![]() |
Simon, chuyên gia của WAR (Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã), thả một con trăn đất về rừng |
Những chuyên gia bảo vệ động vật phải vào rừng sâu, tìm nơi phù hợp nhất để thả thú về rừng. Nhưng trước tình trạng săn bắt tràn lan, sinh cảnh ngày càng thu hẹp, họ luôn lo ngại khả năng sinh tồn của các loài thú sau khi trở lại nơi hoang dã
Từ trụ sở của Ban Quản lý Rừng quốc gia Cát Tiên, chiếc ô tô nhắm hướng rừng sâu phóng vùn vụt. Trên xe, các chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã đều rất vui vì họ sắp “trả tự do” cho hai con rắn hổ mang, một con trăn đất, một con kỳ đà và 10 con rùa núi - số động vật may mắn được kiểm lâm TPHCM “giải thoát” trước đó.
Chạy được khoảng hai cây số đường rừng, anh tài xế người Việt hỏi: “Stop?” (Dừng được chưa?). Simon, một chuyên gia của WAR - Tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ động vật hoang dã- thét: “No, no” (Chưa được). Xe chạy tiếp.
Rừng quốc gia Cát Tiên mùa này mưa rả rích. Càng vào sâu, đường càng lầy lội. Chạy được ba cây số nữa, anh tài xế lại hỏi câu cũ. Simon tiếp tục “No!”. Xe tiếp tục lăn bánh, khi đến gần một con suối, đột nhiên Simon gõ vào trần xe “cốp cốp”, ra hiệu dừng lại. Theo Simon, khu vực này cao ráo, lại gần nguồn nước nên thích hợp để thả 10 con rùa núi. Sau khi đặt hết số rùa xuống đất, Simon bảo mọi người đứng nguyên một chỗ, chờ tất cả chúng bò đi một đoạn rồi mọi người mới yên tâm rút lui. Lúc này, vắt rừng Cát Tiên đã bám trên ống quần anh chi chít.
“Đợt trước, chúng tôi vào rừng thả một con khỉ. Thả xong, chúng tôi quay về, chạy được một đoạn, nhìn qua gương chiếu hậu ô tô, thấy con khỉ vùn vụt chạy theo. Tôi ứa nước mắt!” - một nhân viên cứu hộ ở rừng Cát Tiên kể. Ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã của rừng Cát Tiên, nhớ lại “kỷ niệm” giữa ông và một con gấu: “Đó là con gấu đầu tiên tôi cứu hộ được thả về rừng. Hơn một năm sau, trong một lần đi rừng, tôi bất ngờ gặp lại nó. Lúc ấy, tôi sung sướng đến lặng người vì biết nó còn sống”.
Sau khi về rừng, khỉ, gấu còn sống hay đã chết là nỗi lo thường trực của những người làm công tác cứu hộ. Vì điều này cho thấy công tác cứu hộ có đạt yêu cầu hay không, địa bàn thả thú đã phù hợp chưa.
Song song đó là nỗi lo về nguy cơ tuyệt chủng xảy ra đối với một số loài thú cực kỳ quý hiếm. Theo WAR, hiện có bốn loài linh trưởng được phát hiện chỉ có ở VN, gồm voọc quần đùi trắng, voọc Cát Bà, voọc mũi hếch và chà vá chân xám. Trong số đó, có ba loài được Sách Đỏ thế giới liệt vào nhóm cực kỳ nguy cấp, cần bảo tồn. Riêng chà vá chân xám (phân bố chủ yếu từ Quảng Nam đến Gia Lai) cũng nằm ở nhóm cực kỳ nguy cấp.
Nguyên nhân khiến hầu hết các loài linh trưởng ở VN đều trong tình trạng nguy cấp, theo WAR, là do nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã tràn lan; đồng thời, sinh cảnh của loài thú này ngày càng bị thu hẹp dần.
▪ Báo động nguy cơ mất an toàn và xuống cấp của văn hóa xe buýt (01/11/2008)
▪ Không né tránh những vấn đề kinh tế “nóng” (01/11/2008)
▪ Tiếp tục truy tìm melamine (31/10/2008)
▪ Vượt qua bất ổn kinh tế: 6 đề xuất cụ thể (31/10/2008)
▪ Máu truyền phải được lọc HIV bằng kỹ thuật cao (30/10/2008)
▪ Trục trặc khi đổi số điện thoại cố định (30/10/2008)
▪ Dừng thực hiện “chuẩn” thấp bé, nhẹ cân, ngực lép... (30/10/2008)
▪ Vụ trứng gà Trung Quốc có melamine: Cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc (30/10/2008)
▪ Thoát nghèo nhờ tài chính vi mô (28/10/2008)
▪ Mổ xẻ nhiều vấn đề dân sinh bức thiết! (28/10/2008)