Trước năm 1995, Nhà nước hoàn toàn bao cấp các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất, hưu trí cho người lao động trong biên chế.
Từ năm 1995, BHXH Việt Nam có bước đổi mới quan trọng: Thành lập Quỹ BHXH tập trung, thống nhất trong cả nước, do chủ sử dụng lao động và người lao động đóng góp theo quy định của pháp luật. Với nguyên tắc có đóng, có hưởng các chế độ BHXH, Quỹ BHXH đang từng bước vươn ra chi trả các chế độ BHXH, giảm dần gánh nặng cho NSNN.
Sau 10 năm thực hiện cơ chế mới, BHXH Việt Nam vừa đứng trước thời cơ phát triển, đồng thời cũng không thiếu thách thức.
Hình thành Quỹ BHXH tập trung, thu hút đông đảo người lao động
Năm 1996, gần một năm sau khi BHXH Việt Nam hoạt động theo cơ chế mới, đã thu hút 3,2 triệu lao động tham gia, và lần đầu Quỹ BHXH tập trung, thống nhất trong cả nước có số thu đạt tới 2.570 tỷ đồng. Ðây là loại hình BHXH bắt buộc, chủ sử dụng lao động phải đóng 15% tổng quỹ lương/tháng, người lao động đóng 5% tiền lương/tháng theo quy định của pháp luật.
Ðến năm 2004, đã có 5,93 triệu lao động tham gia, tăng gần hai lần, số tiền thu đạt 10.704 tỷ đồng, đưa tổng Quỹ BHXH hiện nay lên gần 50 nghìn tỷ đồng (11-2005). Hiện nay, nếu tính số người tham gia và cả số người được hưởng các chế độ BHXH là hơn tám triệu người; hơn 30 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế. Bình quân hằng tháng, BHXH Việt Nam thực hiện thu và chi các chế độ BHXH khoảng 3.000 tỷ đồng.
Quỹ BHXH đã chủ động chi trả một số chế độ BHXH cho những người đóng BHXH từ năm 1995, một lượng lớn tiền từ Quỹ được đầu tư mua trái phiếu, cho Ngân hàng Nhà nước vay, theo sự chỉ đạo của Chính phủ để bảo tồn và tăng trưởng Quỹ.
Các chế độ BHXH đã góp phần ổn định đời sống của người lao động trong quá trình làm việc và về hưu. Quỹ BHXH thật sự trở thành "của để dành" cho người lao động, góp phần xây dựng mạng lưới an sinh xã hội.
Chúng tôi đã có dịp đến nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp ở Bình Dương, Sông Bé, Ðà Nẵng, Hải Phòng gặp nhiều chủ sử dụng lao động và người lao động, ai cũng thấy rằng, thực hiện tốt chế độ BHXH, chính là quan tâm đời sống của người lao động, cho nên, cùng với việc trả lương đúng, trở thành động lực kích thích người lao động hăng say sản xuất và sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm, tăng lợi nhuận, chủ sử dụng lao động, và người lao động đều có lợi. Ðiều quan trọng là, sau mười năm, đội ngũ lao động trong cả nước đã có một Quỹ BHXH của mình, do mình và vì mình, độc lập và tách dần khỏi Ngân sách Nhà nước.
Những hạn chế và thách thức
Tuy số lao động tham gia BHXH (bắt buộc) tăng nhanh, cuối năm 2004 đạt tới 5,93 triệu lao động, nhưng cũng chỉ chiếm 59% so với mười triệu người hiện nay có quan hệ lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, và cũng chỉ chiếm 15% so với lực lượng lao động hiện có hơn 40 triệu người trong cả nước.
Nhìn con số thống kê ở trên thấy rõ, số lao động tham gia BHXH chủ yếu ở khu vực kinh tế Nhà nước, một phần ở doanh nghiệp liên doanh, rất ít ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, và không có số lao động tự do trong xã hội.
Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động quy định trong các chế độ, nhất là hưu trí và tử tuất chưa hợp lý: người có thời gian đóng BHXH ít, về hưu sớm lại được hưởng chế độ với thời gian dài; tổng số tiền đóng của mỗi người (từ khi đi làm đến lúc về hưu) thấp hơn nhiều so với lương hưu được hưởng. Ngược lại, có người thời gian đóng BHXH dài, nhưng chưa được hưởng lương hưu, hoặc mới hưởng ít tháng đã mất, mà thân nhân không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, thì chỉ được hưởng tối đa 12 tháng lương hưu.
Theo mức đóng hiện nay, thì tổng số tiền đóng BHXH trong 30 năm của một người lao động chỉ đủ chi trả lương hưu cho người ấy trong tám năm. Trong điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay, tuổi thọ bình quân sau khi về hưu của người lao động là 16 năm, có nghĩa là, Quỹ BHXH phải "bù" tám năm lương hưu, tính rộng ra, đến thời điểm 2021, số chi các chế độ BHXH (nhất là chế độ hưu và tử tuất) sẽ lớn hơn số thu BHXH, gây mất cân đối thu-chi, nguy cơ vỡ quỹ là một thực tế, nếu không có những giải pháp khả thi để khắc phục.
Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trốn đóng, hoặc nợ đọng khá lớn tiền BHXH, chưa có chế tài, chưa có biện pháp khả thi để khắc phục. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2004, các doanh nghiệp trong cả nước nợ 582,5 tỷ đồng, nhiều chủ sử dụng lao động cố tình chây ỳ, hoặc dùng tiền BHXH đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thu lợi nhuận, sau đó mới nộp dần vào cơ quan BHXH.
Chúng tôi cho rằng, Bộ LÐ-TB và XH sớm khắc phục những bất hợp lý và thiếu sót trong cơ chế, chính sách thực hiện chế độ BHXH hiện hành (kể cả khi Luật BHXH được QH ban hành), có chế tài và xử lý nghiêm minh theo pháp luật những doanh nghiệp trốn hoặc chậm đóng BHXH, thiếu trách nhiệm đối với người lao động.
Ðối với chế độ bảo hiểm y tế (một chế độ của BHXH) mặc dù đã thực hiện việc thanh toán viện phí thoáng hơn, chi trả ở mức cao hơn với nhiều loại bệnh hơn, nhưng vẫn cần nghiên cứu, mở rộng hình thức và khả năng thanh toán tương thích với số thu hằng năm của Bảo hiểm y tế, tránh tình trạng kết dư hàng nghìn tỷ đồng một năm trong khi người bệnh tham gia bảo hiểm y tế không được thanh toán một cách hợp lý.
Ða dạng loại hình, mở rộng đối tượng tham gia BHXH
Nếu đem 5,93 triệu lao động đã tham gia BHXH (bắt buộc) so sánh với tổng số hơn 40 triệu lao động trong cả nước, sẽ thấy số lao động chưa có điều kiện tham gia BHXH còn rất lớn.
Ðã là người lao động, không ai có thể tránh khỏi lúc ốm đau, có người còn bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, rồi ai cũng phải đến tuổi già, hưởng lương hưu, cho nên, hầu như ai cũng muốn được tham gia BHXH, lấy chỗ dựa lúc ốm đau, hoặc về già. Vấn đề là, cơ quan xây dựng chính sách, chế độ BHXH (Bộ LÐ-TB và XH) và cơ quan thực hiện chế độ BHXH (BHXH Việt Nam) cần phối hợp chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu tham gia BHXH của hàng chục triệu lao động.
Trên tinh thần mới, bên cạnh việc giáo dục, thuyết phục hơn bốn triệu lao động còn lại thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, cần đa dạng loại hình BHXH, mở rộng BHXH tự nguyện, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người lao động trong xã hội thuộc tất cả các thành phần kinh tế tham gia.
Vấn đề là, cần cân nhắc khả năng, mức và hình thức đóng góp của từng loại đối tượng lao động, đề ra các loại hình BHXH phù hợp. Thí dụ, trong BHXH tự nguyện, có thể có loại hình đáp ứng nhu cầu của đối tượng chỉ tham gia đóng góp và hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, có loại hình tham gia và hưởng chế độ ốm đau, thai sản hoặc loại hình BHXH tự nguyện của nông dân, của lao động tự do trong xã hội, và của nhóm đối tượng có thu nhập cao trong xã hội muốn đóng và hưởng các chế độ BHXH ở mức cao hơn...
Trong điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay, đã đến lúc cần xây dựng và ban hành chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, coi trọng việc đào tạo, hoặc đào tạo lại, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia thị trường lao động, có việc làm hoặc có lại việc làm, tạo thu nhập, và bảo đảm cuộc sống cho người lao động và gia đình của họ.
Bảo hiểm xã hội là một chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Ðảng và Nhà nước ta dành cho người lao động. Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi và phù hợp nhất để mọi người lao động tham gia và hưởng các chế độ BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) chính là bảo đảm cuộc sống của người lao động, của mọi gia đình, góp phần ổn định an sinh xã hội, đẩy tới sự nghiệp đổi mới đất nước.
ÔNG PHẠM ÐỖ NHẬT TÂN, VỤ TRƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI (BỘ LÐ-TB VÀ XH): Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004 cho thấy: Thu nhập bình quân một người/tháng chung trong cả nước đạt 484 nghìn đồng, tăng 36% so với năm trước, trong đó thu nhập bình quân một người/tháng ở khu vực thành thị là 795 nghìn đồng, và khu vực nông thôn là 377 nghìn đồng. Với mức thu nhập kể trên, hằng tháng người lao động ở nông thôn có thể tiết kiệm một khoản tiền nhất định tham gia BHXH để bảo đảm cuộc sống khi về già. BHXH tự nguyện ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng đó của người lao động. Ðây là một loại hình BHXH mới và là một trong những giải pháp phù hợp xu thế hiện nay nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, góp phần mở rộng lưới an sinh xã hội. ÔNG NGUYỄN HUY BAN, TỔNG GIÁM ÐỐC BHXH VIỆT NAM: Ðể giải quyết nhanh việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chế độ "một cửa". Mặt khác, BHXH các tỉnh, thành phố đã cấp tạm ứng kinh phí để chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn cho các đơn vị sử dụng lao động, ứng trước kinh phí một quý theo kế hoạch cho tất cả các cơ sở có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Theo kế hoạch năm 2005, BHXH Việt Nam phải thu gần 17 nghìn tỷ đồng, vượt thu so với năm 2004 khoảng 30%, nếu không có quy trình tổ chức thu, và có tiền để chi cho các chế độ nhanh và kịp thời, thì không thể hoàn thành được kế hoạch thu.
| |