Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã mổ xẻ nguyên nhân của những vấn đề kinh tế "nóng" trong mấy ngày qua trên nghị trường.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân mật trao đổi với các phóng viên |
Phác họa “bức tranh” kinh tế Việt Nam 2009 như thế nào trong bối cảnh bị tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ?
Thành quả bước đầu trong chống lạm phát được ghi nhận nhưng 70% dân số là nông dân đang chịu nhiều thiệt thòi?
Giá cả thế giới giảm nhanh, nhưng sao người tiêu dùng trong nước chưa được hưởng tương ứng?...
Những điều này dường như có nguyên do từ điều hành chính sách có những yếu kém.
Cần có “phao cứu sinh” để nông dân “ra biển”!
Hai ĐBQH Võ Văn Liêm (ĐBQH tỉnh Vĩnh Long), Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cùng nêu ra ý kiến xác đáng: việc điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành từng lúc còn bộc lộ yếu kém, bất cập, lúng túng, thiếu tầm chiến lược. Nhưng nguyên nhân, trách nhiệm chưa được làm rõ, còn vin vào khách quan, không có bộ, ngành nào đứng ra chịu trách nhiệm, chỉ có nhân dân là người chịu thiệt thòi.
Ông Liêm dẫn chứng về những hạn chế của bộ, ngành trong làm tham mưu, chủ quan trong điều hành, gây thiệt hại về kinh tế, để lại hậu quả người nông dân phải sống trong cảnh lận đận, lao đao, hậu quả lớn nhất là làm suy giảm lòng tin của người dân.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì các bộ, ngành kịp thời đề xuất tăng giá, nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì ta chưa kịp thời đề xuất giảm cho tương ứng với giá thế giới, hiện nay có điều chỉnh nhưng cũng chỉ nhỏ giọt!
Với nông nghiệp và nông thôn, thì giá vật tư đầu vào tăng rất cao, giá sản phẩm nông nghiệp đầu ra để rớt giá rất thấp, nông dân sản xuất không có lãi, đời sống rất khó khăn, đáng lưu ý là đầu năm giá gạo xuất khẩu lên trên 1.000 USD/ tấn, đang được giá thì bộ, ngành nhận định không chính xác, dự báo mất mùa, thiên tai sẽ thiếu lương thực gây ra sốt giá, đề xuất tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.
Do nhận định sai nên chúng ta để mất thời cơ, để thiệt hại từ xuất khẩu gạo hàng ngàn tỷ đồng. Lúa thì để đầy trong nhà nhưng nông dân nợ ngân hàng, nợ vật tư nông nghiệp không tiền để trả, thiệt hại này là vô cùng lớn.
Khi lúa không bán được nông dân chuyển sang chăn nuôi gia cầm, gia súc thì bộ, ngành lại chủ trương cho nhập thịt gia súc, gia cầm từ ở ngoài vào. Người nông dân lại một lần nữa phải chịu hậu quả trước chủ trương không hợp lý mà các bộ, ngành đã làm tham mưu. Người nông dân cảm thấy trong cuộc chơi này mình bị bỏ rơi giữa dòng không biết cầu cứu vào ai.
Ông Trần Hồng Việt thậm chí còn dùng hình ảnh: “Có thể hình dung nông dân, các tập đoàn kinh tế, doanh nhân cùng bơi trên biển nhưng khi sóng to gió lớn, tập đoàn kinh tế, doanh nhân được nhận phao cứu sinh từ Nhà nước, tức là chính sách bảo hộ, còn nông dân thì phải tự lo”. Vì sao?
Nông dân than về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá lương thực, giá nông sản sụt khi vào mùa vụ. Chúng ta có thể giải thích đó là quy luật của thị trường, người sản xuất, nông dân phải tự điều chỉnh, phải biết dự báo để thích nghi với sản xuất, kinh doanh. Nhưng chính sách sai lầm gây hậu quả, tác hại cho nông dân thì làm sao chúng ta giải thích được?
Quản lý điều hành chính sách giá cả chưa thuyết phục được lòng dân, đó là sự liên thông giữa giá trong nước và giá thế giới, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của nông dân, khi giá vật tư nguyên liệu thế giới tăng tức thì giá vật tư nguyên liệu trong nước tăng lên gấp bội, ngược lại giá thế giới giảm mạnh thì giá trong nước đứng ở mức cao ngất ngưởng từ từ hạ nhỏ giọt (rõ nhất là giá xăng dầu, xi măng, sắt thép, gas, vàng).
Các doanh nghiệp đưa ra đủ lý do để bảo hộ vì nhập giá cao phải bán hết hàng theo giá cao rồi sau đó mới tính tiếp. Vậy nông dân thì sao? Nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp giá cao thì họ có quyền và đủ sức mạnh để bán giá lương thực nông sản của họ theo giá tương ứng với giá vật tư không, chắc chắn là không!
Bởi vậy, các ĐBQH kiến nghị phải mạnh dạn làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành trên từng mặt yếu kém; các bộ, ngành trong tham mưu phải xuất phát từ lợi ích toàn dân, nhất là lợi ích của người nông dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tập đoàn, tổng công ty nhà nước - “công tử” được nuông chiều
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sử dụng vốn từ nguồn lực ngân sách rất lớn nhưng khi tình hình đất nước gặp khó khăn khu vực kinh tế thì các tập đoàn kinh tế, tổng công ty không thấy thể hiện vai trò, trừ dầu khí đóng góp khoảng 25% cho ngân sách.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đã dùng hình ảnh ví von rằng tập đoàn, tổng công ty nhà nước giống như một “anh chàng công tử con quan” được cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo nên béo tốt, to cao vạm vỡ và muốn gì được nấy. Nói chung là đứng nhất về vị thế và ưu đãi, nhưng hiệu quả lại yếu kém.
“Kỳ họp thứ 3 vừa qua Bộ trưởng KH&ĐT đã hứa với Quốc hội sẽ có ngay văn bản quản lý các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, nhưng đến nay đã có chưa?”-Ông Đáng bức xúc.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thậm chí còn cho rằng, trong cuộc chiến chống lạm phát vừa qua, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do cơ chế quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh của họ lại là một trong những nguyên nhân của lạm phát.
Lý do ông Hùng đưa ra là: Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hiện nay nắm giữ lượng vốn rất lớn (được giao xấp xỉ 403 ngàn tỷ và được vay thêm 514 ngàn tỷ đồng) nhưng hiệu quả thấp, họ cùng với các DNNN nhập siêu lớn nhất (21 tỷ USD từ đầu năm đến nay).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Ngoài ra, vừa rồi có một số hiện tượng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước không những không giúp nhà nước trong giảm lạm phát mà có khi còn gây khó khăn thêm. Điển hình nhất là điện, cắt điện nhiều, liên tục kêu lỗ và đòi tăng giá nhưng đùng một cái lại nói rằng tiền do chênh lệch giá là 2.700 tỷ và đề nghị khen thưởng hơn 1.000 tỷ!
Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) phản ánh: người dân không hiểu thế nào, khi tăng giá điện thì EVN bảo lỗ nên phải tăng giá điện; giờ đề nghị trích hơn 1 nghìn tỷ để thưởng cho cán bộ, công nhân ngành điện thì lại nói 13 năm liên tiếp chưa bao giờ lỗ?!
Phải chăng ở đây chúng ta hy sinh quyền lợi của 86 triệu dân để bảo đảm lợi ích cho 84.000 cán bộ công nhân viên ngành điện mà vốn thu nhập bình quân đã 4 triệu đồng/tháng trong lúc thu nhập bình quân của nhân dân chúng ta có lẽ chỉ chưa đến 1,3 triệu đồng/ tháng? Bởi vậy cần cơ chế giám sát tập đoàn báo cáo QH hàng năm.
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên thì lâu nay chúng ta vẫn nói là điều hành nền kinh tế theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, nhưng thực tiễn nước ta thì thấy không thể không có sự can thiệp của Nhà nước trong những điều kiện cần thiết.
Muốn đủ sức quản lý và can thiệp trong điều kiện cần thiết thì phải có những “quả đấm” mạnh-tức các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vậy đánh giá thế nào cho khách quan vai trò của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, nói một chiều thì không công bằng!
“Kịch bản” nào cho nền kinh tế năm 2009?
TS kinh tế Trần Du Lịch (Phó Đoàn ĐBQH TPHCM) tỏ ra lo ngại trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp kể từ khủng hoảng tài chính Mỹ và đang lan rộng.
Khủng hoảng tài chính và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, người ta đang lo lắng một cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đang gây áp lực rất nặng lên tâm lý tất cả nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
TS Lịch cho rằng, nguyên nhân sâu xa của lạm phát và nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên, dù cuộc chiến chống lạm phát đã có thành tựu bước đầu. Đó là do hiệu quả kinh tế thấp (hiện trong công nghiệp một đồng chi phí tạo ra chỉ 0,51 đồng GDP, dù năm 2005 còn được là 0,61 đồng, trong kế hoạch chúng ta hướng tới phải là 1,28 đồng).
TS Trần Du Lịch cũng đề xuất một “kịch bản” cho năm 2009, trên cơ sở cho rằng tác động của tình hình thế giới đến Việt Nam sẽ xấu hơn năm 2008 (ảnh hưởng trên các mặt: xuất khẩu suy giảm; giải ngân vốn FDI sẽ giảm; đầu tư gián tiếp sẽ giảm.
Sản xuất trong nước tình trạng ảm đạm sẽ xảy ra, vì vậy có nhiều DN sẽ sa thải công nhân, cân đối ngoại hối sẽ cực kỳ khó khăn và hiện tượng thiểu phát sẽ xảy ra). Đó là “một phương án dự phòng” với tên gọi “phương án kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện nền kinh tế thiểu phát”.
Tại sao trong thiểu phát nhưng lại kiểm soát lạm phát? Vì nguyên nhân gây lạm phát vẫn còn nguyên, do đó bộc lộ bất cứ lúc nào, nếu không khéo thì rất khó chữa.
Với “kịch bản” này, theo TS Lịch có 7 nhóm vấn đề: tăng trưởng GDP 6% trong mọi tình huống (thấp hơn mức 6,5-7% Chính phủ đề nghị), chủ động duy trì lạm phát 9-10% trong trường hợp thiểu phát xảy ra để kích thích tăng trưởng;
Cấu trúc lại toàn bộ đầu tư công, chú ý dự án nhỏ hiệu quả và sử dụng ngay, sử dụng nhiều vật liệu, nhiều nhân công; Giảm lãi suất, giải quyết mâu thuẫn tình trạng ngân hàng hiện nay;
“Tương kế, tựu kế”, triển khai Nghị quyết về “tam nông” để kích cầu trên thị trường nông thôn, đầu tư, tiêu dùng, mở rộng thị trường 70 triệu dân để thị trường trong nước bù được thị trường xuất khẩu giảm sút; Đề nghị Chính phủ cùng ngân hàng thương mại tài trợ tín dụng cho DN vừa và nhỏ, Chính phủ phải đứng ra tài trợ vốn mồi.
Ưu tiên DN sử dụng nhiều lao động, DN chế biến nông sản, DN gia công xuất khẩu. Đây là cách cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ cứu tình hình suy thoái của Việt Nam, khác với các nước;
Giảm mạnh về nhập siêu, nguy cơ năm tới nếu nhập siêu 19-20 tỷ đô la, sẽ không có nguồn cân đối, nếu Chính phủ không muốn xuất ngoại tệ dự trữ ra để lo;
Cuối cùng là công tác tuyên truyền để người dân tin tưởng, ủng hộ để không có chuyện nếu giảm lãi suất thì gửi tiền đồng, không có đô la hóa vẫn huy động và bảo đảm an toàn cho hệ thống thương mại.
Ưu tiên cho vay tín dụng vào nông dân, nông thôn Theo ông Cao Sĩ Kiêm (nguyên Thống đốc NHNN, hiện là thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia), tình hình năm kinh tế 2009 khó khăn nên Chính phủ ngoài các nhóm giải pháp đã chuẩn bị, cần tập trung chú ý 3 điểm: Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa, giải quyết được vấn đề vốn, nới rộng lãi suất, tăng thêm số lượng; Thứ hai là chuyển hướng sang đẩy mạnh cho vay nông thôn, nông nghiệp, nông dân, đầu tư cho môi trường, y tế, xã hội là rất đúng và tạo yếu tố bền vững; Thứ ba là khả năng kiểm soát, quản lý hiện đang có nhiều vấn đề, phải được giải quyết tốt để phát triển bền vững (làm tốt thì nó là bền vững, nếu làm không tốt thì lạm phát). |
Tô Nam
▪ Trả thú lại cho rừng (01/11/2008)
▪ Báo động nguy cơ mất an toàn và xuống cấp của văn hóa xe buýt (01/11/2008)
▪ Tiếp tục truy tìm melamine (31/10/2008)
▪ Vượt qua bất ổn kinh tế: 6 đề xuất cụ thể (31/10/2008)
▪ Máu truyền phải được lọc HIV bằng kỹ thuật cao (30/10/2008)
▪ Trục trặc khi đổi số điện thoại cố định (30/10/2008)
▪ Dừng thực hiện “chuẩn” thấp bé, nhẹ cân, ngực lép... (30/10/2008)
▪ Vụ trứng gà Trung Quốc có melamine: Cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc (30/10/2008)
▪ Thoát nghèo nhờ tài chính vi mô (28/10/2008)
▪ Mổ xẻ nhiều vấn đề dân sinh bức thiết! (28/10/2008)