Gặp lao động Việt Nam ở Malaysia
Các Website khác - 15/08/2005
Người lao động Việt Nam làm việc
cùng người lao động Malaysia ở
Nhà máy Gold par Precision, bang Jo-hô.
Một cô gái tâm sự: Em tiết kiệm lắm, hồi ở nhà, em để tóc dài, qua đây, em cắt tóc ngắn, để mỗi lần gội đầu đỡ tốn "xà-bông". Nhưng bên cạnh những lao động có ý chí làm việc, và sống giản dị như vậy, thì đáng tiếc, có một bộ phận, nhất là lao động nam, vẫn "nhiễm" thói cờ bạc, rượu chè, gây gổ đánh nhau, làm giảm uy tín của số đông lao động Việt Nam làm việc rất tốt trên đất bạn.
Chúng tôi đến Kuala Lumpur đúng thời điểm Malaysiatiếp nhận tròn 100 nghìn lao động Việt Nam đến làm việc. Ông Mai Viết Khai, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, cho biết: "Lãnh đạo nhiều tỉnh phía nam như Bến Tre, Ðồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng... vừa sang tìm hiểu thị trường lao động Malaysia đã nhấn mạnh: Nếu có mười tỷ đồng một năm đầu tư cho xuất khẩu lao động ở mỗi tỉnh hiệu quả kinh tế và xã hội sẽ cao hơn hẳn đầu tư cho XÐGN". Tính chung, 100 nghìn lao động Việt Nam, mỗi tháng, đang gửi về cho gia đình và đất nước khoảng 250 tỷ đồng.

Hai người Việt Nam đầu tiên chúng tôi gặp ở Kuala Lumpur là anh Nguyễn Văn Hán, đại diện quản lý lao động của Tổng công ty Sông Ðà và anh Ðào Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm XKLÐ tỉnh Sơn La (SOLGIMECO). Hôm nay anh Hán có "nhiệm vụ" đưa chúng tôi đến thăm lao động tại một nhà máy ở Sun-gai Ba-long cách Kuala Lumpur gần 70 km. Anh Ðào Việt Hùng thấy chúng tôi đi nhà máy thì đi theo với chủ ý xem lao động Việt Nam làm việc ở đây như thế nào? SOLGIMECO lần đầu đưa lao động vào Malaysia, cho nên, Giám đốc Hùng phải sang trước khảo sát, nếu thấy được mới đưa lao động sang. Anh Hùng kể, mấy nhà máy mà sắp tới lao động của SOLGIMECO sẽ đến, điều kiện ăn, ở và làm việc khá tốt, thu nhập đạt 900 RM và có thể hơn nếu có nhiều giờ làm thêm. Chúng tôi "khen" anh Hùng có thái độ thận trọng, khảo sát kỹ, thấy ăn chắc mới đưa lao động sang. Anh Hùng bảo, phải làm thế, vì 100 lao động đầu tiên của Sơn La sang Malaysia làm việc lần này có đến 98% là người dân tộc thiểu số. Họ nghèo lắm, địa phương và doanh nghiệp phải cho vay tiền để đi, nhỡ có chuyện gì bấp bênh thì khổ lắm. Vì thế, mà phải cẩn trọng.

Nhà máy Tômta ở Sun-gai Ba-long chuyên sản xuất bàn ghế văn phòng cao cấp. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một loạt công nhân Malaysiavà Việt Nam đang nằm dài trên các bàn hoặc ghế trong phân xưởng. Mất điện, công nhân phải chờ có điện trở lại để tiếp tục công việc. Nhà máy Tômta có 70 công nhân, gồm Malaysia, Bangladesh và Việt Nam. Lao động Việt Nam làm việc ở đây có 17 người thuộc Công ty XKLÐ Inteserco (Hà Nội) và Milaco (Ủy ban Dân tộc). Thấy chúng tôi đến, anh em lao động Việt Nam kéo lại, tay bắt mặt mừng. Trông người nào cũng rắn rỏi, khỏe mạnh nhưng vẫn có một chút gì đó băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Hán, nhân vật trung tâm của đoàn bị "bủa vây" bởi những câu hỏi về tiền lương, về giờ làm thêm, về tiền thuế và cơ man những việc khác. Vấn đề thời sự nhất, lao động hỏi nhiều nhất, vượt lên các vấn đề khác là khả năng của nhà máy có thể tạo ra nhiều giờ làm thêm không? Lao động nào cũng kêu ít giờ làm thêm, vì thế mà thu nhập chỉ có lương cơ bản. Anh Hán nói lại những băn khoăn của lao động ta với nữ nhân viên quản lý nhân sự người Malaysia. Chúng tôi thấy cô ta chạy vào văn phòng đưa ra một tập bảng thu nhập mấy tháng gần đây, bản nào cũng có chữ ký của lao động. Tôi thấy, lao động ta không ai đặt câu hỏi nữa, vì mấy tờ giấy kia đã "xác nhận" rồi. Xem lướt qua, chúng tôi thấy, lao động nào cũng có giờ làm thêm, ít hoặc nhiều là do công việc ở từng phân xưởng, hoặc thời hạn giao sản phẩm của hợp đồng. Thảo: 17 giờ, Hưng: 21 giờ; Trung: 22 giờ 30. Tôi hỏi Bùi Quang Trung, quê ở Yên Bái, người của Công ty Milaco, rằng giờ làm thêm của anh cũng khá đấy chứ, sao lại nói với chúng tôi là không? Dường như biết lỡ lời, Trung hạ giọng: Nhưng, chúng em muốn mỗi tháng phải có được 100 giờ làm thêm. Có thế, mới có tiền. Nghe vậy, chúng tôi thấy vừa thương, vừa cảm phục ý chí lao động kiếm tiền chính đáng của lao động Việt Nam ở Malaysia. Tôi nói với Trung, ngay pháp luật lao động của Việt Nam cũng không cho phép làm thêm quá 44 giờ một tháng vì phải bảo đảm sức khỏe cho người lao động làm việc lâu dài. Người quản lý lao động ở đây cho biết: Dù tháng nhiều việc hay ít việc, Tômta vẫn "bù trừ" làm sao mỗi tháng lao động có thu nhập 700 RM (370RM=100 USD).

Phải nói rằng, thu nhập của lao động ta và lao động 11 nước khác ở Malaysia là không cao, số đông có thu nhập từ hai hoặc ba, cao lắm là bốn hoặc hơn bốn triệu VNÐ một người một tháng. Chỉ một số lao động làm việc trong ngành xây dựng và kỹ thuật mới có thu nhập khoảng năm triệu VNÐ. Thu nhập như thế, nhưng tại sao Malaysia lại thu hút gần hai triệu lao động nước ngoài đến làm việc? Trong đó, Việt Nam cũng đạt tới 100 nghìn lao động, và còn tiếp tục tăng cao, bởi, ở thời điểm này trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam đưa vào Malaysia khoảng 2.500 lao động. Chúng tôi cho rằng thị trường lao động Malaysia đã giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động phổ thông đang thất nghiệp ở nhiều quốc gia trong khu vực. Thêm nữa, Malaysia là quốc gia công nghiệp đang phát triển, có phương tiện, công nghệ, máy móc và cách quản lý khá hiện đại, người lao động có thể học được ở đây nhiều điều có ích, khi trở về tiếp tục cống hiến cho nền kinh tế nước nhà.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi Ba-ru Ban-gi, thăm các nữ lao động Việt Nam làm việc ở Nhà máy Southem Nissha, chuyên sản xuất vỏ nhựa máy điện thoại di động, vỏ ra-đi-ô, máy ghi âm, máy vi tính... cho một số hãng nổi tiếng trên thế giới. Rất tiếc là ở đây, do bạn giữ bí mật công nghệ, chúng tôi không thể vào thăm khu vực sản xuất, chỉ được tiếp xúc với lao động trong phòng họp của nhà máy. Ðây là một nhà máy khá lớn, có hàng trăm lao động, trong đó có hơn 40 lao động nam và nữ Việt Nam do Milaco cung ứng. Theo lao động ta cho biết, nhà máy sản xuất theo kiểu "lập trình" và điều khiển hoàn toàn tự động, nhiệt độ trong nhà máy luôn giữ từ 19 đến 21 độ C. Vì thế, khi tiếp xúc với chúng tôi, các nữ lao động ta đều mặc áo ấm. Chị Nguyễn Thị Doãn quê ở Văn Lâm (Hưng Yên) làm ở phân xưởng dập khuôn vỏ điện thoại kể lại công việc rất nhàn, hầu như chỉ có đứng "trông" máy, còn sản phẩm tự chạy ra và đến đúng chỗ của nó theo quy trình. Thông thường, đã sản xuất ở trình độ cao, công nghệ tiên tiến thì ít, thậm chí không có sản phẩm xấu. Chị Doãn có vẻ kín tiếng, không muốn tiết lộ khi chúng tôi hỏi về thu nhập, chỉ bảo rằng, phải tiết kiệm mới có thể dồn tiền gửi về nhà. Xem bảng lương thấy anh Tô Quốc Hiệu đạt thu nhập cao nhất; gần 1.100 RM. Nhiều lao động khác có mức thu nhập từ 850 đến 950 RM một tháng. Quỳnh Giao, cô gái trẻ mới 19 tuổi, quê ở Long Mỹ (Hậu Giang) lại khá cởi mở. Giao cho biết: Nhà nghèo lắm, ba má đã già yếu, chỉ sinh được có mình Giao. Ở nhà, đã phải bươn chải buôn bán nhỏ kiếm ăn. Sang làm việc ở đây, nhà máy "giao" việc gì, Giao cũng làm, mong làm sao kiếm được tiền gửi về cho ba má đỡ cực. Giao kể: Mỗi tháng, em có thu nhập khoảng hơn 750 RM. Nhưng em tiết kiệm lắm, từ sinh hoạt, vui chơi đến ăn uống. Anh biết không, hồi ở nhà, em để tóc dài, qua đây, em cắt tóc ngắn, để mỗi lần gội đầu đỡ tốn "xà-bông". Chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sức chịu đựng và ý chí của "cô bé" Quỳnh Giao. Khi về lại Kuala Lumpur, tôi kể lại chuyện tiết kiệm này của Quỳnh Giao với ông Nguyễn Gia Liêm, Bí thư thứ hai Ðại sứ quán Việt Nam, Phó Trưởng ban quản lý lao động. Nghe xong, ông Liêm nhấn mạnh, nếu 100 nghìn lao động Việt Nam ở Malaysiacó ý chí làm việc, và thực hành tiết kiệm như Giao, thì số tiền lao động làm được gửi về nhà sẽ nhiều hơn. Ðáng tiếc rằng, một bộ phận lao động ta ở Malaysia, nhất là lao động nam, vẫn "nhiễm" thói cờ bạc, rượu chè, gây gổ đánh nhau, làm giảm uy tín của số đông lao động Việt Nam làm việc rất tốt, có ý thức kỷ luật rất cao trên đất bạn. Trên đường phố Kuala Lumpur hoặc ở một số nơi khác, tôi vẫn gặp thường xuyên một số lao động ta ăn mặc rất "hoành tráng" hoặc rất "quân khu", có những hành vi rất lỗi "mốt", để lại hình ảnh không đẹp trong con mắt của bạn. Vì thế, những cô gái lao động có tính cách tốt như Quỳnh Giao là rất đáng trân trọng, cần được biểu dương và nhân lên nhiều hơn nữa.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Công ty XKLÐ TRAENCO (Bộ Giao thông vận tải) là một thanh niên khá hoạt bát, vui tính, luôn trao đổi với tôi kinh nghiệm trong quản lý lao động. Dũng đưa chúng tôi đi bang Jo-hô, gần biên giới Singapore, cách Kuala Lumpur gần 400 km về phía nam, thăm một nhà máy rất mới, lần đầu tiên nhận chín lao động Việt Nam đến làm việc. Ði xe hơi với tốc độ 130 km/giờ, ba giờ sau chúng tôi đến Nhà máy Gold par Precision ở Jo-hô chuyên sản xuất máy điện thoại để bàn cho hãng Telekom và Panasonic. Chủ nhà máy mới "phất" lên từ kinh doanh thương mại tổng hợp, và nhà máy này mới chuyển từ nơi khác đến, được xây dựng to hơn, máy móc và công nghệ hiện đại hơn. Không hiểu, Dũng "tán" như thế nào, mà giám đốc điều hành sản xuất Mok Kim Pho đưa hẳn chúng tôi vào sâu bên trong nhà máy, tới tận nơi chín lao động ta đang làm việc cùng các bạn Malaysia. Một dãy máy móc, thiết bị với công nghệ sản xuất máy điện thoại để bàn mới nhất được nhập về từ Nhật Bản đã và đang được lắp đặt trong nhà máy. Ở phân xưởng sản xuất vỏ điện thoại, tôi thấy đầu vào là những bao hạt nhựa được xếp ngay ngắn, khi máy "ăn", qua quy trình thổi, ép và đóng khuôn, đầu ra là những chiếc vỏ máy điện thoại xinh xắn nằm trên băng chuyền, tới tay lao động ta làm việc. Công việc của lao động ta là chỉ nhặt vỏ hộp điện thoại lên, ngắm nghía, nếu thấy còn "ba-via" thì gọt, mài rồi bỏ vào bao ni-lông, sản phẩm tự chạy vào hộp giấy, được xe nâng cho vào kho, hoặc vào thẳng xe tải chở đi theo đơn đặt hàng. Ðiều rất lạ, tôi thấy, chủ nhà máy bố trí một nam lao động Việt Nam làm cùng máy, cùng ca với một nữ lao động Malaysia. Tôi quan sát "cặp đôi" lao động quốc tế này thao tác rất nhẹ nhàng, chuẩn xác và ăn ý. Bạn Ngọc Anh, chàng trai mới 20 tuổi, quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) làm cùng máy với cô Ni-nai vui mừng cho biết: Chín lao động do TRAENCO cung cấp, phần lớn quê ở Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh, lần đầu sang làm việc ở Malaysia, và cũng là lần đầu lao động Việt Nam có mặt ở một nhà máy hiện đại, sạch sẽ như thế này. Vì thế chúng em sẽ quyết tâm làm việc tốt, giữ gìn kỷ luật, tác phong sinh hoạt để giữ tiếng thơm của lao động Việt Nam vốn cần cù, thông minh và biết làm việc. Các bạn trẻ Ngọc Anh và Hoàng Văn Toàn (Lập Thạch, Vĩnh Phú) cho biết: Mới sang được bốn ngày, làm việc được ba ngày, nhưng ngày nào cũng có bốn giờ làm thêm. Nhìn thấy trước, các lao động trẻ Việt Nam ở nhà máy này, mỗi tháng sẽ có 100 giờ làm thêm, thu nhập có thể từ 900 đến 1.000 RM. Thật là, cầu được, ước thấy. Ni-nai, cô gái trẻ, xinh đẹp cho biết: Các bạn Việt Nam làm việc tốt, khéo tay và "đoàn kết" lắm. Mỉm cười ý nhị, Ngọc Anh xác nhận, làm việc chung với bạn nữ Malaysiatự nhiên thấy mình phải tập trung hơn, vì thế, thao tác rất nhịp nhàng, chuẩn xác. Hy vọng, những ngày làm việc ở nhà máy này sẽ là những ngày lao động thật đẹp. Tiến đến trước mặt người giám đốc điều hành sản xuất của nhà máy, tôi nói:

- Mok Kim Pho, dù lao động Việt Nam mới làm việc ở đây được ba ngày nhưng họ làm việc như thế nào, xin ông cho những nhận xét đầu tiên. Mok Kim Pho trả lời ngắn gọn: Rất tốt. Rất ăn ý. Hy vọng mọi việc đều tốt đẹp. Ðồng chí Nguyễn Tiến Dũng thì sung sướng thốt lên: Nhà máy hiện đại, công nghệ cao và thu nhập khá như thế này. TRAENCO sẽ cạnh tranh và cung ứng hàng trăm lao động tới đây.

Những lao động Việt Nam cuối cùng chúng tôi gặp trong đợt công tác này là sáu lao động nữ quê ở TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh do Công ty SULECO (Sở LÐ-TB và XH thành phố Hồ Chí Minh) cung ứng. Các chị làm việc ở Nhà máy Amoxtex, chuyên sản xuất quần, áo thời trang cao cấp của phụ nữ cho một hãng thời trang nổi tiếng của Mỹ. Câu chuyện giữa chúng tôi với các chị ở đây thật là chân thành và thú vị. Chị Lê Thị Kim Mai (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Vì là làm hàng thời trang phụ nữ cao cấp, cho nên kỹ thuật có khó hơn, nhưng cả sáu chị em đều làm việc tốt, bởi có tay nghề khá cao. Chị Huỳnh Thị Tuyết Hằng (Trảng Bàng, Tây Ninh) "xác nhận" lao động làm việc ở nhà máy này có Malaysia, Indonesia và Việt Nam, nhưng lao động ta có tay nghề khá hơn cả. Giờ làm thêm ở đây cũng khá, cho nên thu nhập cũng được. Tuy thế, chúng tôi rất tiết kiệm, Tuyết Hằng nói, mỗi tuần, cá nhân tôi chỉ tiêu 12 RM, mỗi tháng 60 RM, vị chi bằng 240 nghìn đồng, còn lại phải tiết kiệm để dành được nhiều tiền gửi về cho gia đình. Sáu chị em ở đây nấu chung một nồi cơm, nhưng thức ăn mỗi người tự lo, tự nấu cho hợp khẩu vị, vả lại để thực hiện được chương trình "đủ dinh dưỡng để làm việc, nhưng lại tiết kiệm được tiền". Chúng tôi không hỏi, nhưng chị em tự nhận: Mặc dù, làm việc rất tốt, chủ nhà máy rất khen, nhưng có lúc chị em còn "gây lộn" làm buồn lòng chủ nhà máy và các bạn lao động khác. Và, cả sáu chị em cùng hứa sẽ khắc phục điểm yếu này.

12 ngày đi lại hàng nghìn km, gặp và trò chuyện với hàng chục lao động Việt Nam, một số đại diện quản lý lao động, chủ nhà máy và môi giới, điều tôi cảm nhận thấy là: Mặc dù thu nhập không cao như ở một số thị trường khác, nhưng Malaysia vẫn có điều kiện làm việc tốt, có thu nhập, và quan trọng hơn, thị trường này còn khả năng để tiếp nhận thêm nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho lao động Việt Nam trong thời gian tới.