Theo Ban quản lý phát triển vận tải công cộng và xe điện Hà Nội - chủ đầu tư dự án, tuyến đường được chọn để xây dựng thí điểm là từ Nhổn về ga Hà Nội, dài 12,5 km. Ðây là trục đường chính từ khu vực phía tây thành phố, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới, các trường đại học lớn, vào trung tâm thành phố.
Hiện nay, do lưu lượng người và phương tiện tham gia quá lớn, gây quá tải cho tuyến đường, cho nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến và các trục đường liên quan. Bắt đầu từ Nhổn, đoàn tàu đi qua Cầu Diễn, Mai Dịch, Cầu Giấy, Kim Mã, rẽ phải theo phố Núi Trúc, rồi đi tiếp qua Cát Linh, Quốc Tử Giám đến ga Hà Nội và ngược lại.
So với tàu điện được xây dựng từ những thế kỷ trước, thiết kế tuyến đường và đoàn tàu này sẽ hiện đại hơn nhiều. Toàn bộ quãng đường từ Nhổn đến ga Hà Nội, nơi đoàn tàu đi qua được thiết kế trên cao hoặc làm ngầm dưới lòng đất. Cụ thể từng phân đoạn như sau: Ðoạn đầu tiên từ Nhổn đến đường Phạm Hùng (đường vành đai ba) dài 5,5 km, tàu đi trên cao, cách mặt đất 7,5 m, điểm vượt đường vành đai ba cách mặt đất 12,4 m. Ðoạn thứ hai, từ đường Phạm Hùng đến Ðại sứ quán Thụy Ðiển dài 4,1 km, cách mặt đất 7,5 m, điểm vượt nút Cầu Giấy cách mặt đất 15 m, sau nút giao với đường Vạn Bảo bắt đầu hạ độ cao để đi ngầm, sâu dưới lòng đất 6 m ở nút giao với đường Núi Trúc. Ðoạn thứ ba từ Ðại sứ quán Thụy Ðiển đến Khách sạn Horison dài 1,3 km, tàu đi ngầm, sâu dưới lòng đất 6,5 m. Và đoạn cuối cùng từ Khách sạn Horison đến ga Hà Nội dài 1,6 km, tàu tiếp tục đi ngầm, cách mặt đất 17 m. Trên toàn tuyến có 15 ga, cách nhau trung bình 800 m.
Cũng theo chủ đầu tư dự án, loại tàu điện đưa vào hoạt động tại Hà Nội sẽ là loại tàu ba khoang, dài 58,5 m, rộng 2,6 m, tốc độ tối đa 80 km/giờ, có khả năng chuyên chở từ 431 đến 587 hành khách. Dự tính khi đi vào vận hành, thời gian phục vụ của tuyến tàu điện này sẽ từ 5 giờ sáng đến 24 giờ hằng ngày, với tần suất hơn 5 phút/chuyến. Thời gian đi hết một vòng theo tính toán mất 49 phút.
Ban đầu thành phố sẽ đầu tư khoảng 12 đoàn tàu, trong tương lai sẽ nâng lên thành 17 đoàn. Dự tính, tàu điện sẽ vận chuyển được khoảng 123.800 hành khách/ngày vào thời điểm năm 2010, và sẽ tăng lên thành 274.000 hành khách vào năm 2020. Tổng mức đầu tư cho cả dự án khoảng 8.700 tỷ đồng.
Các chuyên gia về giao thông đều cho rằng, hiện tại là thời điểm rất thích hợp để Hà Nội đầu tư phát triển các phương tiện giao thông công cộng mới, hiện đại. Hiện nay, phương tiện vận tải hành khách công cộng duy nhất ở Hà Nội là xe buýt. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng do nhu cầu sử dụng của người dân tăng quá nhanh, nên xe buýt luôn trong tình trạng quá tải.
Theo dự kiến, đến năm 2010 nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng sẽ lên đến 30%. Lúc đó, nếu không có các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, có sức chở lớn hơn thì không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, gây ra tình trạng hỗn loạn trong giao thông. Mặt khác, đường sắt đô thị phù hợp một thành phố nhỏ, cổ kính, nhiều di tích lịch sử như Hà Nội, bởi nó vận hành an toàn, ít gây ô nhiễm và đặc biệt nó giảm gánh nặng cho mặt đường vốn đã quá tải. Chắc chắn khi đi vào hoạt động, loại hình giao thông mới này sẽ tạo lập thói quen đi lại mới cho người Hà Nội. Ðó cũng là cơ sở để thành phố tiếp tục xây dựng, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của thủ đô trong tương lai.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua báo cáo tiền khả thi của dự án. Ðồng thời, Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, giao chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng quyết định. Nếu được chấp thuận, trong năm 2006, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ được khởi công, hoàn thành vào năm 2010, chào mừng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|