Bài toán bãi đậu xe ở TP HCM càng gỡ càng rối
Các Website khác - 06/03/2006

Theo tính toán của Sở Giao thông Công chính, sau ngày 1/5, lượng xe trên địa bàn thành phố sẽ tăng 30%/tháng. Trong khi đó, các điểm đỗ, bãi đậu xe hiện có chỉ đáp ứng được khoảng 20% trong gần 276.000 ôtô các loại đang lưu hành.

Sở GTCC TP HCM cho biết, số xe đang lưu hành của thành phố chiếm gần 50% số xe hiện có trên toàn quốc. Theo số liệu năm 2005, trung bình mỗi tháng có thêm từ 2.500 đến 3.000 xe mới được đưa vào lưu hành. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Lộc, chuyên viên Ban An toàn giao thông thành phố, con số trên chỉ mang tính dự báo tương đối. Còn số lượng tăng lên cụ thể bao nhiêu để làm cơ sở cho các tính toán cụ thể, tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề bãi đậu thì còn phải… chờ đến sau ngày 1/5.

Đường Lê Lợi được giành một phần để làm nơi đỗ xe có thu phí. Ảnh: Lưu Đức

Trong khi đó, diện tích bến bãi dành cho xe khách, xe buýt, xe tải, taxi tại TP HCM là 44 ha, bằng 0,1% diện tích đô thị, trong khi nhu cầu cần có là 300 ha. Đến năm 2020, theo quy hoạch cần 1.140 ha, bằng 2,6% diện tích đô thị, trong khi tại các nước là 20%.

Từ giữa những năm 1990, TP HCM đã đứng trước áp lực thiếu điểm đỗ, bãi đậu cho xe con tại các quận trung tâm. “Không biết sau ngày 1/5 tình trạng giao thông, khủng hoảng bãi đậu sẽ lên đến mức nào?”, một cán bộ của đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 băn khoăn.

Loay hoay tìm giải pháp

Gần đây, tại một số quận như 1, 3, 5… đưa ra giải pháp là dành một phần đường cho xe đậu cả hai chiều hoặc một chiều theo ngày chẵn, ngày lẻ. Thế nhưng giải pháp này cũng không giải quyết được tình trạng thiếu bãi đậu.

Sở GTCC cũng đang tiến hành chấm, chọn thêm các tuyến, đoạn đường có thể cho phép xe đỗ, đậu cả hai chiều hay một chiều. Nhưng theo ông Lê Quyết Thắng, Phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP HCM, thì: “Quỹ mặt đường còn lại có thể tạm thời đưa vào làm điểm đỗ, bãi đậu xe là rất ít. Một số đoạn, tuyến đường chọn, chấm được thì lại rất dễ ảnh hưởng tới các tuyến đường có mật độ lưu thông cao gần đó. Khi các tuyến này rơi vào ùn tắc, người đi đường dễ dồn thoát về các tuyến dùng làm điểm đỗ xe gây kẹt tiếp trên diện rộng. Nguy hiểm quá!".

Quảng trường sau lưng Nhà hát lớn TP sẽ được xây dựng bãi xe ngầm. Ảnh: Lưu Đức

Một giải pháp khác đang được nghiên cứu là tìm những kho bãi bỏ trống hoặc sử dụng không hết diện tích để làm điểm đỗ, bãi đậu xe. Ông Thắng cho biết: “Hiện thành phố còn rất nhiều kho, bãi như vậy nhưng nó thuộc quyền quản lý Công ty quản lý kho bãi. Muốn dùng làm điểm đỗ, bãi đậu xe thì chỉ có UBND thành phố ra quyết định thu hồi, chuyển đổi công năng”.

Từ năm 1995 đến nay, Sở GTCC chủ trương xã hội hóa việc xây dựng các bãi đậu xe tải, xe khách trên địa bàn thành phố. Thế nhưng chủ trương này đã không được các nhà đầu tư tích cực tham gia, trong khi chính quyền thành phố đã có hàng loạt chính sách ưu đãi đối với họ như thời gian cho thuê đất, chính sách vay vốn... Cản trở lớn nhất là công tác quy hoạch bến bãi diễn ra rất chậm.

Trong những năm gần đây, tại các quận 1, 3, 5, nhiều ngôi nhà xây mới đã được gia chủ thiết kế thêm tầng hầm để xe. Theo một kiến trúc sư, việc làm trên cho thấy “tầm nhìn” của người dân trong xu hướng phát triển của kinh tế thành phố và cả nước. Mặt khác, việc người dân tự ý thức làm tầng hầm để xe sẽ góp phần giảm gánh nặng đầu tư xây dựng bãi ngầm từ phía Nhà nước. Giám đốc một công ty nằm trên đường Thủ Khoa Huân, quận 1, cho hay sau khi xây lại căn nhà, đồng thời là trụ sở của công ty với tầng hầm để xe bên dưới thì lượng khách giao dịch tăng lên.

Vị kiến trúc sư trên đặt vấn đề, nếu thành phố có quy định chính thức các nhà mặt tiền khi xây dựng mới phải xây tầng hầm để xe bên dưới, hoặc có thể quy định, muốn đặt trụ sở doanh nghiệp tại các quận trung tâm thì phải có điều kiện đi kèm là căn nhà dùng làm trụ sở phải có tầng hầm. “Quy định về việc việc xây nhà phải có tầng hầm cũng là một biện pháp xã hội hóa xây dựng bãi đậu xe”, kiến trúc sư này nói.

UBND TP HCM vừa quyết định mời các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng 7 bãi đỗ xe ngầm tại khu vực trung tâm thành phố. Bãi đỗ xe ngầm thứ 8 tại công viên Lê Văn Tám đã được giao cho Công ty Xây dựng công trình ngầm đầu tư.

Vị trí tám điểm sẽ xây dựng bãi đậu xe ngầm và trên cao. Ảnh: Lưu Đức

Các bãi đỗ xe nói trên được thiết kế theo kiểu vừa có tầng hầm ở dưới vừa có tầng cao để xe ở trên. Đặc biệt, công nghệ xếp xe tự động với công suất xếp xe 1 phút/xe sẽ được đưa vào sử dụng. Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC, đây là các dự án dài hơi, cần vốn lớn, thời gian xây dựng dài nhưng sẽ là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng thiếu điểm dừng, bãi đậu.

Bảy dự án bãi đậu xe ngầm và nhiều tầng đang mời đầu tư:

1. Bãi đậu xe ngầm tại số 116 Nguyễn Du có tổng diện tích 560 m2, diện tích xây dựng dưới mặt đất 3.950 m2 gồm 8 tầng ngầm.
2. Bãi đậu xe ngầm bờ sông Sài Gòn có tổng diện tích xây ngầm 45.540 m2, xây trên mặt đất 900 m2, gồm 5 tầng, có thể chứa 5.000 ôtô, 5.000 xe máy.
3. Bãi tại sân bóng đá Tao Đàn có tổng diện tích ngầm 40.000 m2 gồm 4 tầng.
4. Bãi tại công viên Chi Lăng có tổng diện tích ngầm 3.560 m2, diện tích xây trên mặt đất 210 m2 gồm 7 tầng.
5. Bãi đỗ tại công viên Bách Tùng Diệp gồm 5 tầng, 5.200 m2 xây ngầm và 300 m2 xây trên mặt đất.
6. Bãi đỗ ngầm tại công trường Lam Sơn gồm 8 tầng, 2.110 m2 xây ngầm và 230 m2 xây trên mặt đất.
7. Bãi đậu xe tại sân vận động Hoa Lư gồm 5 tầng, tổng diện tích 2.110 m2.

Lưu Đức