Bệnh viện C, con đường mới đã mở...
Các Website khác - 17/09/2005
Một ngày ở Bệnh viện C Thái Nguyên, tôi đã trò chuyện với hai cán bộ lãnh đạo, một bác sĩ trẻ, một nhóm y tá mới vào nghề và rất nhiều người bệnh. Mỗi người một câu chuyện, nhưng đều góp phần lý giải, vì sao một bệnh viện nhỏ "dám" tiên phong ở những sân chơi lớn.
Vay vốn đầu tư chữa bệnh cho dân

Hơn bốn năm trước (tháng 7-2000), Giám đốc Bệnh viện C Lê Xuân Tân đã làm một việc "động trời" trong ngành y, khi quyết định lấy bảo lãnh của bệnh viện, đứng ra vay ngân hàng gần ba tỷ đồng mua máy chụp cắt lớp vi tính. Thời điểm đó, công nghệ này mới phát triển ở các bệnh viện lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hơn thế, việc lãnh đạo bệnh viện mạnh dạn đề nghị UBND tỉnh cho cơ chế, lập bộ phận bán công, liên doanh liên kết để huy động vốn mua thiết bị thì chưa có một bệnh viện cấp tỉnh nào "dám" thực hiện. Phương tiện hiện đại ngay lập tức phát huy tác dụng. Nếu như trước đây việc chẩn đoán các tai biến mạch máu não giữa xuất huyết não và nhũn não hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, thì nay đã có phương tiện hiện đại hỗ trợ, độ chính xác đạt đến độ tuyệt đối. Chỉ sau hai tháng, Bệnh viện đã tiến hành ca phẫu thuật não đầu tiên và đến nay đã lên tới con số 200 ca. Cũng từ đó, nhiều kỹ thuật mới, chuyên khoa sâu như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật tiết niệu... được thực hiện ngày càng nhiều, bảo đảm an toàn.

Trong khi "lời ong tiếng ve" đang nổi lên ngoài tường rào bệnh viện, lo ngại Bệnh viện C chệch hướng, vì mục tiêu lợi nhuận, thì tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện C lại tiếp tục ủng hộ ban lãnh đạo khởi động liên kết Trung tâm Công nghệ Laser Việt Nam đầu tư máy tán sỏi ngoài cơ thể, với 100% vốn của đơn vị bạn. Khi đó cả nước mới có ba chiếc ở Hà Nội, ba ở TP Hồ Chí Minh và một ở miền trung. Có thiết bị mới, tất cả các trường hợp sỏi thận nhỏ hơn 2 cm đều không phải mổ. Ðến nay, bệnh viện đã điều trị gần 1.000 ca cho người bệnh đến từ 28 tỉnh, thành phố, không có biến chứng, tỷ lệ thành công đạt hơn 83%.

90 ngày và 18 phút

Ðó là một chiều cuối hè năm 2000, Giám đốc Lê Xuân Tân gọi bác sĩ Ðỗ Minh Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện vào phòng giao nhiệm vụ đi học kỹ thuật mổ nội soi tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Ông Tân tâm sự: "Muốn hay không muốn mình làm lãnh đạo phải nắm được khoa học - kỹ thuật hiện đại. Vừa đi đầu, định hướng cho phát triển, vừa giúp đỡ anh em khác học tập".

Kíp mổ được cử vào TP Hồ Chí Minh năm đó gồm ba bác sĩ: Ðỗ Minh Thịnh, Nguyễn Duy Hưng và Trần Văn Phú. Anh em rất cảm động vì đây là lần đầu UBND tỉnh cấp hơn 30 triệu đồng ủng hộ việc học tập kỹ thuật mới của ngành y tế. Tuy rằng cộng cả tiền hỗ trợ của bệnh viện, thì tiền của cá nhân tự lo ăn học vẫn chiếm phần nhiều. Nhớ lại cảm giác của mình khi đó, anh Thịnh bảo: "Nặng nề thật, vì chưa vào trận đã phải quyết tâm thắng, không có đường lùi".

Cảm động trước quyết tâm bứt phá của một bệnh viện còn ít tên tuổi ở một tỉnh miền núi phía bắc, cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ rất tận tâm chỉ bảo, tạo điều kiện học tập tốt cho đoàn Thái Nguyên. Chỉ sau hai tháng học ngày học đêm, kíp mổ của Bệnh viện C đã được lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ tin tưởng giao phụ trách riêng một giàn máy, trực tiếp mổ chính trong vòng một tháng. Tròn 90 ngày "xuất quân", Giám đốc Lê Xuân Tân vào đón kíp mổ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, hỏi chân tình: "Anh Tân làm thế nào mà đào tạo được kíp mổ siêng (chăm) như vậy?". Hóa ra, từ trước đến giờ, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ chưa từng chứng kiến một kíp mổ nào học nghề nhanh đến thế, thời gian ít nhất cũng phải sáu, tám tháng. Bây giờ một ca phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng (một loại phẫu thuật nội soi điển hình) Bệnh viện C chỉ thực hiện trong vòng 18 phút - ngang các thầy ở Bệnh viện Từ Dũ. Kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã triển khai ở 20 loại thuộc các lĩnh vực sản và ngoại. Ðiển hình là phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn bằng nội soi, mà đến nay ở phía bắc cũng chỉ có thêm Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện được kỹ thuật này.

Một ngày như mọi ngày

Trong bệnh viện dường như không tồn tại khái niệm ngày nghỉ. Lịch mổ dày đặc, các ca cấp cứu, ca trực... nối tiếp ngày đêm. Tôi phát hiện, ở Bệnh viện C, các y bác sĩ có cách nhận biết ngày thứ bảy rất đặc biệt. Ðó là sự xuất hiện thường kỳ vào ngày cuối tuần của các chuyên gia đầu ngành Bệnh viện Việt - Ðức. Nhiều năm nay, việc mời các giáo sư đầu ngành về hội chẩn và trực tiếp phẫu thuật tại bệnh viện đã được xác định là một phương thức đào tạo hiệu quả cao của bệnh viện.

Thứ bảy vừa rồi cũng là một ngày cuối tuần như thế. Hôm nay có tới bảy ca phẫu thuật, toàn các ca bệnh nặng, điển hình... Bác sĩ Lê Xuân Tân trực tiếp chủ trì hai ca. Với ông, đó là công việc thường ngày. Ông chân tình: "Nhà báo tự đi tìm hiểu bệnh viện cho khách quan nhé" rồi chia tay tôi, chuẩn bị vào phòng mổ.

Tại phòng trực Khoa Sản, nữ bác sĩ Trần Thị Hạnh đón tôi bằng nụ cười dễ mến. 37 tuổi, chị đã có gần 10 năm mổ chính, ngày nhiều đến 7 - 8 ca, trung bình 3 - 4 ca. Ấn tượng của tôi trong 10 phút ngắn ngủi gặp chị vẫn là những nụ cười: "Phải viết về cả tập thể nhé. Ở đây ai cũng làm việc như mình cả, mình nhỏ bé lắm", chị Hạnh chia tay để bước vào phòng mổ sản, đúng 10 giờ 30 phút. Người bệnh ca này của chị là Lê Thị Mai (ở phố Cò, thị xã Sông Công). Bà Nguyễn Thị Bè, mẹ của người bệnh quay sang tôi bảo: "Người Sông Công chúng tôi có cái sướng là bệnh viện tốt ngay gần nhà, may hơn nhiều nơi khác cô ạ".

Bệnh viện C Thái Nguyên nay đã là địa chỉ tin cậy của nhân dân 28 tỉnh trong khu vực. Tiếng lành đã đồn xa, nhưng ít ai biết rằng, chính Bệnh viện C cũng đã trải qua một cuộc đại phẫu khó khăn để khẳng định hướng đi mới, phù hợp chủ trương xã hội hóa ngành y tế của Ðảng. Và cũng không nhiều người biết, chính Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ cao cấp Lê Xuân Tân, Giám đốc bệnh viện đã táo bạo chủ trì ca đại phẫu thành công này.

HỮU MINH