Những tiếng nói tâm huyết với nghề, với hội
Các Website khác - 15/08/2005
Ngày 13-8, tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam, ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin đã phát biểu ý kiến và nhiều nhà báo đã trình bày tham luận, nói lên vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, những tiếng nói tâm huyết với nghề, với hội. Dưới đây xin trích đăng một số ý kiến, tham luận đó:
Ông Phạm Thế Duyệt:
Ðội ngũ báo chí Việt Nam đã chung lòng, chung sức, cùng toàn Ðảng, toàn dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước ...

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí luôn là một lực lượng tiên phong, là công cụ vô cùng sắc bén, là người tuyên truyền tập thể, cổ vũ tập thể, tổ chức tập thể, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong tổ chức Mặt trận qua các thời kỳ, động viên nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta hy sinh phấn đấu trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong hai mươi năm trở lại đây, đội ngũ báo chí Việt Nam đã chung lòng, chung sức, cùng toàn Ðảng, toàn dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước và đổi mới báo chí. Nhiều nhà báo và nhiều cơ quan báo chí đã đi đầu trong việc tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước; nhạy bén phát hiện và dũng cảm đấu tranh cho những nhân tố mới xuất hiện được thừa nhận và lan tỏa trong đời sống, tạo nên động lực mới cho công cuộc phát triển đất nước.

Nhiều tác phẩm báo chí đã kịp thời chỉ ra những vấn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất và đời sống, kiến nghị những giải pháp, cơ chế mới, thiết thực góp phần vào việc vận dụng sáng tạo những tư tưởng chỉ đạo của Ðảng trên các lĩnh vực để khai thác những tiềm năng to lớn trong mỗi ngành, mỗi địa phương vào việc thực hiện những mục tiêu chung.

Nhiều tờ báo, nhiều nhà báo đã dũng cảm đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực tạo bầu không khí dân chủ, công bằng, lành mạnh hóa quan hệ xã hội.

MTTQ Việt Nam rất hoan nghênh các cơ quan báo chí đã kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, là diễn đàn tin cậy của mọi tầng lớp trong xã hội trước những vấn đề mới đặt ra trong mỗi giai đoạn của quá trình phát triển, góp phần phát huy bản chất dân chủ tốt đẹp của chế độ chúng ta. Các chuyên mục như "Xã luận" báo Ðảng, "Cùng bàn luận" báo Quân đội, "Sự kiện và bình luận" báo Lao Ðộng, "Người tốt, việc tốt" báo Hà Nội mới, "Thời luận" báo Ðại Ðoàn Kết, v.v. đều là những bài viết sắc bén, mạnh mẽ, đầy tính thuyết phục, được bạn đọc đồng tình, quan tâm.

Nhiều cơ quan báo chí phát thanh, truyền hình đã không chỉ tham gia tuyên truyền chính sách văn hóa, xã hội, mà còn tích cực tuyên truyền cho các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động; tích cực tham gia công cuộc xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động xã hội, từ thiện như cứu trợ các vùng bị thiên tai, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ, chăm lo nhiều gia đình chính sách, chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, thành lập các quỹ học bổng khuyến khích các tài năng trẻ..., góp phần gìn giữ và nhân lên những giá trị nhân đạo truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong điều kiện mới...

... Trong nhiệm vụ lớn lao đó, MTTQ Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của Hội Nhà báo và đội ngũ những người làm báo Việt Nam. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng như tổ chức Mặt trận các cấp luôn mong mỏi, trông cậy sự tham gia chủ động, tích cực của Hội Nhà báo, tinh thần hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan báo chí, đội ngũ các nhà báo trong việc thực hiện nhiệm vụ chung...

Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị:
Sát cánh cùng với Hội Nhà báo Việt Nam làm tốt hơn việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất cho hội viên...

Là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí, trong những năm qua, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có nhiều cố gắng đổi mới và nâng cao năng lực quản lý, làm tốt vai trò, trách nhiệm cơ quan quản lý báo chí, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí ngày càng phát huy tốt hơn vai trò và khả năng của mình; bảo đảm các điều kiện để báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật. Bộ Văn hóa - Thông tin đã kịp thời giúp Chính phủ thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Ðảng về báo chí thành các quy định cụ thể trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển thông tin báo chí, đổi mới công tác cung cấp thông tin, giúp báo chí nắm bắt kịp thời, đầy đủ định hướng và sự chỉ đạo của Ðảng, các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật và sự điều hành của Chính phủ. Bộ cũng đã thực hiện ngày càng tốt hơn, kịp thời hơn công tác khen thưởng đối với báo chí. Hướng dẫn, trao đổi, cộng tác chân thành và đầy trách nhiệm đối với Hội Nhà báo Việt Nam, với các cơ quan báo chí và các nhà báo, để cùng nhau nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí nước ta, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí nước ta có truyền thống gắn bó mật thiết với dân tộc và cách mạng; từ lâu đã xác định cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng nhân dân. Chúng ta thật sự là những người có trọng trách và có vinh dự to lớn được kế tục sự nghiệp báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng; được đóng góp cho sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân trên cương vị và trách nhiệm nhà báo. Ðảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, ghi nhận những đóng góp của báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước, nhưng cũng đồng thời đặt ra cho hoạt động báo chí và đội ngũ những người làm báo những nhiệm vụ hết sức nặng nề, những đòi hỏi hết sức chính đáng mà chúng ta có bổn phận phải phấn đấu để làm thật tốt.

Ở nước ta, báo chí là cơ quan ngôn luận của Ðảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói, hình ảnh, tin, bài đăng tải trên báo chí được quần chúng nhân dân coi là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước, đoàn thể. Phạm vi tác động và mức độ tác động đối với xã hội của báo chí là hết sức sâu rộng. Ðiều đó đòi hỏi đội ngũ những người làm báo không chỉ phải giỏi về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, tinh thần khách quan, trung thực, có ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp mà còn đòi hỏi những người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, năng lực phân tích và định hướng đúng đắn cho dư luận xã hội; phải thực sự thấm nhuần, tự nguyện tự giác phấn đấu cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Ðảng và nhân dân. Tất cả những phẩm chất và yêu cầu đó phải trở thành nhu cầu tự thân, là mục tiêu rèn luyện của mỗi người làm báo.

Báo cáo do Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa VII trình bày tại Ðại hội đã nêu lên phương hướng chung và sáu nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến năm 2010.

Một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu được đề cập nhiều lần trong các văn bản chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước và trong báo cáo của Ðại hội là phải nhanh chóng khắc phục cho được tình trạng "thương mại hóa", xa rời tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí. Ðồng thời cần có biện pháp nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ những người làm báo; ra sức khắc phục những yếu kém trong nội bộ những người làm báo chúng ta như có một bộ phận nhà báo bản lĩnh chính trị không vững vàng, sa sút về mặt đạo đức, lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu, thông tin sai sự thật, tiếp tay cho những hành động tiêu cực, trục lợi cá nhân, thậm chí vi phạm pháp luật. Mặc dù những khuyết điểm, yếu kém ấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ, nhưng nhiều khi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí.

Để khắc phục những biểu hiện tiêu cực và yếu kém nói trên, đi đôi với việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa - Thông tin luôn luôn sát cánh cùng với Hội Nhà báo Việt Nam làm tốt hơn việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất cho hội viên, thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam...

Nhà báo Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam: Những người làm báo hình vừa là công dân, vừa là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa...

Có thể nói, hằng ngày trên mọi nẻo đường, trong tất cả các phương diện của đời sống xã hội đều có phóng viên truyền hình hoạt động và như vậy hoạt động của những người làm báo hình gắn bó rất chặt chẽ với tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội... Trong điều kiện đó, chúng tôi phải xác định cho anh chị em chỗ đứng của mình vừa là một công dân vừa là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa có nhiệm vụ cao quý là phản ảnh một cách trung thực, sinh động các mặt hoạt động đó. Tức là mỗi người phải xác định cho mình là người đứng trong đội ngũ của quần chúng, phải đồng cảm, phải hào hứng với những thành quả lao động của người dân, không thờ ơ trước cuộc sống sôi động của đất nước. Từ việc xác định rõ nhiệm vụ như vậy, cho nên bất cứ đề tài nào của cuộc sống, những người làm truyền hình phải phản ánh kịp thời, chân thực. Ðó cũng là môi trường cho mỗi tin, bài đều có hình ảnh và giọng điệu sát cuộc sống. Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực chẳng hạn, cần phải có chứng cứ chính xác, không được bôi đen, phải đem đến cho công chúng một niềm tin ở sự thật, niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, tin vào truyền thống cách mạng và nhân văn của nhân dân ta. Phấn đấu để các chương trình đúng đắn về chính trị tất nhiên không dễ nhưng để vừa sâu sắc, thông tin lại hấp dẫn với khán giả còn khó hơn nhiều. Ðến nay, hầu hết đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, người dẫn chương trình đều tốt nghiệp đại học, lại qua các kỳ thi tuyển chọn lọc, nhưng để họ trở thành những nhà báo thật sự cần bồi đắp cho họ về mặt phẩm chất chính trị thông qua học tập và lăn lộn với cuộc sống, trực tiếp đến với người dân nhiều hơn để mỗi tác phẩm của mình thấm đậm hành động của quần chúng, để mỗi tác phẩm thấm đậm tính tư tưởng. Nhờ vậy mà Ðài Truyền hình Việt Nam đã có nhiều chương trình gây ấn tượng đối với xã hội. Gần đây, ngoài các chương trình thời sự, một số chương trình thể hiện sự tìm tòi và ý thức chính trị cao như Người đương thời, Người xây tổ ấm, các chương trình truyền hình trực tiếp về ủng hộ người nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam hay gần đây là chương trình Sống mãi tuổi 20 đều lay động được tình cảm cách mạng của quần chúng, của lớp trẻ.

Hiện nay với sức thu hút xã hội của Truyền hình Việt Nam, thực tế có một số anh chị em phóng viên, biên tập viên và nhất là những người dẫn chương trình trẻ tuổi được công chúng quan tâm dễ "nổi danh" từ đó cũng dễ sinh ra chủ quan, lẫn lộn đâu là thế mạnh vốn có của truyền hình, đâu là tài năng thật sự của cá nhân. Một số ít anh chị em trẻ tuổi nghĩ rằng mình được lên hình là đã trở thành nhà báo thật sự. Ðể chống lại bệnh "ngôi sao" đó chúng tôi thường xuyên nhắc nhở anh em về sự đóng góp của cả tập thể đối với các chương trình và đòi hỏi họ không ngừng học tập, rèn luyện trau dồi không chỉ về mặt nghiệp vụ mà cả về mặt ý thức chính trị tư tưởng. Ngộ nhận về mình là một thái độ bất lợi, trước hết đối với chính họ. Do tác động mạnh mẽ, rộng rãi của truyền hình, các phóng viên, biên tập viên thường bị lôi kéo vào những mâu thuẫn nội bộ ở cơ sở, thường bị lợi dụng để phô trương thành tích không thực chất cho các cá nhân, tổ chức, hay đánh lạc hướng dư luận trước các sai phạm. Thực tế đó đòi hỏi chúng tôi phải trang bị cho những người làm báo hình bản lĩnh vững vàng, sự nhạy bén trước đúng sai để các chương trình truyền hình không bị các ý đồ xấu chi phối. Ðây là công việc rất khó khăn nhưng lại là việc không thể không làm tốt...

... Ðể thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ, điều cốt lõi nhất là phải nắm vững đường lối quan điểm của Ðảng. Ðây là vấn đề kinh điển nhưng luôn mang tính thời sự, nhất là trong tình hình hiện tại. Ngày nay, để nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có lòng trung thành chung chung mà phải có kiến thức...

Nhà báo Nguyễn XUÂN TRÌNH, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội:
Ðộng viên hội viên tích cực tham gia tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở thủ đô...

Trong hoạt động nghiệp vụ, báo chí Hà Nội đã bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố để tuyên truyền, biến Chỉ thị, Nghị quyết của Ðảng bộ thành phố Hà Nội thành sức mạnh vật chất đưa thủ đô không ngừng đổi mới tương xứng với vị thế là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật lớn của cả nước và là đầu mối giao lưu quốc tế. Có thể khẳng định không một nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội nào của thủ đô Hà Nội không được báo chí thủ đô phản ảnh sâu sắc và dưới nhiều cấp độ khác nhau nhằm cổ vũ phong trào cách mạng của thủ đô, từ việc động viên cổ vũ qua những bài, tin phản ánh thường xuyên, chuyên trang, chuyên đề quyết liệt. Thí dụ như khi thành phố quyết liệt trong chỉ đạo nhiệm vụ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án thì báo chí Hà Nội vào cuộc cũng quyết liệt, vừa động viên, phân tích thiệt hơn, vừa kiên quyết phê phán những hiện tượng trây ỳ, chống đối. Ở nhiệm vụ này, Hà Nội thực hiện rất có hiệu quả nhờ quyết tâm và chính sách phù hợp, trong đó có phần đóng góp của đội ngũ báo chí của thành phố và cả của báo chí trung ương, báo chí các ngành, đoàn thể đóng trên địa bàn. Cũng không chỉ ở nhiệm vụ giải phóng mặt bằng mà ở hầu hết các nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác của thủ đô, báo chí của các cơ quan trung ương, các ngành, đoàn thể và các địa phương bạn luôn luôn cùng báo chí thủ đô phối hợp tuyên truyền rất có hiệu quả...

... Ðể hội thực hiện có hiệu quả các công việc đã nêu, điều quan trọng là hội phải xây dựng được phương hướng nhiệm vụ xuyên suốt nhiệm kỳ, đồng thời từng thời kỳ, từng giai đoạn phải có chương trình công tác với những nội dung cụ thể phù hợp nhiệm vụ của thành phố. Hay nói cách khác là phải không ngừng đẩy mạnh công tác hội. Về nhiệm vụ này, thời gian qua, Hội Nhà báo Hà Nội cũng đã có một số cố gắng như:

- Thường trực Hội Nhà báo thành phố và các chi hội nhà báo của các báo đều thường xuyên phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Biên tập các báo quán triệt cho đội ngũ làm báo về đường lối chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, động viên báo giới thủ đô nâng cao chất lượng báo, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

- Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất và chăm lo đời sống người làm báo kể cả với các nhà báo đã nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội nhưng vẫn tâm huyết với nhiệm vụ hội viên, vẫn là những cây bút đáng trân trọng.

Các chi hội thường xuyên tổ chức phổ biến thời sự, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của thành phố cho hội viên...

Hằng năm Hội Nhà báo thành phố phối hợp Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn về công tác tòa soạn, viết phóng sự, viết điển hình nhân tố mới, thực hiện công nghệ làm báo hiện đại cho hàng trăm lượt hội viên. Hội tổ chức các lớp đại học tại chức để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ, đến nay đã được bốn khóa với gần 300 cử nhân báo chí cho đội ngũ phóng viên của báo chí Hà Nội, một số cơ quan báo chí trung ương và các tỉnh lân cận...

Có thể nói, Hội Nhà báo TP Hà Nội có mối quan hệ tốt và tác động biện chứng với nhiệm vụ quản lý báo chí của Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa - Thông tin thành phố, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Bằng hiệu quả những công việc thông qua động viên hội viên tích cực tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố mà vai trò, uy tín của hội được nâng cao. Tất cả mọi hoạt động của báo chí, mọi vụ việc liên quan báo chí, mọi cuộc giao ban báo chí hằng tuần, hằng tháng Hội Nhà báo đều được tham góp, tư vấn, cùng bàn bạc, được giao đề xuất thực hiện có hiệu quả. Ý kiến của hội, kết quả hoạt động công tác hội nhằm tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng báo chí thủ đô được thành phố trân trọng, đánh giá cao và động viên khen thưởng kịp thời...

Nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh:
Hội phải hoạt động như thế nào cho hiệu quả?

... TP Hồ Chí Minh hôm nay có 38 tờ báo với 60 ấn phẩm, trong đó có hai tờ báo Tôn giáo (Công giáo và Dân tộc, giác ngộ) một tờ báo tiếng Hoa (Sài Gòn giải phóng tiếng Hoa). Có 139 cơ quan báo chí có báo phát thanh tại thành phố, 70 tờ báo và trang báo điện tử. Hơn 1.300 nhà báo đang tác nghiệp và theo thống kê chưa đầy đủ thì có hơn 300 nhà báo cả nước về hưu tại TP Hồ Chí Minh đã đăng ký tham gia sinh hoạt với Hội. Nhiều năm qua, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh luôn được sự quan tâm và chăm sóc về vật chất và tinh thần của Ðảng bộ chính quyền thành phố và Hội Nhà báo Việt Nam. Song trước một quy mô tổ chức hoạt động nghề nghiệp và một đội ngũ làm báo lớn nhất nước, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh nhận thức được vai trò trách nhiệm nặng nề và những khó khăn của mình. Ðặc biệt, trong quá trình đổi mới đất nước, hội phải hoạt động như thế nào cho hiệu quả luôn là những mục tiêu và câu hỏi được đặt ra cho mỗi nhiệm kỳ của hội. Thực tế nhiều năm gần đây, qua các loại hình, hoạt động của Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đã có những đóng góp thiết thực cho công việc giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức, bảo vệ quyền lợi, động viên, khuyến khích và đào tạo nghề cho đội ngũ làm báo thành phố.

Từ thực tế của một thành phố luôn luôn tăng trưởng về quy mô, tăng trưởng về dân số, một thành phố đầy phức tạp và khó khăn thách thức. Ðã hình thành một đội ngũ nhà báo năng động, sáng tạo, phát triển rất nhanh, có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp xây dựng vàphát triển, song bên cạnh đó cũng xuất hiện những biểu hiện chệch choạc, xuất hiện những nhà báo sa sút về đạo đức, phẩm chất. Trước thực trạng đó nhiều năm qua Hội Nhà báo thường phối hợp và tổ chức các cuộc hội thảo về đạo đức nghề báo tại Hội và các chi hội. Từ những diễn đàn này các nhà báo đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm xây dựng một đạo đức làm báo trong sáng và lành mạnh. Khi xuất hiện loại hình báo điện tử, bên cạnh những mặt mạnh như tính hiện đại thông tin phong phú, đa dạng, kịp thời, cũng bộc lộ những thông tin thiếu cân nhắc, ảnh hưởng tâm lý và nhận thức của người đọc. Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức diễn đàn "Báo điện tử, thực trạng và giải pháp". Cuộc tọa đàm mang nội dung "Cái mới và cái lạ trong thông tin trên báo chí" đã được các nhà báo và cả nhà quản lý hưởng ứng đóng góp. Xuất phát từ thực tế, có một số bài báo và một số tờ báo rất chú ý khai thác cái lạ một cách kéo dài, chưa chú ý đến cái được và cái chưa được trong những thông tin này, ảnh hưởng tâm lý, an ninh, trật tự, môi trường, đời sống của người dân.

Ngoài ra, việc trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp về những thành công của các bài báo và các nhà báo cũng được phát huy ở các diễn đàn của hội và các chi hội. Việc trao các giải về y tế, giải báo chí về dân số, kế hoạch hóa gia đình và giải "Vì bình yên thành phố", giải cây bút trẻ... đã kịp thời biểu dương các nhà báo chuyên sâu và có công lao phát hiện trong lĩnh vực của mình.

Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh có bảy câu lạc bộ chuyên ngành. Ðây là loại hình mà Hội đứng ra tổ chức nhằm mục đích tập hợp và xây dựng các hoạt động nghề nghiệp chuyên sâu về ngành nghề, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

Hoạt động của các câu lạc bộ chuyên ngành là loại hình đang được Hội quan tâm và rút kinh nghiệm để phát huy và có những sáng tạo mới vì từ đây các hội viên có điều kiện hoạt động tốt hơn, dễ tập hợp nhau hơn, gắn bó hơn do tính chất chuyên ngành và quản lý cũng dễ hơn. Ngoài những hoạt động cụ thể xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, Hội luôn có ý thức và trách nhiệm triển khai thực hiện những nghị quyết, Chỉ thị của Ðảng, Nhà nước và Hội Nhà báo Việt Nam đến các chi hội và hội viên, góp phần hướng dẫn hoạt động báo chí đi đúng định hướng.

Bên cạnh những hoạt động mang tính tích cực để góp phần xây dựng củng cố, tổ chức hội lớn mạnh Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh vẫn còn những tồn tại yếu kém cần khắc phục như các loại hình đào tạo nghề còn chậm chạp hoặc hiệu quả chưa cao. Có những kế hoạch chưa thực hiện được. Cán bộ chuyên trách của Hội ít và mỏng, chưa thúc đẩy và tận dụng được các hoạt động của chi hội cơ sở...