Ðang giữa mùa đông, nhưng sau một đợt giá lạnh "kỷ lục" kể từ năm 1978, nước Nga lại được hưởng một tuần "ấm áp". Những ngày Tết Bính Tuất, ở Moscow nhiệt độ ban ngày chỉ xấp xỉ - 5 độ C, cho nên người Việt Nam ở xứ lạnh này có cảm giác như mùa Xuân thật sự đã về! Thời tiết rất thuận cho mọi người sắm sửa, đón Tết và đi lại thăm hỏi, gặp nhau trong những ngày đầu năm mới.
Cộng đồng Việt Nam ở Nga phần lớn là những người làm ăn, buôn bán tại các trung tâm thương mại, các chợ, ký túc xá. Có lẽ họ là những người đón Tết đậm đà chất Việt hơn cả, vì thường ngày sinh hoạt khá tập trung. Ở Moscow, phải đến khu Chợ Vòm, trung tâm buôn bán nhộn nhịp nhất của người Việt, hoặc các ký túc xá Tô-gi, Xaliut, Sông Hồng... mới cảm nhận được không khí Tết Nguyên đán.
Các quầy hàng bắt đầu bày bán hàng Tết từ giữa tháng chạp. Rất nhiều mứt Tết, loại chở sang Nga bằng đường biển, một hộp mứt "thập cẩm" giá khoảng 150 rúp (xấp xỉ 80 nghìn đồng Việt Nam), còn loại chuyển bằng đường hàng không, tốt hơn, giá cao hơn. Lá dong được chuyển sang Nga khá sớm, các "lò" bánh sản xuất tại chỗ, chất lượng không khác gì bánh chưng Hà Nội, giá chừng 150 rúp một chiếc. Ðây là mặt hàng bán rất chạy sáng 30 Tết ở tất cả các chợ. Giò lụa, giò thủ, giò bò, giò gà rất sẵn. Hành, kiệu muối đều có. Chân giò và gà sống tiêu thụ mạnh từ sáng đến chiều 30 Tết: chân giò giá từ 500 đến 700 rúp, gà tùy loại, khoảng 300 - 700 rúp/con. Hầu như tất cả những gì cần cho bữa cơm tất niên và mâm cỗ giao thừa đều có đủ, tùy khách lựa chọn. Chỉ khan hiếm rau và hoa, vì đang mùa lạnh. Ai cũng "mơ ước" có được một gánh rau xanh, rau thơm như ở Hà Nội! Một vài gia đình, đơn vị có một cành đào, cành mai nho nhỏ, nhờ có người đi máy bay mang sang. Hầu hết mọi người mua vài bông hồng, bông cúc để tạo hương sắc ngày Xuân.
Như hòa vào không khí đón năm mới ở trong nước mà chương trình VTV4 Ðài Truyền hình Việt Nam phát trực tiếp, vào lúc gần 8 giờ tối Moscow, thời điểm giao thừa ở Việt Nam, bất chấp trời lạnh, nhiều người ra đường, tản bộ dưới những hàng cây để đón nhận cái cảm giác mênh mang không gian đất trời và "hái lộc" tượng trưng, sau đó trở về "xông nhà", tổ chức liên hoan, chúc tụng nhau năm mới.
Ðêm giao thừa, những người xa xứ ai cũng tìm cách gọi điện thoại hoặc liên lạc qua mạng internet với người thân ở trong nước, chia sẻ những tình cảm bồi hồi, xúc động. Ngày đầu năm Bính Tuất là chủ nhật, cho nên mọi người có điều kiện đi lại thăm hỏi nhau, thêm vui. Sang mồng hai ai nấy đã đi làm, sinh viên lên lớp, người Việt trở lại với nhịp sống thường nhật sở tại.
Cộng đồng người Việt ở Nga không chỉ lo toan cho một cái Tết vật chất. Năm nào cũng vậy, đã thành truyền thống tốt đẹp, các công ty "mạnh thường quân" của người Việt phối hợp Ðại sứ quán Việt Nam tổ chức mời các nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn. Những ngày cuối năm, bà con rất phấn khởi được thưởng thức những bài ca, điệu múa đặc sắc, ấm áp nghĩa tình quê hương qua sự trình bày của Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền, các Nghệ sĩ Ưu tú Thái Bảo, Trung Ðức, ca sĩ Thanh Lam và một số ca sĩ, nghệ sĩ múa trẻ tuổi.
Hội diễn văn nghệ của cộng đồng người Việt "mừng Xuân, mừng Ðất nước, mừng Ðảng" cũng được tổ chức vào dịp này, làm cho Tết Nguyên đán càng ấm tình người, tình quê hương trong cái lạnh mùa đông Nga.
Năm vừa qua là một năm có khá nhiều khó khăn, thách thức đối với cộng đồng người Việt ở Nga. Hoạt động kinh doanh, buôn bán không được sôi động như trước, vì thị trường Nga có nhiều thay đổi khá nhanh chóng, cạnh tranh quyết liệt hơn. Thêm vào đó, dịp cuối năm, thời tiết giá lạnh khắc nghiệt đã buộc các trung tâm buôn bán của người Việt phải đóng cửa nhiều ngày vì không có khách.
Ngoài ra, một thời gian, tình trạng bạo lực đối với sinh viên nước ngoài ở nhiều địa phương Nga, như Vô-rô-net, Saint Petersburg... đã gây ra những lo ngại, phức tạp nhất định. Trong tình hình đó, Ðại sứ quán nước ta và Hội người Việt Nam tại LB Nga (thành lập năm 2004) có nhiều biện pháp giúp bà con ổn định làm ăn, sinh sống, học tập.
Hội người Việt Nam năm qua tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, lập thêm chi hội tại các địa phương Nga, triển khai những hoạt động góp phần tăng cường tình đoàn kết, thân ái và củng cố an ninh trong cộng đồng; động viên bà con luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với quê hương; mở rộng, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dân nước bạn. Với sự nỗ lực của mỗi người, mỗi tập thể, toàn thể cộng đồng người Việt ở Nga đã vượt lên khó khăn, không để xảy ra "sự cố" gì đáng kể trong năm qua.
|