Theo truyền thống, cứ vào đầu năm mới thì nhà nông nặn một tượng bò bằng đất đem đặt giữa cánh đồng với quan niệm để tẩy uế tất cả các bệnh tật làm hại bò và một tượng trâu để trừ bệnh cho trâu... Nhân dân quanh vùng tụ tập lại làm một kiệu rước, bên trên đặt chín tượng người làm ruộng bằng đất, cao 5 tấc; 12 tượng người nhỏ hơn, cao 15 phân; một tượng trâu - bò to bằng con mèo và 12 tượng bò - trâu to bằng cổ tay. Số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nếu là năm nhuận thì số người và số trâu - bò tăng thêm một.
Người chủ xướng cuộc lễ là vị nhiều tuổi nhất trong làng gọi là A-cha. Ðoàn kiệu xuất phát từ nhà A-cha đi khắp các nẻo đường suốt buổi sáng. Một dàn nhạc tháp tùng đoàn tấu những bản vui tươi, và các nông dân đều đi phía sau. Kiệu đi ra ruộng, người ta đem tượng trâu - bò để xuống đất rồi trở về nhà.
Người ta quan niệm rằng, suốt buổi chiều và đêm hôm ấy những hình tượng sẽ gánh hết mọi bệnh tật cho người và súc vật. Sáng hôm sau, vị A-cha cùng các nông dân ra ruộng đập vỡ chín tượng người và bò - trâu lớn, còn lại các tượng nhỏ đem về trình quan chức làng xã.
Ngày nay, lễ rước trâu, bò đầu năm được thay đổi. Trong đoàn kiệu rước tượng trưng cho người và bò - trâu bằng đất, người ta thêm hình bò - trâu giấy. Mình con trâu sơn năm mầu tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Sau kiệu có một con bò hay con trâu thật. Ðoàn người đi khắp các đường phố và dừng lại trước miếu ông Tà, thường là ở ngoài ruộng. Ðoàn kiệu sau đó trở về nơi xuất phát. Còn con bò, trâu thì đem xẻ thịt chia cho mỗi người một phần.
|