"Bệnh" không chỉ ở bóng đá!
Các Website khác - 06/12/2005

"Bệnh" không chỉ ở bóng đá!
Tô Phán

Đội tuyển U.23 VN đã thua thảm hại trước đội tuyển Thái Lan. Thái Lan mở tỉ số 1-0 thì ở một số cầu thủ đội tuyển VN có những biểu hiện rệu rã, nhưng đến khi bị thủng lưới lần thứ hai thì sự rệu rã và thảm bại gần như lan ra toàn đội, và khi lưới nhà rung lên lần thứ ba thì chẳng còn gì để nói.

Những nguyên nhân từ nhiều chuyện lùng bùng khác, người ta còn phải tiếp tục mổ xẻ, nhưng có hai "căn bệnh" của đội tuyển cần phải nói ngay: Một là tâm lý không ổn định - trước đây thì tự ti trước Thái Lan, sau đó thì mơ vượt Thái, và rồi trong cơn mơ đó lại coi thường họ, cuối cùng khi gặp trực tiếp đối thủ trên cơ trong trận tranh cúp vàng thì rệu rã tinh thần; hai là tính đồng đội không có - lý do được đưa ra là mấy "sao" đều muốn ăn mảnh để có tiền thưởng lớn! Chỉ hai bệnh này thôi cũng đủ đưa đội tuyển về số "mo".

Đó là bóng đá. Nhưng không phải hai "bệnh" này chỉ có ở bóng đá VN, mà còn phổ biến ở các doanh nghiệp VN nói chung.

Cách đây không lâu, khi mới bắt đầu làm ăn với nước ngoài, hầu hết doanh nghiệp nước ta đều ở thế yếu về vốn, năng lực, kỹ thuật... nên rất tự ti. Từ tự ti dẫn đến phụ thuộc và thiệt hại - chấp nhận những rủi ro về kinh tế về phía mình mà nhiều khi không biết.

Làm ăn được một thời gian, học được đối tác khá nhiều và vỡ ra được nhiều điều, vị thế được nâng lên ngang ngửa thì tưởng là đã biết hết, nên bắt đầu coi thường đối tác. Nhưng khi bước vào những cuộc hợp tác ở tầm cao hơn, mới thấy mình còn thua nhiều lắm, thì lại tình nguyện chịu lép một cách không hiểu nổi.

Không thiếu gì những cuộc làm ăn giữa doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài đã theo quy trình như vậy. Đến bây giờ, sau nhiều bài học thì doanh nghiệp nước ta mới rút ra được bài học xương máu: Khi hội nhập thì không được tự ti, không được kiêu ngạo và khi gặp khó cũng không được mất tinh thần.

Trước đây và hiện nay vẫn tồn tại bệnh ăn mảnh trong các doanh nghiệp VN. Từ ký hợp đồng xuất khẩu lao động, bán càphê, caosu, lúa gạo, đến kêu gọi đầu tư..., nhiều doanh nghiệp VN muốn có được hợp đồng đều tự hạ giá xuống thấp hơn các doanh nghiệp khác, mà không cùng nhau đấu tranh để giữ mặt bằng giá chung.

Nắm được điểm yếu này, các đối tác nước ngoài đã "chia lẻ để đánh" và thế là không chỉ một doanh nghiệp, mà tất cả đều chịu thiệt, rộng hơn là cả nền kinh tế chịu thiệt.

Cho đến bây giờ dù biết được cái hại của căn bệnh đó, nhưng vì không muốn đồng đội lợi như mình nên vẫn mắc... bệnh như thường!

Và đương nhiên, nền kinh tế vẫn thiệt hại vì cách làm ăn "tiểu nông" như vậy của các doanh nghiệp.

Thế mới biết hội nhập không phải là chuyện chơi, dù là kinh tế hay thể thao!