Ðang làm thư ký cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đó là năm 2002, khi ấy vừa tròn 29 tuổi, Vũ Trọng Ðản đã có một quyết định "ngược đời" và làm cho nhiều người sửng sốt khi quyết định xin thôi việc. Ít ai biết rằng, trong trái tim của người thanh niên này đang trỗi dậy những khát khao cháy bỏng với ý tưởng chinh phục những vùng đất mới.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Vũ Trọng Ðản theo người anh ruột về Kon Tum. Vào thử việc ở Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển tỉnh Kon Tum được mấy năm, do thể hiện những năng lực rất tốt trên nhiều mặt công tác, anh được điều về văn phòng UBND tỉnh và trực tiếp làm thư ký cho một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ai ngờ, đang yên lành, Vũ Trọng Ðản làm đơn xin nghỉ việc. Thật ra, đã từ lâu, người thanh niên này luôn ấp ủ khao khát trở thành một doanh nhân làm giàu chính đáng nhưng chưa tìm được hướng đi, chưa biết bắt đầu từ đâu? Vốn liếng lại không có là bao! Chính vì vậy, Vũ Trọng Ðản luôn suy nghĩ, trăn trở và đã đi, tìm hiểu nhiều vùng quê trên đất Kon Tum để khảo sát. Chính trong những ngày tháng tìm tòi đó, ý tưởng táo bạo quyết định thành lập xưởng chế biến mủ cao-su được hình thành khi anh nhìn thấy những lô cao-su bạt ngàn, xanh thẳm. Bàn đi tính lại, anh gom số vốn ít ỏi của mình, vay thêm bạn bè và ngân hàng, thành lập Công ty TNHH Vạn Lợi với chức năng: chuyên kinh doanh sản phẩm cao-su và hàng nông sản vật tư nông nghiệp, sơ chế mủ cao-su.
Ðược tỉnh đồng ý, năm 2004, Vũ Trọng Ðản dồn sức xây dựng nhà máy ở xã KRoong, với diện tích hơn bốn ha, nằm ngay bên dòng Ðak Bla, cách thị xã Kon Tum khoảng 15km về phía tây. Ðây là vùng đất hoang vu, xa nơi dân cư, phù hợp việc sản xuất và chế biến mủ cao-su, có khả năng phát triển, mở rộng quy mô.
Sau sáu tháng khẩn trương xây dựng, cuối năm 2004, nhà máy đã cho những sản phẩm đầu tiên với chất lượng cao, được khách hàng tín nhiệm. Giám đốc Vũ Trọng Ðản nói với chúng tôi: "Tôi đã đầu tư hơn bảy tỷ đồng cho nhà máy và hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động". Chúng tôi rất vui khi đến thăm nhà máy vào những ngày này bởi cảm nhận được không khí lao động hối hả của hơn 80 cán bộ, công nhân viên chức ở đây. Những người được tuyển vào làm việc ở nhà máy hầu hết là những thanh niên còn rất trẻ, chưa có việc làm, họ là công dân ở thị xã Kon Tum, thu nhập bình quân từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mỗi ngày còn được ăn hai bữa cơm trưa và tối trong nhà ăn sạch sẽ, được trang bị quần áo, tư trang bảo hộ lao động đầy đủ. Tiếp xúc nhiều công nhân ở đây, họ đều có chung cảm nhận là phấn khởi vì có việc làm ổn định lại có thu nhập khá nên yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp.
Ðiều đáng ghi nhận và biểu dương Vạn Lợi là mới bước vào sản xuất hai năm nhưng công ty đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 1 tỷ 660 triệu đồng, trong đó, riêng năm 2005 là 1 tỷ 200 triệu đồng, là một trong những doanh nghiệp tư nhân có số nộp ngân sách cao ở tỉnh Kon Tum.
Không dừng lại ở những gì đã có, giám đốc Vũ Trọng Ðản luôn nghĩ suy, trăn trở để mở rộng quy mô và phạm vi sản xuất kinh doanh. Anh dự định trong năm 2006, doanh nghiệp sẽ trồng mới khoảng 100 ha cao-su ở các xã KRoong, Sa Bình và cứ mỗi năm lại tăng thêm diện tích và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ. Rồi đây, nhà máy chế biến mủ cao-su cũng sẽ được đầu tư công suất lớn hơn, hiện đại hơn để sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc và dự tính những năm tới sẽ mở rộng sang thị trường Mỹ và một số nước châu Âu.
Mới 32 tuổi, Vũ Trọng Ðản hiện là chủ doanh nghiệp trẻ nhất ở Kon Tum hiện nay. Từ một suy nghĩ đầy quyết tâm và táo bạo, anh đã lăn lộn trên thương trường để đến hôm nay, chỉ sau vài năm lập nghiệp, người thanh niên này đã có trong tay một cơ ngơi tài sản lớn, tạo việc làm cho hàng chục thanh niên và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
NGUYỄN VĂN CHIẾN (Ðảng ủy khối doanh nghiệp) tỉnh Kon Tum
|