Tôi thấy nhiều gia đình người Việt Nam ở nước ngoài luôn khuyến khích con em của họ học tiếng Việt và phải đi học tiếng mẹ đẻ. Đa số các bạn trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài thích ăn các món Việt Nam. Tôi thấy những lần về thăm viếng Việt Nam, những bạn trẻ đó hăm hở lắm, thích thú lắm. Tôi có một cảm nhận đa số các bạn trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài khi đã về Việt Nam một lần rồi thì đều có những quyến luyến. Đó là những điều luôn làm tôi xúc động.

Theo Theo Tuổi trẻ