Bao giờ mới công khai và minh bạch?
Các Website khác - 10/11/2005
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp XKLÐ thu "phí môi giới" thiếu minh bạch; thậm chí một số doanh nghiệp XKLÐ, do năng lực hoạt động yếu kém đã "bán" hoặc cho "thuê" giấy phép hoạt động XKLÐ, tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân xấu trong nước và nước ngoài mặc nhiên lạm thu tiền của người lao động.
"Phí môi giới" là một điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLÐ) tìm và ký được hợp đồng cung ứng lao động, bởi vì phần lớn các doanh nghiệp không thể và không có khả năng biết được doanh nghiệp, công ty nào ở nước ngoài cần bao nhiêu lao động, do đó bắt buộc phải qua môi giới và trả phí.

Có một sự thật trớ trêu, từ nhiều năm nay, không ai (cả bên cung ứng và bên tiếp nhận lao động) công bố có khoản "phí môi giới". Nhưng, nếu không nộp khoản tiền "mua" việc làm này, chắc chắn không doanh nghiệp XKLÐ nào của Việt Nam đưa được lao động đi làm việc nước ngoài. Do sự "tranh tối, tranh sáng" và mù mờ ấy, một số cán bộ, nhân viên xấu trong các doanh nghiệp XKLÐ đã lợi dụng để thu tiền bất chính của người lao động, tạo cơ hội cho những kẻ "cò mồi" ăn chặn tiền của người muốn đi làm việc ở nước ngoài.

Ðiển hình là vụ việc xảy ra ngày 22-6-2005 ở Công ty Hợp tác lao động nước ngoài (VINATEX) thuộc Tổng công ty Dệt-may (Bộ Công nghiệp), trong việc thu "phí môi giới" của hàng trăm tu nghiệp sinh đi học nghề và lao động ở Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Ðông, Giám đốc VINATEX; ông Trần Thanh Hải, Trưởng phòng thị trường Nhật Bản, và một số cán bộ khác, ngoài việc thu "phí môi giới" hàng nghìn USD/lao động để "giao" cho phía đối tác nước ngoài, còn lợi dụng thu thêm tiền của lao động để làm giàu bất chính. Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, số tiền thu thêm của người lao động lên tới hàng trăm nghìn USD và những cán bộ bị bắt tạm giam để điều tra (bà Ðông, ông Hải) đã bước đầu nộp lại cơ quan chức năng một lượng tiền mà họ đã thu trái phép của người lao động.

Cũng vì thiếu minh bạch trong việc thu "phí môi giới" đối với tu nghiệp sinh đi học nghề và lao động tại Nhật Bản, gần đây Công ty SULECO thuộc Sở LÐ-TB và XH thành phố Hồ Chí Minh đã phải gánh chịu khá nhiều hậu quả. Sự việc là: Theo hợp đồng đã ký giữa người lao động và Công ty SULECO, người lao động chỉ nộp tiền thế chân (hay còn gọi là tiền thế chấp) là 1.200 USD, tiền đặt cọc 1.500 USD và giấy tờ nhà để bảo đảm thực hiện hợp đồng giữa tu nghiệp sinh và SULECO. Toàn bộ số tiền đã đóng và giấy tờ nhà sẽ được trả lại đầy đủ (kể cả lãi suất ngân hàng) khi người lao động hoàn thành hợp đồng (ba năm) trở về nước. Hợp đồng giữa hai bên đã thỏa thuận rõ ràng như vậy, tuyệt nhiên không có ràng buộc gì về "phí môi giới". Tuy nhiên, vào cuối năm 2004, nhiều lao động hoàn thành thời gian tu nghiệp (từ năm 2001 đến 2004) ở Nhật Bản, và trở về nước, khi thanh lý hợp đồng, người lao động rất ngạc nhiên và bức xúc vì bị SULECO trừ 800 USD (trong số 1.200 USD tiền thế chân) nói là "phí môi giới", do đó họ không đồng ý. Sau nhiều cuộc họp để giải quyết, phía SULECO đã giảm "phí môi giới" xuống còn 650 USD/lao động. Vẫn không chấp nhận khoản tiền buộc phải khấu trừ này (vì không thể hiện trong hợp đồng đã ký), cho nên 29 lao động đã nộp đơn khởi kiện SULECO ra Tòa án nhân dân quận 5, TP Hồ Chí Minh. Giám đốc Công ty SULECO, ông Trần Quốc Ninh cho biết: Vào thời điểm cuối năm 2001, Công ty SULECO đang bị cơ quan chức năng thanh tra về việc thu và trả phí môi giới, việc thu "phí môi giới" tạm ngừng. Cho nên SULECO không thể ghi vào hợp đồng khoản thu này. Sau đó, khi cuộc thanh tra qua đi, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận cho phép SULECO thu "phí môi giới" 650 USD/lao động cho số 350 lao động đã đi tu nghiệp ở Nhật Bản vào thời điểm cuối năm 2001.

Bài học lớn nhất từ hai doanh nghiệp nói trên là đã không minh bạch trong việc thu "phí môi giới" với người lao động đi tu nghiệp ở Nhật Bản. Không chỉ ở hai công ty kể trên (VINATEX và SULECO), mà ở nhiều doanh nghiệp XKLÐ khác cũng diễn ra tình trạng thu "phí môi giới" thiếu minh bạch, thậm chí một số doanh nghiệp XKLÐ, do năng lực hoạt động yếu kém đã "bán" hoặc cho "thuê" giấy phép hoạt động XKLÐ, tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân xấu trong nước và nước ngoài mặc nhiên lạm thu tiền của người lao động. Hậu quả của tình trạng "mù mờ" trong việc thu phí môi giới, dù ở thời điểm nào, xảy ra ở doanh nghiệp XKLÐ nào, thì gánh nặng đều đổ xuống người lao động.

Hiện nay, trong số các thị trường lao động Việt Nam đến làm việc, chỉ có Malaysia được Bộ LÐ-TB và XH, Hiệp hội XKLÐ Việt Nam tạm thời quy định "ngưỡng" thu "phí môi giới" 350 USD. Thị trường Hàn Quốc, người lao động và doanh nghiệp XKLÐ cùng bỏ tiền trả "phí môi giới" nhưng phần đóng góp của người lao động nặng hơn. Các thị trường Nhật Bản và Ðài Loan, ta chưa thể quy định, vì về nguyên tắc, luật pháp ở hai thị trường trên không công nhận có "phí môi giới", nhưng thực tế thì người môi giới vẫn thu, thậm chí thu nặng, như ở Ðài Loan có thể lên tới 100 nghìn Ðài tệ.

Bên cạnh đó, do cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam, "phí môi giới" luôn bị đẩy lên cao, hậu quả là người "môi giới" và một số cán bộ XKLÐ giàu lên, người lao động luôn phải chịu cái giá "mua" việc làm ngày càng đắt. Vì vậy, "phí môi giới" là một trong những nguyên nhân buộc người lao động phải bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp để mong kiếm được nhiều tiền hơn, "bù" lại số tiền lớn phải bỏ ra để được đi làm việc ở nước ngoài.

Trong nền kinh tế thị trường, nhất là khi đã hình thành thị trường lao động, sức lao động đã trở thành hàng hoá, việc người lao động phải đóng một khoản "phí môi giới" cho môi giới nước ngoài để có được một chỗ làm việc và thu nhập là điều dễ hiểu và bình thường. Vấn đề là ở chỗ, "phí môi giới" đối với từng thị trường như thế nào là hợp lý, doanh nghiệp XKLÐ phải công khai và minh bạch các khoản thu, kể cả "phí môi giới", có ghi vào sổ sách kế toán của doanh nghiệp; có chứng từ và thể hiện trong hợp đồng đối với người lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LÐ-TB và XH) cần có cơ chế kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc thu "phí môi giới" ở doanh nghiệp XKLÐ, không để buông lỏng như hiện nay, dễ nảy sinh tiêu cực.

TRẦN ĐÌNH CHÍNH