Sau 2 năm triển khai, Dự án cải thiện chất lượng môi trường kênh Tân Hóa - Lò Gốm, TP HCM, đã kết thúc hôm 15/9. Cái "được" lớn nhất từ dự án là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng trong khu vực. Song, để điều trị hiệu quả "bệnh bẩn" cho dòng kênh thì cần phối hợp các biện pháp khác.
Các hộ dân sống ven kênh xả thải rác trực tiếp ra kênh làm ô nhiễm môi trường. |
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua nhiều quận nhưng chủ yếu nằm trong khu vực quận 6, quận 11, là một trong những hệ thống kênh rạch ô nhiễm nhất trong nội thành TP HCM. Hai đợt khảo sát năm ngoái của Sở Tài nguyên môi trường thực hiện ở đây đều cho kết quả chỉ tiêu vi sinh cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Giá trị quan trắc vi sinh năm 2004 cao hơn cùng kỳ năm trước đến 100 lần.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm kênh Lò Gốm là do việc xả rác, nước thải bừa bãi của hơn 1.500 hộ dân sống ven kênh và khoảng 79 đơn vị sản xuất thuộc các ngành gây ô nhiễm cao như dệt, nhuộm, hóa chất... dọc theo kênh.
Năm 2003, Chương trình hợp tác môi trường Mỹ - Á, Quỹ châu Á và Đại học Porland (Mỹ) đã đầu tư 25.000 USD triển khai dự án Cải thiện chất lượng môi trường kênh Tân Hóa - Lò Gốm với sự tham gia của cộng đồng, đoạn 2 km thuộc phường 3, quận 11. "So với các dự án cải tạo môi trường kênh, mương trong thành phố, số kinh phí này không lớn, tuy nhiên hiệu quả lớn nhất rút ra từ quá trình triển khai dự án là bài học về công tác giáo dục, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường", Giám đốc Chương trình hợp tác môi trường Mỹ - Á Nathan Sage cho biết.
Tất cả các con kênh rạch trong nội thành TP HCM đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, các loài thủy vi sinh không thể sống được. Nồng độ oxy hòa tan (DO) đo được ở các trạm quan trắc rất thấp, không đạt tiêu chuẩn cho phép đối với mặt nước loại B. Thậm chí các vị trí Ông Buông, Hòa Bình, Ruột Ngựa có nồng độ DO = 0. Nồng độ BOD5 ở kênh Tham Lương và Lò Gốm cao vượt tiêu chuẩn mặt nước loại B 6,2-12,1 lần. Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 9/2004 Chi cục Bảo vệ môi trường. |
Biết rằng khoản kinh phí 25.000 USD quá ít đối với việc cải tạo môi trường kênh Tân Hóa - Lò Gốm, song các "bác sĩ" Ban quản lý dự án vẫn phải "kê" một "toa thuốc" sao cho hiệu quả mà ít tốn kém nhất để điều trị tình trạng ô nhiễm nặng trên dòng kênh này. Theo "toa", dự án phải đánh giá lại hiện trạng môi trường nước và không khí trong khu vực kênh, điều tra khảo sát cộng đồng kể cả dân cư cũng như doanh nghiệp về điều kiện kinh tế và môi trường, triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 28 hộ gia đình... 4 vấn đề môi trường được ưu tiên giải quyết là rác, nước thải, bụi và mùi hôi, ô nhiễm kênh rạch.
Trong cuộc họp tổng kết dự án hôm 15/9, ông Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Hepa) TP HCM, cho rằng, "toa" thuốc của các "bác sĩ" dự án đã thực thi được các hoạt động phục hồi môi trường khu vực thí điểm kênh Tân Hóa - Lò Gốm theo cách quản lý môi trường dựa vào cộng đồng. "Qua các phiếu khảo sát, ý thức phân loại rác của các hộ dân ở khu vực này được nâng cao, vệ sinh môi trường sạch sẽ hơn", ông Tuấn nói. Tuy nhiên về cảm quan là vậy, còn hiện vẫn chưa có những khảo sát nào đối với chất lượng môi trường nước kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau dự án, nhằm đánh giá hiệu quả cải tạo so với mức độ ô nhiễm trước khi thực hiện dự án.
Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, dự án cải tạo môi trường kênh Tân Hóa - Lò Gốm phải nhanh chóng kết hợp với việc chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng, mở rộng đường... nếu muốn triển khai hiệu quả. Kinh nghiệm cải tạo thành công hệ thống kênh Nhiêu Lộc là một ví dụ điển hình có thể áp dụng vào "chữa bệnh" ô nhiễm cho các hệ thống kênh khác, trong đó có kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Toàn tuyến kênh Lò Gốm đi qua địa bàn nhiều phường, quận trong khi 2 km tuyến kênh đang được chọn thực hiện dự án cải thiện môi trường lại là đoạn giữa nguồn, vì thế dự án cần được triển khai đồng bộ, bằng không sẽ không đạt hiệu quả mong muốn. "Giáo dục ý thức cộng đồng là vấn đề quan trọng, nhưng dự án cải tạo môi trường cũng phải được kết hợp với biện pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch và chỉnh trang đường ven kênh thì mới đạt hiệu quả cao", giáo sư-tiến sĩ Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, nói.
Phan Anh
▪ Xoá nghèo vững chắc (17/09/2005)
▪ Việt Nam giảm gần 60% số hộ nghèo (17/09/2005)
▪ Nhiều trường mầm non 'né' lớp dưới 18 tháng tuổi (17/09/2005)
▪ 1001 mánh lừa của 'cò' nhà trọ (17/09/2005)
▪ Nên đưa hình ảnh thực về TNGT làm tranh cổ động? (17/09/2005)
▪ Ăn khoai tây, sắn, chết vì độc chất xyanua (17/09/2005)
▪ Kiểm điểm phòng khám để bệnh nhân chết trong toilet (17/09/2005)
▪ Bắc Ninh: Ô nhiễm đậm đặc tại các cụm công nghiệp (17/09/2005)
▪ Hội nghị cấp cao lần thứ hai giữa ASEAN và LHQ (14/09/2005)
▪ Lòng quyết tâm đã làm nên những thành công của VN (16/09/2005)