3 người chết, hàng chục người mất tích do bão
Các Website khác - 28/09/2005
Khóc ngất bên ngôi nhà đổ sập. Ảnh: Anh Tuấn

Theo thống kê sơ bộ, bão số 7 đã cướp đi 3 sinh mạng: 1 người Quảng Ninh đi đãi than ở thị xã Cẩm Phả bị nước cuốn trôi, 1 người ở Thanh Hoá và 1 ở Ninh Bình bị ngã chết trong khi chằng chống nhà. 3 người mất tích ở Ninh Bình đã trở về, nhưng Yên Bái có thêm 22 người mất tích do lũ quét.

Số người bị thương do cây đổ, nhà sập là 10, trong đó Quảng Ninh 3, Thanh Hoá 5, Nghệ An có 2 người.

Tuyến đê biển bị thiệt hại nhiều nhất, tổng chiều dài vỡ là 1.250 m, tập trung ở 3 tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá.

Nam Định ước tính tổng thiệt hại là 387 tỷ đồng. Là nơi tâm bão đi qua, nhưng tỉnh này đến chiều 28/9 vẫn chưa có thông báo thiệt hại về người. Trước đó, Nam Định đã thực hiện đợt sơ tán dân lớn nhất từ trước tới nay, với 80.000 người. Có 14 trên tổng số 90 km đê biển chạy qua tỉnh bị tàn phá tan hoang. Tại huyện Hải Hậu, đê Táo Khoai vỡ tới 1.000 m, đê Cồn Tròn vỡ 40 m, đê Hải Thịnh 3 vỡ 40 m. Hiện nay, 24.300 nhân khẩu của thị trấn Thịnh Long, xã Hải Triều, Hải Hòa, Hải Chính và Hải Lý đang phải sống trong cảnh màn trời vì nhà cửa đã bị sóng biển phá huỷ.

Trở về từ nơi sơ tán, chứng kiến cảnh căn nhà tan hoang chỉ còn đống gạch vụn, chị Nguyễn Thị Nhung, xã Hải Thịnh huyện Hải Hậu lặng người than: "Hết thật rồi, giờ biết lấy gì mà ăn"

Cũng như chị Nhung, hàng chục gia đình ở xã này rơi vào cảnh không có cái ăn, chốn ngụ. Đê vỡ, nước tràn lên cuốn trôi hoàn toàn 9 ngôi nhà và làm sập hơn 70 ngôi nhà. Cát biển ngập trắng hàng chục ha ruộng vườn, cây cối.

Theo những người dân nơi đây ruộng vườn bị nhiễm mặn nặng, nên trong 2 năm đầu sẽ không có khả năng canh tác.

Tại bãi tắm Thịnh Long, hàng chục ngôi nhà, hàng quán bị sóng đánh sập. Kè đá và con đường bê tông mới làm đều bị bão cày xới nham nhở. Chủ nhà nghỉ Tiến Thành cho biết, sau khi sóng rút nhà nghỉ của anh vẫn đứng được, thế mà chỉ mấy tiếng sau, móng nhà lở lói đã khiến cả căn nhà đổ sập.

Cho đến sáng 28/9, hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào của chính quyền.

Tại huyện Giao Thuỷ, đoạn đê từ Tiền Lang đến cống số 9 thuộc xã Giao Hải và Giao Long bị sóng biển phạt mất 1/3 mặt đê, sạt lở phía đồng khoảng 100 m. Đê chạy qua xã Bạch Long cũng bị sạt, sóng bào mòn khiến mặt đê bị hạ thấp từ 0,5 đến 1 m, nước tràn vào nội đồng. Tuyến đê chạy qua huyện Nghĩa Hưng cũng trong tình trạng bị sạt lở và phải mất nhiều thời gian mới khôi phục được.

Gió bão giật cấp 12 đã kéo đổ 4 ngôi nhà, làm tốc mái 44 nhà khác. Toàn tỉnh có 80.000 ha lúa bị ảnh hưởng, mất hoặc giảm năng suất. Sản lượng lương thực thiệt hại là 17 vạn tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ, ngập tràn hoặc mất trắng là 6.000 ha. 500 tấn nguyên liệu làm nước mắm đã làm mồi cho cá biển.

Thiệt hại ban đầu của Hải Phòng khoảng 17 tỷ đồng. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, bão số 7 làm 150 nhà, phòng học, trụ sở cơ quan bị tốc mái, 4 tàu thuyền bị va đập, hư hỏng, 5 cột điện bị đổ... Hệ thống thông tin liên lạc trên đảo Bạch Long Vỹ bị ngừng trệ từ 8h sáng 26 đến 9h sáng 27/9.

Tại huyện Cát Hải, sóng biển cao 3-4 m, tràn qua hầu hết các đoạn đê, gây xói lở nghiêm trọng. Một số đoạn trên tuyến đê Hoàng Châu - Văn Chấn bị vỡ khiến toàn bộ khu dân cư ngập lụt từ 0,6 đến 1 m.

Tại khu du lịch Đồ Sơn, nhiều đoạn kè bê tông, kè đá, vỉa hè của khu 1, khu 2, khu 295 hư hại nghiêm trọng.

Hầu hết các đầm nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê tại nhiều địa phương đều bị ngập trong nước biển. Hàng nghìn ha lúa đang trỗ bông bị mất trắng.

Hôm nay tại Nam Định, Thanh Hoá, trời đã quang, không còn mưa to. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn phải tá túc trong các nhà thờ, trường học, trụ sở cơ quan bởi đê vỡ, thủy triều lên, nhà cửa vẫn đang ngập. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và theo như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NN&PTNT) Cao Đức Phát, phải mất vài năm mới khôi phục được.

Bộ NN&PTNT sáng nay đã cử 3 đoàn công tác xuống 3 tỉnh bị vỡ đê (Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá), khẩn cấp hàn khẩu lại đê, chỉ đạo việc cứu đói, giúp dân trở lại sinh hoạt bình thường, khôi phục đời sống.

Việc hàn khẩu đê, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, là cấp bách nhưng không vì thế mà làm ẩu. ĐH Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi, Viện Thủy lợi phải cử cán bộ về Nam Định, Thanh Hoá, Hải Phòng, để khảo sát và lên phương án khôi phục đê khẩn trương, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hải Hậu (Nam Định) nhiều nhà đổ nát. Ảnh: Anh Tuấn
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN, tính hết ngày 27/9 có 8 tuyến truyền dẫn vi ba nội tỉnh bị hư hỏng làm mất liên lạc tại 12 trạm viễn thông, bao gồm 14 tổng đài vệ tinh và độc lập, 7 trạm BTS và trạm lắp di động của hai mạng VinaPhone và MobiFone.

Nhiều tuyến cột viễn thông ở các huyện ven biển bị gãy đổ, nhiều tuyến cáp, đường dây thuê bao bị đứt. Hầu hết điện thoại tại Thanh Hóa bị mất liên lạc.

Tại Quảng Ninh, tuyến vi ba từ Đèo Nai đi đảo Quan Lạn cũng bị sự cố, gây mất liên lạc khoảng 330 thuê bao điện thoại từ 4 giờ ngày 27/9. Tuy nhiên, tuyến vi ba này đã nhanh chóng được khôi phục.

Bưu điện Nam Định, Hà Tĩnh, Hải Phòng đã bảo đảm thông tin liên lạc bình thường.

Do ảnh hưởng của bão, giao thông trên hàng chục tuyến cũng bị đình trệ. Các tuyến quốc lộ lên Tây Bắc như 37, 32 từ thành phố Yên Bái đi thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Căng Chải bị ách tắc hoàn toàn. Quốc lộ 32 đoạn qua địa phận Yên Bái bị sạt taluy tại 10 vị trí và xói lở gây hư hỏng toàn bộ cầu Thia. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã điều động các đơn vị cầu đường lên khắc phục. Song dự kiến 2-3 ngày nữa mới có thể thông xe.

Nhiều tuyến quốc lộ qua tỉnh Sơn La cũng có nhiều đoạn bị xói lở dẫn đến giao thông trên tuyến như quốc lộ 43 (đoạn Mộc Châu đi Lào), quốc lộ 37 (huyện Phù Bắc Yên), quốc lộ 6.. bị đình trệ .

Hàng chục tuyến đường đồng bằng qua các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... đều bị ngập nước. Trong đó, bị ngập trên diện rộng là những tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Quốc lộ 15A qua Nghệ An trung bình bị nước ngập từ 0,5 đến 1m, nhiều tuyến tỉnh lộ khác cũng bị nước ngập sâu 1,5 - 2 m.

Quốc lộ 8A, 8B qua Hà Tĩnh cũng bị sạt lở, quốc lộ 7 từ huyện Đô Lương đến huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) dài 300 km bị lở nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Liễu, Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị quản lý đường đang khẩn trương dọn đất cho xe qua. "Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải tạo đường cho xe qua trong thời gian tối đa là một ngày còn việc dọn sạch đất đá sẽ phải tiến hành trong nhiều ngày tới", ông nói.

Hiện chưa có thống kê thiệt hại về đường xá do bão gây ra.

Nhiệm vụ quan trọng nhất sau bão là khẩn cấp cứu đói cho dân, ông Phát khẳng định sáng nay. Sau bão, hàng nghìn hộ dân sinh sống ven biển các tỉnh Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, trở thành trắng tay. Ông Phát cho hay, tối qua, trung ương đã khẩn cấp cứu trợ mì ăn liền cho những người dân đang tá túc trong các nhà thờ, trường học.

Về việc hỗ trợ người dân vùng bão, Cục trưởng Quản lý đê điều Đặng Quang Tính cho hay, Bộ Ngoại giao đã đặt vấn đề đề nghị bạn bè quốc tế giúp đỡ. "Chúng tôi cho rằng trước hết cần rà soát lại có bao nhiêu hộ cần cứu trợ khẩn cấp, sau đó mới tính đến vấn đề này", ông Tính nói. Hôm nay, đại diện của UNDP, Hội chữ thập đỏ, Bộ Nông nghiệp cũng đã đi thị sát ở một số địa phương để tìm cách hỗ trợ.

Hội chữ thập đỏ Việt Nam cử hai đoàn cán bộ đi thăm hỏi và cứu trợ khẩn cấp 800 thùng hàng gia đình cho đồng bào bị thiên tai tại Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình và Ninh Bình.

Hội cũng hỗ trợ 80 triệu đồng cho các tỉnh để mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng sẽ được nhận 200 thùng hàng, trị giá mỗi suất là 250 nghìn đồng, và 20 triệu đồng. Tỉnh Ninh Bình và Thái Bình đều nhận được 100 thùng hàng và 10 triệu đồng.

Nhóm phóng viên

Nếu là người chứng kiến cơn bão, hãy chia sẻ những gì bạn thấy ở đây.