Bốn thách thức đối với giao thông Hà Nội
Các Website khác - 05/12/2005
Ðối với người dân Hà Nội, việc đi lại hằng ngày, nhất là vào giờ cao điểm, đã là một thách thức thường xuyên bởi ùn tắc giao thông khá phổ biến. Khắc phục tình trạng này chỉ là một phần trong bài toán phát triển của giao thông thủ đô.
Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực phát triển giao thông đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao cả về chất lượng và số lượng. Ðể đạt được mục tiêu này, có không ít thách thức phải vượt qua.

Theo chúng tôi, có mấy vấn đề đáng chú ý:

Một là, hạn chế hiệu quả sự phát triển "nóng" phương tiện cá nhân. Thành phố đã mạnh dạn quy định cấm đăng ký xe máy ở bảy quận nội thành, có ý kiến cho rằng hiệu lực không cao, nhưng cứ để thoải mái như trước thì không biết số lượng xe máy sẽ tăng nhanh đến mức nào. Ðối với xe ô-tô cá nhân, quy định phải có hợp đồng chỗ đỗ xe mới được đăng ký, sau một thời gian thực hiện đã bãi bỏ, tuy nhiên việc hạn chế tỷ lệ phát triển quá cao loại phương tiện này vẫn tiếp tục đặt ra. Có thể người dân phải làm quen và HÐND thành phố đứng trước một số quyết định khó khăn khi ban hành những biện pháp kinh tế chưa có tiền lệ ở nước ta như đấu thầu để giành quyền sở hữu một xe ô-tô cá nhân khi phải hạn chế số lượng xe đăng ký, thu phí xe máy hoặc phí giao thông đô thị ngoài phí giao thông đã thu qua xăng dầu.

Hai là, tiếp tục phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Xe buýt Hà Nội phát triển nhanh, tuy nhiên với mức chỉ đáp ứng gần 10% nhu cầu đi lại mà hoạt động đã chật vật trong môi trường dày đặc xe cá nhân. Một số dự án phát triển loại hình vận chuyển lưu lượng lớn trên đường dành riêng đang ở giai đoạn chuẩn bị và đòi hỏi vốn lớn (thí dụ: hai tuyến xe buýt nhanh đường Giải Phóng và Giảng Võ-Láng Hạ dài tổng cộng 25 km cần khoảng 85 triệu USD, đường sắt trên cao Ngọc Hồi-Yên Viên dài 25 km tổng mức đầu tư khoảng 1.197 triệu USD), trong khi sức ép về thời gian đưa vào sử dụng khá cấp bách.

Ba là, bảo đảm tiến độ thi công các công trình đường vành đai, trục hướng tâm và cầu vượt sông Hồng, rất có ý nghĩa đối với việc phân luồng, tách giao thông quá cảnh và giao thông liên vùng khỏi giao thông nội đô, giảm mật độ xe cho khu vực trung tâm. Hiện nay, Hà Nội và các đơn vị thi công đang có nhiều cố gắng mở tuyến Kim Liên- Ô Chợ Dừa (vành đai 1), xây dựng nút Ngã Tư Sở, cầu Vĩnh Tuy (vành đai 2), cầu Thanh Trì (vành đai 3). Bên cạnh một số khó khăn khác, khâu giải phóng mặt bằng dù đã chuyển biến mạnh song vẫn là trở ngại chưa lường trước được đối với việc bảo đảm tiến độ xây dựng hoàn chỉnh các đoạn vành đai tiếp theo.

Bốn là, tiếp tục hoàn chỉnh, cập nhật, chi tiết hóa quy hoạch, quản lý và phát triển theo quy hoạch, trong đó hình thành và xác lập nguyên tắc vận hành mạng lưới VTHKCC là nhiệm vụ trung tâm của đồ án quy hoạch giao thông đô thị. Lộ trình phát triển giao thông đô thị đầy nguy cơ và thách thức, trong đó cái giá phải trả thường nhân lên gấp nhiều lần bởi lầm lỗi của con người khi thực thi những biện pháp không xuất phát từ một chủ trương định hướng đúng tầm và nhất quán, không nằm trong một thiết kế quy hoạch cân đối và đồng bộ ngay những bước khởi đầu.

QUANG TUẤN