Bảo vệ đàn chim cảnh, quý hiếm trong dịch cúm gia cầm
Các Website khác - 06/12/2005
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 3.000 con chim cảnh được nuôi rải rác ở khắp các quận, huyện. Ba địa điểm tập trung nhất là Thảo cẩm viên Sài Gòn, Công viên văn hóa Suối Tiên và khu giải trí Ðầm Sen.
Phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người, gần hai tháng nay, Công viên Ðầm Sen (quận 11) đã đóng cửa vườn chim, không đón khách tham quan. Tại Công viên Suối Tiên (Thủ Đức), khu vực nuôi chim đã được che chắn, rào lại bằng kính mica, ngăn không cho các loại chim hoang dã bay tới tiếp xúc với chim nuôi.

Thảo cầm viên Sài Gòn gặp nhiều "căng" hơn vì nơi đây đang nuôi dưỡng hơn 50 loài chim với gần 300 con các loại, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm, nằm trong Sách đỏ, danh mục động vật hoang dã cần được bảo vệ của thế giới và Việt Nam. Đơn vị đã sớm có biện pháp phòng, chống, bảo vệ người và chim quý như treo bảng, băng-rôn, lập hàng rào cách ly du khách không được tới khu vực nuôi chim. Che lưới không để chim hoang dã tiếp xúc với chim nuôi. Không cho chim ăn thức ăn chế biến từ trứng, thịt gia cầm. Cạnh mỗi chuồng chim đều có khử trùng hằng ngày. Người nuôi chim được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, khẩu trang, thực hiện vệ sinh, sát trùng trước và sau khi tiếp xúc với chim. Thêm các loại vi-ta-min vào khẩu phần ăn của chim, tổ chức theo dõi chặt chẽ đàn chim, nếu phát hiện chim bệnh thì cách ly chăm sóc riêng, chim chết được xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Ðến nay, tuy chưa có trường hợp nào lây nhiễm H5N1, nhưng những người chăm sóc vẫn lo vì chưa có loại vacccine, biệt dược nào tiêm phòng dịch cúm cho chim. Hằng tuần, TCVSG vẫn thường xuyên liên lạc với vườn thú của các nước trong khu vực thuộc Hiệp hội các vườn thú Ðông-Nam Á (SIZA) để trao đổi thông tin về việc phòng, chống dịch, bảo vệ đàn chim quý.

Thực hiện Chỉ thị của UBND TP Hồ Chí Minh, vận động nhân dân di dời chim cảnh ra khỏi thành phố hoặc tự tiêu hủy và ngừng nuôi chim cảnh ở các hộ gia đình, nhiều hộ gia đình đã ý thức được hiểm họa đại dịch, tự giác tiêu hủy hoặc giao nộp chim nuôi. Ông Huỳnh Văn Khanh, ngụ tại khu phố 2, phường 3, quận Gò Vấp cho biết: Gia đình ông nuôi, chơi chim cảnh đã hơn 30 năm rồi, nay phải bỏ thú vui này kể cũng buồn và tiếc lắm. Những năm trước chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, một con nhồng, con sáo biết nói, chú họa mi, sơn ca hót hay, đôi hoàng yến giống, khách đến trả hơn triệu đồng không bán. Nay vì sức khỏe cộng đồng, chấp hành chủ trương của thành phố, ông sẵn sàng giao nộp cho đội phòng, chống dịch xử lý.

Mấy ngày qua, lực lượng kiểm soát liên ngành và chi cục thú y đã thu gom, tiêu hủy gần 200 con chim cảnh các loại. Tuy nhiên, số lượng chim cảnh được xử lý mới chỉ chiếm khoảng 1/10 so với thực tế. Ngày 21-11, một số nơi buôn bán chim cảnh tập trung như khu vực chợ chim Thuận Kiều, Tân Hưng, quận 5, đường Lê Hồng Phong, quận 10... tuy không còn bày bán chim cảnh công khai như trước, nhưng nếu có người nào dừng xe hỏi mua là có ngay và loại gì cũng có. Không ít hộ chơi chim vẫn "ém kỹ" cất giấu trong nhà, nghe ngóng tình hình. Có hộ muốn di dời chim đi, nhưng không biết mang đi đâu và liệu có an toàn không. Ðáng trách là một số hộ khi được phường, lực lượng liên ngành kiểm tra gắt gao và bà con nhắc nhở không giao nộp hoặc tự hủy, lại "phóng sinh" thả chim về với thiên nhiên. Hậu quả là số chim cảnh này tự do thoải mái tiếp xúc với chim hoang dã, nhiều con quen chủ quanh quẩn gần nhà, không chịu bay đi. Không được chăm sóc, một số con lăn ra chết không được thu gom kịp thời, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa lây lan bệnh dịch ra cộng đồng.

Phòng, chống dịch cúm gia cầm, đại dịch cúm ở người, sẵn sàng tiêu hủy số chim cảnh hiện có là cần thiết, nhưng sẽ là tốt hơn nếu ở những nơi chưa phát hiện ổ dịch thì cần chủ động có biện pháp hữu hiệu bảo vệ đàn chim cảnh, chim quý hiếm. Nhiều người mong thành phố nên lập trung tâm lưu giữ chim cảnh, giúp người nuôi có thể ký gửi, cách ly thuê chăm sóc tập trung, có sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y.

NGUYỄN ÐÌNH KHÁNG