Sẽ phải mất bảy tiếng đồng hồ đi bộ để tới Bản Hồ, vậy nên, những du khách mê chơi sẽ phải khởi hành từ sáng sớm. Trong ký ức của những người từng đến Sapa, ấn tượng về những nương lúa chín vàng trong mùa gặt hết sức đặc biệt. Nhưng tháng bảy này về Sapa, mùa gặt vẫn chưa tới. Trải ngút tầm mắt là một màu xanh của lúa nương trên những lớp ruộng bậc thang bao quanh những quả đồi, xen lẫn trong đó là những nếp nhà của người dân tộc nằm rải rác dọc hai bờ suối. Bản Hồ, với trung tâm là thôn Bản Dền, là nơi gặp gỡ của hai dòng suối Mường Hoa và La Ve, từ nhiều năm nay đã là một điểm đến đầy sức hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
Không như dòng Mường Hoa ngày ngày phải mang nước đến cho hàng chục bản làng nơi nó chảy qua, dòng La Ve chảy về Bản Hồ từ trong tận núi cao rừng thẳm. Có lẽ vì thế mà nó cũng đẹp hơn, bí ẩn hơn và trong hơn. Còn gì tuyệt vời hơn là được tắm nước suối mát lạnh chảy ra từ trong lòng núi đá, giữa một không gian chỉ có bạt ngàn xanh. Mà không riêng gì La Ve, thiên nhiên đã tạo cho khu vực Bản Hồ một loạt những suối, thác như Cá Nhảy, Séo Trung Hồ… đều là những nơi mà bước chân ham mê khám phá của du khách đều có thể ghé thăm. Trong số đó, nếu nói về độ hoành tráng và hùng vĩ thì không gì có thể so sánh với thác Séo Trung Hồ với độ cao trên một trăm mét, xa trông như dải lụa trắng vắt ngang lưng chừng núi, mới thấy đã muốn ghé thăm.
Bản Hồ không dành cho những người không có khát vọng khám phá và những người… yếu chân, bởi vì những cung đường hàng cây số đường núi đồi thực sự là thử thách. Nhưng đi rồi sẽ mê bởi vì ngoài khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, ngoài những thác ghềnh nhuốm màu huyền thoại còn là những bản làng của người Tày, người Dao. Những địa danh như Nậm Toóng, Tả Van… hay ngược núi lên những bản người Dao đều là những nơi mà những du khách mê chơi đều không thể bỏ qua trong hành trình của mình.
Cư dân của Bản Hồ chủ yếu là người Tày với cách sống và sinh hoạt khá giống với người Kinh, tuy nhiên nhà sàn vẫn là không gian sống từ nhiều đời nay của họ và dĩ nhiên, trong đó những gì thuộc về văn hoá riêng của họ vẫn được lưu giữ. Đó là điều đã thôi thúc và sau đó níu chân những du khách phương xa dù quen với những tiện nghi đầy đủ nơi phố thị để được một lần hít thở không khí của rừng núi vào đêm. Được khởi động và khích lệ bởi nhiều nhóm du khách từ khoảng gần mười năm nay, ngày nay hình thức du lịch tại gia (homestay) đã là một trong những thứ làm nên sự hấp dẫn của Bản Hồ. Nhiều du khách nước ngoài nói rằng, họ được nghe kể về cuộc sống giản đơn của tổ tiên họ nhưng không thể hình dung được, nhưng đến với những bản làng của Việt Nam thì họ có thể cảm nhận được điều đó.
Từ ba năm nay, các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật để đưa Bản Hồ trở thành một điểm nhấn của hình thức homestay đã được tiến hành và thu được nhiều kết quả khả quan. 29 nhà sàn to đẹp nhất trong thôn Bản Dền đã được lựa chọn để triển khai dịch vụ này và điều thú vị nhất là dòng người đổ về Bản Hồ để được một lần ngủ đêm với bản ngày càng đông, trong đó có cả những bạn trẻ Việt Nam. Với chi phí 25.000 đồng, du khách đã có thể an tâm với một đêm ngủ nhà sàn. Khách cũng có thể yêu cầu chủ nấu cơm với các món ăn dân tộc, đốt lửa đêm, uống rượu nếp, rượu ngô và sáng hôm sau nghe tiếng chim rừng đánh thức để bắt đầu một hành trình khám phá mới. Còn vào mùa lạnh, ngủ nướng một chút vào buổi sáng khi màn sương dày đặc vẫn còn bao phủ khắp núi đồi cũng sẽ là một điều thú vị khó quên.
|