Báo động nguy cơ mất an toàn và xuống cấp của văn hóa xe buýt
Các Website khác - 01/11/2008

 

 
ảnh minh họa

Một chiều trời đã chập choạng, chiếc buýt 42 lao nhanh từ đầu bắc cầu Chương Dương về bến Đức Giang. Đến một bến đỗ trên đường Nguyễn Văn Cừ, xe dừng cho khách lên xuống.

 

Trong tích tắc, tiếng máy của xe đã rú lên định tăng tốc. Cùng lúc, cả loạt khách trên xe đồng thanh hốt hoảng: Dừng lại đã! Dừng lại đã! Có bà cụ ngã! Chiếc buýt dừng lại. Mấy thanh niên trên xe lao đến cửa lên xuống phía sau, nâng một bà cụ dậy. Bà vừa bị kẹt cửa, trong tư thế chân trên xe, chân dưới đường, một tay còn đang bíu vào thanh vịn của xe và đang bị xe kéo rê đi. Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của hành khách mà tôi là một trong những người đồng hành của chiếc buýt này chứng kiến được.

Là một người gắn bó với ngành vận tải hành khách công cộng của Hà Nội từ nhiều năm nay, tôi không thể không công nhận nhiều điểm ưu việt mà loại hình giao thông này đem lại. Bởi, cũng như nhiều người đã nhận xét, đi xe buýt thật an toàn, lại sạch sẽ. Trong thời buổi giá xăng lên xuống thất thường, lạm phát tăng cao thì tiết kiệm chi phí xăng xe cũng không phải là chuyện nhỏ!

Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít lần tôi đã phải giật mình ngỡ ngàng vì sự xuống cấp về văn hóa giao tiếp ứng xử của một bộ phận những người đang phục vụ trong ngành này, như tình huống đã thuật ở trên.

Một lần khác, trên chiếc buýt từ Đông Anh về Hà Nội, khi đến ngã ba Cầu Chui, tôi thấy xe đang lao nhanh chợt ngoặt xéo sang phải và đi chậm lại. Ngay sau đó, người lái xe ấn nút mở cửa và "bật" luôn: "Đ… mẹ mày, muốn ngồi lên bàn thờ hả?". Hóa ra, anh ta bực mình vì hai người chở nhau bằng xe máy đã dám lấn đường "của mình". Có vẻ như, anh ta sẵn sàng đưa hai người nọ đi "gặp ông bà ông vải" khi đánh tay lái một cách văng mạng như vậy. Nhiều người trên xe lúc đó cảm nhận sự nguy hiểm đã rú lên. Còn, da mặt của hai người đi xe máy trên đường tái xạm, hoảng hốt. Nghe tôi kể chuyện này, một chị bạn tiếp: Hôm qua, trên chiếc buýt tớ đi cũng kinh. Vì tức người đi đường quá, chắc họ lấn đường, cậu bán vé đã tự tay ấn nút mở cửa xe, ló đầu ra chửi bậy. Chửi chưa "đã", cậu ta nắm vào tay vịn của xe, văng người ra, đá chân veo veo vào người đi đường. Trên xe ai cũng rùng mình sợ mà không dám nói gì".

Còn tình trạng văng bậy, chửi tục khi nói chuyện trên xe của lái phụ xe bây giờ, chẳng khác gì "chuyện thường ngày ở huyện". Rất nhiều lần tôi được tai nghe mắt thấy những cảnh huống thật chướng. Nhiều khách trên xe chứng kiến cũng rất bất bình. Tuy nhiên, sự phản ứng quyết liệt nhất cũng chỉ là những ánh mắt nhìn nhau và lắc đầu. Dường như có một quy định "bất thành văn" xưa nay là: Trên xe buýt, lái phụ xe có quyền sinh quyền sát với khách đi xe!? Thế nên mới có chuyện, một phụ xe quát hai thanh niên đang nói chuyện (họ chỉ nói to một tí, chứ không nói bậy): Có im mồm đi không! Đuổi xuống xe bây giờ!

Có lẽ, vì một sự ngộ nhận như vậy mà các lái phụ xe buýt ngày càng có những cư xử thái quá. Không ít lần họ không chỉ gây ra những tình huống đe dọa tính mạng hành khách mà còn trực tiếp gây ra tai nạn nghiêm trọng cho người dân. Như những vụ xe buýt cán chết người tại ngã ba Trần Nhân Tông - Trần Bình Trọng; tại đường Hai Bà Trưng (gần ngã tư giao cắt với đường Thợ Nhuộm); tại đường Bưởi (Q.Ba Đình)...

Gần đây nhất, là hai em học sinh trường trung học cơ sở Đông Đô, em gãy tay, em gãy chân, cũng tại xe buýt!

Trên đây chỉ đơn cử những vụ việc mà tác giả được tai nghe mắt thấy. Còn trong thực tế, chắc chắn sẽ là con số không nhỏ các vụ việc của sự xuống cấp trong văn hóa giao tiếp ứng xử thuộc lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Công bằng mà nói, lái xe buýt là một nghề khá vất vả và căng thẳng. Nhất là trong thực trạng hiện nay, đường chật xe đông, phương tiện xuống cấp nhiều; thu nhập của nghề này lại chưa cao. Đãi ngộ có thể chưa tương xứng với công sức mà họ đã phải tiêu hao trong quá trình làm việc... Hơn nữa, với chủ trương giảm tải trong giao thông, tăng cường vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng của Thành phố, nhiều lái phụ xe đã phải làm việc tăng chuyến, tăng giờ, phải đi hỗ trợ thêm cho các tuyến khác nên không ít người có thể rơi vào tình trạng strees!

 

Thực trạng trên đang báo động một điều: Nếu ngành vận tải hành khách công cộng không kịp thời chấn chỉnh nền nếp hoạt động; không nhanh chóng đưa ra những quy định thưởng phạt nghiêm minh về đạo đức, tác phong phục vụ của nhân viên trong ngành; không kịp thời đưa ra những chủ trương phù hợp với thực trạng phục vụ của ngành, thì e rằng, mục tiêu dùng xe buýt để thay thế dần các phương tiện vận tải khác, nhằm giảm tai nạn giao thông và tăng cường an toàn cho người đi lại sẽ không những không đạt được, mà thậm chí nguy cơ xảy tai nạn và hiện tượng "ô nhiễm vănhóa xe buýt" sẽ ngày càng nặng hơn.

 

Hồng Diệp