Bạn đọc Xuân Hà (Ðà Nẵng): Việc sản xuất và tiêu thụ vàng mã vài năm gần đây phát triển nhanh chóng. Nó không có tiếng nổ như pháo cho nên ít được dư luận chú ý. Nhưng rõ ràng gây nguy hại và lãng phí hơn pháo rất nhiều. Mới đây, tại lễ hội chùa Hương cảnh hai lò đốt vàng mã hoạt động hết công suất, đốt suốt ngày đêm mà không đáp ứng kịp nhu cầu của người hành lễ, cho thấy sự lãng phí đến thế nào. Lễ hội đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, theo tính toán sơ bộ, mỗi ngày số vàng mã được đốt khoảng một tỷ đồng. Ròng rã suốt chừng ấy ngày trước và sau Tết thì bao nhiêu tiền thật được mua vàng mã để đốt ở đền Bà Chúa Kho, ở lễ hội chùa Hương? Cả nước hằng năm có gần 9.000 lễ hội. Tất nhiên là không có lễ hội nào không đốt vàng mã. Mà nói là vàng mã nhưng đâu có rẻ. Chùa Liên Hoa ở phường 5 (quận 11, TP Hồ Chí Minh) trong một năm không đốt vàng mã đã tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo trong vùng. Một việc làm thật có ý nghĩa cả về nhân đạo lẫn lễ giáo. Một số tiền sử dụng thật đúng mục đích và rõ ràng là không nhỏ. Vậy trên đất nước ta có bao nhiêu chùa, nhiều chùa còn nổi tiếng hơn chùa Liên Hoa, bao nhiêu đình miếu, bao nhiêu am thờ tại gia và gần 9.000 lễ hội, thì số tiền hằng năm xã hội dùng để mua và đốt hàng mã chắc chắn phải rất nhiều. Nghìn tỷ đồng đốt đi để mua lấy sự ô nhiễm môi trường, sự lãng phí và các hệ lụy của mê tín dị đoan.
Bạn đọc Tô Diệp (Thái Bình): Hằng năm, bắt đầu sang tháng bảy âm lịch, thị trường vàng mã lại sôi động hẳn lên. Các cửa hàng lớn, từ mấy tháng trước đã chạy đôn chạy đáo, tìm nguyên liệu, thuê in các loại mẫu mã, tìm thợ khéo tay, ngày đêm cắt dán, từ ngựa, quần áo, nón hài, cặp da, kính cận đến xe máy, ô-tô, nhà lầu, vàng thoi bạc nén... Ðội ngũ tiếp tay cho mặt hàng này là hàng loạt thầy bà mọc lên như nấm. Họ gồm từ những người lười lao động, được "thánh cho ăn lộc" đến các ông đồ rởm, võ vẽ đôi ba chữ nho. Có người chỉ thuộc mồm dăm bài văn nôm khấn gia tiên cũng lao ra hành nghề. Một nghề hái ra tiền, mà vốn đầu tư lại rất ít. Chỉ cần một khăn xếp, một bộ đồ nâu, một chuông con, một mõ và vài quyển sách, đại loại như "Vạn sự Ất Dậu", "Tam thế diễn cầm", "Ðàm thiên, thuyết địa"... là có thể đăng đàn hành lễ. Gần đây, ở Thái Bình có một số thầy bà vị lý do câu khách đã mọc ra một mốt kỳ quái: Họ viết bằng mực đỏ lên giấy sớ, bùa chú trông rất lạ, nhìn xa thì có hàng có lối như viết chữ nho, nhưng đến gần thì chữ nào cũng giống chữ nào. Ðây là loại "ngàn chữ như một" vì cả người viết ra lẫn các nhà thông thái, đều không ai đọc được. Họ tuyên truyền rằng đây là kiểu chữ "thánh" mới ban. Chỉ tính riêng ở huyện Kiến Xương đã có ngót hai trăm thầy bà như vậy. Vào dịp này, họ mướn vài ba thầy bà, mua sắm thật nhiều vàng mã (có khi lên đến cả triệu đồng) rồi chọn ngày chạy đàn giải oan. Hủ tục này bành trướng đã nhiều năm, mà không thấy chính quyền hoặc ngành văn hóa chỉ đạo ngăn chặn.
Bạn đọc Lê Văn (Thanh Hóa): Năm 1951, Nhà nước ban hành Luật thuế công thương nghiệp, có biểu thuế hàng hóa, trong đó có bảng thuế suất thu các loại hàng hóa phải chịu thuế từ 10% đến 100% giá trị hàng hóa làm ra. Thuế hàng hóa thu có dán tem trước khi đem ra thị trường bán. Vàng mã là loại hàng chịu thuế suất 100% vì loại hàng Nhà nước không khuyến khích và chỉ đốt đi sau khi cúng. Vào dịp lễ đầu năm, rằm tháng bảy đồ vàng mã làm không có mà bán, có nhà mua đủ thứ, đủ loại tốn tiền triệu đốt đi thật lãng phí. Người đi mua vàng mã thường không mấy khi mặc cả, cốt là thành tâm. Làm đồ vàng mã, bán vàng mã có nhiều lãi, cho nên họ đổ xô làm và bán. Thuế hàng hóa thu vào vàng mã là nguồn thu tăng cho ngân sách. Ðó là loại thuế gián thu vào người tiêu dùng. Nhà nước không ngăn cấm việc làm và đốt vàng mã, thu thuế vào vàng mã, hàng đó sẽ đắt hơn, ít người mua, giảm bớt việc mua đốt trong lúc các em chưa có vở viết. Mong ngành thuế nghiên cứu ý kiến của dân.
|