(VietNamNet) - ''Ngoài đoàn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và ngay sau đó là đoàn thầy thuốc của GS.Lê Thế Trung - Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, chưa có đoàn nào đến hỏi thăm và tặng thuốc cho những người đã khánh kiệt cả gia tài lẫn sức khỏe, đang chờ chết...''- Bà Chủ tịch xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) Trần Thị Thắng rưng rưng.
![]() |
GS.TSKH Lê Thế Trung thăm khám cho bệnh nhân ung thư vòm họng |
Những tấm lòng làm vợi khốn khó bệnh tật...
Chúng tôi quay trở lại Thạch Sơn (ngay sau hôm Bộ trưởng Mai Ái Trực đến thăm) cùng với GS.TSKH Lê Thế Trung - Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội và lương y Đinh Thị Phiển (nổi tiếng với bài thuốc về cây xạ đen có tác dụng tiêu u hạch) với mục đích nhân đạo: khám bệnh, tìm cách điều trị phù hợp và tặng thuốc nhằm giúp đỡ bệnh nhân ung thư ở đây.
Lương y Phiển cho biết, GS.Lê Thế Trung và bà đến thăm và tặng thuốc bệnh nhân với mong muốn góp phần giúp bệnh nhân hỗ trợ điều trị ung thư, giảm đau đớn, kéo dài sự sống.
Vợ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối Nguyễn Văn Tam - bà Quản Thị Vệ khóc nức lên, bởi đã mấy tháng nay gia đình không biết chạy đâu ra tiền cứu chữa, phải đưa ông về nhà. Những liều thuốc gia truyền của lương y Phiển tặng chính là nguồn hy vọng mong manh để ông Tam tiếp tục sống thêm với người thân, dù ai cũng biết bệnh ông đã vào giai đoạn cuối...
Bà chủ tịch xã Trần Thị Thắng cho biết, trước khi Bộ trưởng Bộ TN&MT đến thăm bệnh nhân ung thư ở Thạch Sơn, chưa hề có một ai tới thăm hỏi dân trong xã.
Ngay cả ông Quản Văn Thạch, người bệnh đầu tiên trong làng được Bộ trưởng thăm và tặng quà cũng không giấu nổi cảm động vì suốt 4 năm nay, chỉ có ông và gia đình chống chọi với căn bệnh nan y này.
Với những người bệnh ở Thạch Sơn, chuyến thăm hỏi hiếm hoi của vị Bộ trưởng và vị bác sĩ đầu ngành ung bướu của Hà Nội là một ''sự kiện'', một niềm an ủi rất lớn, khi họ và gia đình gia đình đã ''bó tay'' bởi gánh nặng của cả bệnh tật và kinh tế!
Trước khi rời khỏi trụ sở UBND xã để tiếp tục ''tận mục sở thị'' làng ung thư Thạch Sơn, chúng tôi còn kịp nghe cuộc điện thoại của Sở Y tế Phú Thọ điện cho bà Chủ tịch xã: Lát nữa sẽ có một đoàn đến thăm và tặng quà cho... 1 gia đình bệnh nhân ung thư!
Sống trên đất độc...
![]() |
Đồi Mon Dền, từng là nơi ở của 30 hộ dân, nay là nghĩa địa của chính họ. |
PV VietNamNet đến đồi Mon Dền, nằm ngay bên cạnh nhà máy Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao. Đồi này trước kia là một xóm dân cư thanh bình nhưng đã bị di dời sau khi nguồn nước bắt đầu ô nhiễm làm luá cháy, mất trắng hoa màu... và hiện tượng ốm, viêm họng, ho, vàng da, đau mắt... ở người. Lúc ấy người dân vẫn chưa biết tai hoạ sẽ đến với mình.
6 nguyện vọng của nhân dân Thạch Sơn |
1. Nhà nước, các cấp ngành và nhà máy Supe cung cấp nước sạch để phục vụ đời sống hiện tại. 2. Kiểm tra sức khoẻ để biết tình hình sức khoẻ hiện tại. 3. Bộ Y tế giúp cho dân Thạch Sơn có thẻ bảo hiểm y tế để được khám bệnh miễn phí. 4. Những trường hợp ung thư được miễn tiền truyền dịch. 5. Những trường hợp đang mắc bệnh ung thư được giúp đỡ, hỗ trợ để hkéo dài sự sống bởi tất cả đều rất khó khăn. 6. Xử lý ngay môi trường ô nhiễm ở Thạch Sơn, không chỉ khí thải chất thải của nhà máy Supe mà cả của nhà máy pin và nhà máy giấy Bãi Bằng. |
Chỉ mãi những năm 1976-1977, một người thương binh trong làng - anh Đào Văn Thách - không chịu nổi sự hoành hành của ''làn khói độc'', sau khi mất 3 người thân (mẹ, em gái và bố đẻ; và sau này chính anh cũng không thoát chết), đã dời nhà khỏi đồi. Từ đó, nhiều người dân Mon Dền mới lần lượt dời xa khu ''đồi chết''...
Bây giờ, đồi Mon Dền đã trở thành nghĩa trang chôn chính những người đã từng sống ở đây. Đứng trên đỉnh đồi nhìn hàng bia mộ trải dài, không ai có thể ngờ đây từng là một khu dân cư với hơn 30 hộ sinh sống. Và cũng không ai ngờ có đến 22 hộ có người cùng chết vì bệnh ung thư.
Cũng từ trên đỉnh đồi nhìn về phía nhà máy Supe, ống khói đang cuồn cuộn toả khói đen ngòm lên bầu trời (dân Thạch Sơn giờ gọi ống khói này là ''lưỡi hái tử thần''). Ống khói có từ ngày ra đời nhà máy (1959), tồn tại và xả khói vô tư lên trời từ bấy đến nay. Trước đây ống khói này rất thấp, khói tràn ra khu dân cư 24/24h hàng ngày. Nhưng ngay cả khi nó đã được nâng cao hơn chục năm gần đây, thì lượng khói toả ra vẫn là mối nguy cơ trực tiếp đổ xuống đầu dân cư khu vực này.
Dân ở đây cho biết, họ đã quen với những ngày mưa, khói tạt xuống, mùi hoá chất nồng nặc, toàn bộ dân cư ''hứng'' nguồn chất thải này đều nôn nao, ho và chảy nước mắt, nước mũi... Mỗi lần như vậy, số trẻ em đến trạm y tế xã để chữa khó thở, viêm họng là chuyện bình thường.
Nhìn rộng tầm mắt suốt cánh đồng Thạch Sơn trải rộng, đã nhiều chục năm không còn sự màu mỡ của đất đai, không hề có dấu hiệu sinh sôi của hoa màu dù đang mùa thu hoạch lúa của nhà nông. Cội nguồn của cảnh chết chóc này chính là mương nước thải của nhà máy đổ thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn. Mương nước này dù đã được bê tông hoá nhưng nông và hẹp, quanh năm ngày tháng chảy ròng thứ nước vàng quánh.
![]() |
Mương nước thải của Nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao dài 200m, trong khi chiều dài dự định là...1.800m |
Điểm đến cuối cùng của dòng nước thải ấy là... khu ruộng hoang cuối làng.
Bao năm qua, chất thải của nhà máy hoá chất ấy ngấm xuống đồng ruộng Thạch Sơn, hoa màu không sống được đã đành. Nhiều người dân vẫn còn ''kinh hoàng'' kể lại đợt bão số 7 vừa qua, mương nước thải dâng cao tràn ngập cả vùng đồng ruộng, cá chết nổi trắng mặt ao, hồ. Người dân tiếc của lại vớt cá về ăn...
Nhưng ăn cá chết do nước thải tràn vào ao hồ đâu có ''nhằm nhò'' gì so với việc bao nhiêu năm nay, người dân Thạch Sơn vẫn ăn uống và sinh hoạt bằng nguồn nước ngầm. Thời gian gần đây, nguồn nước ngầm này bỗng dưng vàng ệch và bốc mùi khó chịu. Càng ngày, các giếng nước trong vùng càng ''lộ'' ra sự ô nhiễm nặng đến mức bà con không ăn được, nhiều gia đình phải lấy nước ở xã khác về ăn.
Trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực mới đây, khi tới thăm một bệnh nhân ung thư, ông này đã kể cho Bộ trưởng nghe gia đình ông vừa đào 1 cái ao trước nhà mà lội xuống ao nước lên ai cũng thấy trong người rất mệt mỏi, khó thở...
Bao năm sống chung với khói và chất thải hóa chất, thậm chí khi người làng lần lượt "ra đi", người dân Thạch Sơn không nghĩ đến chuyện tìm hiẻu nguyên nhân, tác hại của căn bệnh khủng khiếp họ mắc phải.
Đến khi mất quá nhiều người, khánh kiệt tiền bạc vì bệnh tật, họ mới bắt đầu thấy được hiểm hoạ của việc ''sống chung'' với chất thải và khí độc mấy chục năm nay...
![]() |
Cá chết sau cơn mưa, sau khi nước thải từ mương nhà máy tràn vào ao hồ |
Chờ... lời đáp trong khi chờ... chết
Bà chủ tịch xã Trần Thị Thắng buồn rầu cho phóng viên VietNamNet biết, theo số liệu điều tra của xã, cho đến thời điểm này của năm 2005, đã có 8 người chết vì ung thư. Mở rộng hơn, trong vòng chục năm trở lại đây xã có tổng số 280 người chết thì 87 người chết vì bệnh ung thư. Tỷ lệ người chết vì ung thư ở Thạch Sơn với Hà Nội được GS Lê Thế Trung cho là cao.
Trong danh sách thống kê mới nhất về số người chết từ năm 1991-2005 tại xã Thạch Sơn, có cả thảy 304 người chết, 106 người trong đó qua đời vì bệnh ung thư (chiếm 34,86%). Có những con số vô tri nhưng thật ai oán: có 9 gia đình chết cả vợ chồng; 7 gia đình chết cả bố mẹ và con; 3 gia đình có từ 3 người chết trở lên... Các bệnh ung thư thường gặp là: ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư hạch, ung thư tử cung và ung thư phổi. Những bệnh nhân này đều đã được Bệnh viện K trung ương chẩn đoán và điều trị.
''Kể về những người mắc ung thư thì đau lòng lắm, có những gia đình chết cả bố mẹ và con, giờ nhà bỏ hoang không ai ở; có dòng họ trong xã vừa thêm 1 người chết ở tuổi 40 vì bệnh ung thư, nâng số người chết vì bệnh này của dòng họ này lên tới... 25 người; có em bé vừa 15 tháng tuổi cũng bị căn bệnh nan y này ập đến...'' - bà chủ tịch xã buồn rầu cho biết.
Bà Thắng cũng cho biết, xã lần lại danh sách người chết vì ung thư thì chủ yếu là những người dân sống ở khu Mon Dền trước đây. Thêm nữa, những hộ nào sống gần mương nước thải của nhà máy Supe cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao. Đây là một mối lo lớn vì người dân thì vẫn sống- mà mương nước thải vẫn ngày ngày thải ra cánh đồng.
Hiện nay số người đang mắc bệnh đã lên đến 14 người, xã vẫn đang tiếp tục điều tra. Đó là chưa kể đến số người nghi mắc và số người không có điều kiện đi xét nghiệm. ''Nghĩa là, số người mắc ung thư có thể còn cao hơn'' - bà Chủ tịch xã cho biết.
![]() |
Bị ung thư vì đâu? Còn bao nhiêu người ở Thạch Sơn sẽ mất mạng vì căn bệnh tử thần này? Câu hỏi chưa có lời đáp. |
Số người mắc ung thư ở Thạch Sơn thực tế là bao nhiêu, hiện trạng sức khoẻ và môi trường của dân trong xã thế nào, vẫn chưa cơ quan ban ngành nào trả lời. Sau khi kiểm tra tình hình môi trường khu vực xã Thạch Sơn, Sở TNMT và Sở Y tế Phú Thọ có kết luận, chưa đủ cơ sở khoa học để đánh giá, xác định nguyên nhân dẫn đến nhiều người ở Thạch Sơn chết vì ung thư là do ô nhiễm môi trường hay do nguyên nhân khác!
Chỉ biết hiện tại, người dân không có điều kiện đi mua nước ở xa về dùng thì vẫn tiếp tục dùng nguồn nước ô nhiễm. Con mương dẫn chất thải dù được bê tông hóa nhưng chỉ dừng lại ở chiều dài 200m, vẫn tràn ra đồng ruộng Thạch Sơn.
Ở "đất ung thư" này, danh sách những người mắc và khốn đốn vì căn bệnh "tử thần" vẫn tiếp tục tăng.
Còn các giải pháp, mới đang dừng ở mức ''chỉ đạo''.
Kết quả kiểm tra tình hình môi trường ở Thạch Sơn |
Chất lượng nước ngầm không màu, không mùi, tổng chất sắt hòa tan, hàm lượng muối dạng ion hòa tan, độ dẫn điện cao. Hàm lượng NH4 trong nước đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Chất lượng nước thải: hàm lượng NH4 vượt 30 lần, pH bằng 2,51 chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Môi trường không khí có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,1-1,2 lần, hàm lượng SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép 1,2 lần. Các chất thải của các đơn vị sản xuất trên địa bàn có ảnh hưởng đến môi trường sống của khu vực xã; môi trường nước sông, không khí cũng bị ảnh hưởng do nước thải của Công ty Giấy bãi Bằng từ thượng lưu sông Hồng chảy xuống... |
Kiều Minh
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Việt Nam bàn giao chức Chủ tịch Hội phụ nữ ASEAN cho Brunei (10/11/2005)
▪ Một cách giúp trẻ nghèo đến trường (10/11/2005)
▪ Bao giờ mới công khai và minh bạch? (10/11/2005)
▪ Lạng Sơn tiềm ẩn dịch cúm gia cầm (10/11/2005)
▪ Thanh Hóa trước nguy cơ đại dịch (10/11/2005)
▪ Huế, một ngày sau khi dừng giết, mổ gia cầm (10/11/2005)
▪ Hạn chế thấp nhất khả năng lây truyền virus H5N1 từ gia cầm sang người (10/11/2005)
▪ Bộ Y tế đặt mua 25 triệu viên Tamiflu (10/11/2005)
▪ Chạy marathon góp quỹ nghiên cứu bệnh ung thư (10/11/2005)