Hằng năm sinh viên Ðại học nông lâm, Ðại học KHTN thành phố Hồ Chí Minh, Ðại học Cần Thơ đã được ông hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật chiết ghép hoa đào và các cây trồng khác. Ông không chỉ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho những người bạn già trong hội hoa lan, cây cảnh Ðà Lạt, mà còn "chuyển giao công nghệ" cho những người có cùng sở thích ở An Giang, Quảng Nam, Củ Chi, Ðà Nẵng...
Trong một lần tham quan vườn đào Nhật Tân - Hà Nội, lão nông Mười Lời mê mẩn trước vẻ đẹp quyến rũ của hoa đào xứ Bắc, nâng niu 300 mầm hoa đào Nhật Tân về ghép với gốc đào Ðà Lạt, năm 1997, lần đầu tiên Ðà Lạt có hoa đào giống mới đón tết, từ đó, ông cứ chiết, ghép, nhân giống tạo dựng một thung lũng hoa đào hàng ngàn gốc. Rồi hoa đào Mười Lời được tham gia hội xuân tại thành phố Hồ Chí Minh và khoe sắc ở nhiều nơi trong cả nước, và được chính người Hà Nội vào mua. Sau thành công cho hoa đào Hà Nội nở trên cây đào Ðà Lạt, ông tiếp tục cho mận tam hoa ra trái trên cây Anh đào Ðà Lạt, mơ chùa Hương trên cây đào má hồng. Ðào Nhật, mận đào Australia trên cây đào Ðà Lạt, hoa Nhật Quỳnh ghép trên cây thanh long. Ông đã ghép thành công 5 giống bưởi Hà Nội, Năm Roi, Biên Hòa, Thanh Yên, Phật Thủ trên một gốc mà ông đặt tên là "Bưởi 5 miền". Mùa thu này ông có 30 cây hồng Ðà Lạt ra trái hồng Australia, giòn, thơm, ngọt... Từ những mầm giống mới này, hằng năm, ông có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Tin tưởng vào kinh nghiệm dân gian của ông Mười Lời, các nhà khoa học trong nước đã gửi gắm ông hàng trăm cây trái quý: từ hồng giòn Nhật, bơ Australia, chanh ngọt Thái-lan, quýt Ðịa Trung Hải, cam không hạt, cam mật của Mỹ... Một cơ quan của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đưa 5 giống đào lạ từ nước ngoài về đưa ông Mười Lời cấy ghép, khảo nghiệm. Qua hơn 10 năm cần mẫn tạo dựng, vườn hoa ông Mười Lời đã trở thành một địa chỉ nghiên cứu khoa học, trở thành khu vườn thực nghiệm của hàng trăm sinh viên, nơi tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu bờ của ngành khuyến nông để nông dân giao lưu, học tập. Thung lũng hoa đào không chỉ là một bộ sưu tập các loại giống hoa, cây ăn trái mà còn là nơi bảo tồn những nguồn gen quý, là địa điểm nhân giống hoa, cây ăn trái mới cho Ðà Lạt và các vùng lân cận. Do đó, ông Bùi Văn Lời đã được nhận "cúp vàng vì sự nghiệp xanh" của Ban tổ chức hội chợ triển lãm tuần lễ xanh quốc tế Việt Nam trao tặng.
Từ ý tưởng thung lũng hoa đào của nghệ nhân Mười Lời, ngành du lịch Lâm Ðồng đã và đang triển khai trồng 10 thung lũng hoa Mimosa, dã quỳ, phượng tím... nhân dịp FESTIVAL hoa đầu tiên ở Việt Nam. Song du khách phải chờ tới 10 năm nữa thì thung lũng hoa đào mới có đối thủ cạnh tranh. Nhưng cũng thật trớ trêu, từ một năm qua (8-2004) đến nay, lão nghệ nhân 70 tuổi như đang ngồi trên đống lửa, khi nghe thông tin sẽ giải tỏa thung lũng hoa đào, để quy hoạch khu dân cư mới. Về chuyện này các nhà khoa học ở Trung ương và các tỉnh thành phía nam cho rằng: "Xóa sổ thung lũng hoa đào sẽ làm cho Ðà Lạt mất đi cái mà đang cần phải có nhiều, thật nhiều". Còn du khách thì cứ nấn ná không muốn rời khỏi khu vườn "mà có thể là lần cuối cùng còn nhìn thấy nó".
|