Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, tuy vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân ở những nơi thu hồi đất đã được đề cập ở cả phần V và phần VI "thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...", nhưng chưa thật thỏa đáng.
Trong những năm gần đây, diện tích đất trồng trọt ở nhiều địa phương tiếp tục bị thu hẹp. Bên cạnh một bộ phận nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, nảy sinh tình trạng một bộ phận nông dân có diện tích đất bình quân đầu người vốn đã thấp (đặc biệt là đồng bằng sông Hồng), nay càng thấp hơn. Sau đền bù, giải tỏa, đời sống, việc làm của hàng triệu nông dân (con số ước tính) thuộc những vùng đất bị thu hồi đang là vấn đề bức xúc. Cả nước có 36 tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp, khu chế xuất đi vào hoạt động. Quá trình đó đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Tuy nhiên số đó quả còn quá thấp so với số nông dân trong diện thu hồi đất, đòi hỏi chúng ta cần có các biện pháp giải quyết đồng bộ và khả thi. Cần coi đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của cả xã hội. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, tuy vấn đề này đã được đề cập ở cả phần V và phần VI "thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...", nhưng chưa thật thỏa đáng. Dự thảo Báo cáo Chính trị cần chỉ rõ việc xây dựng những chính sách đồng bộ và trách nhiệm các nhà đầu tư (các chủ thể kinh tế được cấp hoặc thuê đất) cùng hợp sức giải quyết. Theo đó, phân rõ trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi chủ thể, có chế tài đủ mạnh, chỉ đạo tập trung và thống nhất, kiểm tra sâu sát, thật sự dân chủ và công khai trong quá trình tổ chức thực hiện.
Giải quyết tốt việc làm cho người nông dân vùng bị thu hồi đất canh tác để thực hiện CNH là một trong những mắt xích quan trọng góp phần làm cho sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn ở nước ta phát triển vững chắc và toàn diện.
Ðại tá, PGS, TS LẠI NGỌC HẢI (Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn - Bộ Quốc phòng)
--------------------------------------
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng tôi xin được đóng góp mấy ý kiến ở phần XIV: "Ðổi mới và chỉnh đốn Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng", với những nội dung như sau:
Ở mục 4- "Ðổi mới công tác cán bộ", Dự thảo ghi: "Ðặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao", theo chúng tôi, nên thay bằng cụm từ "cán bộ lãnh đạo các cấp", vì cán bộ cấp cao trong bộ máy tổ chức Ðảng, Nhà nước số lượng không nhiều so với cán bộ lãnh đạo các cấp. Từ đó, nếu không đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, bộ máy quản lý, điều hành xã hội dễ nảy sinh khuynh hướng quan liêu, xa rời quần chúng và cũng rất dễ xuất hiện các biểu hiện tiêu cực.
Ðối với việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, dự thảo nêu: "Kiên quyết khắc phục những biểu hiện cá nhân, độc đoán, thiếu công tâm và khách quan cũng như tình trạng nể nang, tùy tiện, trì trệ trong công tác cán bộ", nội dung này mới chỉ dừng lại ở từ "khắc phục", cho nên đề nghị thay bằng động từ "Kiên quyết đẩy lùi, ngăn chặn..." nhằm tỏ rõ quan điểm của Ðảng, Nhà nước luôn coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, góp phần đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Về vấn đề luân chuyển cán bộ, Dự thảo nhấn mạnh: "Thống nhất việc lãnh đạo của Ðảng đối với công tác cán bộ trong cả hệ thống chính trị, thực hiện luân chuyển cán bộ, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ về công tác cán bộ. Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là thủ trưởng cơ quan Nhà nước. Cơ quan nào vi phạm chính sách, pháp luật, để xảy ra tình trạng tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm". Luân chuyển cán bộ và quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan Nhà nước là một chủ trương đúng đắn của Ðảng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả quản lý, điều hành theo chế độ thủ trưởng, chống tư tưởng cục bộ, nhưng rất cần bổ sung nội dung "thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện luân chuyển cán bộ" bởi trong công việc hệ trọng này nếu để lồng ý đồ cá nhân thì dễ dẫn đến tình trạng "vô hiệu hóa" những người có đức, có tài nhưng "không ăn cánh".
NGUYỄN TIẾN ÐẠT (Lâm Ðồng)
--------------------------------------
Bảo vệ môi trường sinh thái
Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu: "Bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái" nhưng tôi thấy cần phải nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của vấn đề này.
Bảo vệ môi trường là vấn đề rất lớn, rất quan trọng cả trên phạm vi toàn cầu và với từng quốc gia. Hiện nay tình trạng khí hậu nóng dần lên của trái đất, sự hủy hoại tầng ozone đang đặt nhân loại trước những thảm họa ngày càng lớn và chưa thể lường hết được.
Ở nước ta, tình trạng mưa bão, lũ lụt, hạn hán... ngày càng trầm trọng đều có nguyên nhân từ sự tàn phá môi trường. Ở các thành phố, cụm công nghiệp, cụm dân cư, các làng nghề, nạn rác thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm các nguồn nước ngày càng nặng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tài nguyên nước ngầm cũng đang bị cạn kiệt.
Do vậy, theo tôi cần xác định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đi đôi với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Tốc độ công nghiệp hóa càng cao thì việc bảo vệ môi trường phải càng được đẩy mạnh. Ðầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đồng thời đầu tư thỏa đáng cho việc bảo vệ môi trường. Nếu môi trường bị tàn phá thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ phải trả giá rất đắt.
Tôi đề nghị ngay trong phần nói đến mục tiêu, phương hướng tổng quát 5 năm 2006-2010 cần bổ sung sau cụm từ "đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" là cụm từ "đi đôi với bảo vệ môi trường".
VŨ NHƯ OÁNH (Hà Nội)
|