Những cây Da xưa ở Sài Gòn
Các Website khác - 17/09/2005
Miếu thờ Phật trên cây da.
Nhân chuyện cây da xà tại địa chỉ 111 đường Bà Hom, phường 13, quận 6, có nguy cơ bị đốn hạ, chúng tôi xin giới thiệu một số cây da xưa và những địa canh liên quan đến loại cây này ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cây da (phía bắc gọi là cây đa), tên khoa học là Ficus Elastica L., thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Ở thành phố có trồng một số loại như da búp đỏ (da cao-su), da chai, da lông, da tía... Cây thuộc loại to, có thể cao tới 20m, nhiều rễ phụ ở cành. Cây da hay trồng ở sân đình, chùa, đầu làng, chợ, giữa cành đồng, bến đò... để lấy bóng mát. Người dân hay lập các điện thờ dưới gốc vì cho rằng những cây cao, bóng cả (như bồ đề, da, si) là nơi trú ngụ của thần linh (Thần cây da, ma cây gạo). Hình ảnh cây da từ lâu đã rất gắn bó với quê hương (Thằng Cuội ngồi gốc cây đa; Trăm năm dù lỗi hẹn hò. Cây đa bến cũ con đò khác đưa!...).

Trong các chợ xưa, sách Gia Định thành thông chí (1820), Trịnh Hoài Đức đã dành những dòng ghi chép về chợ Cây Da (Khung Dung thị): "phía nam trấn, dưới chân thành về phía hữu có cây da nhánh rễ rằng ni, bóng lá xum xuê nửa mẫu, người buôn bán nhóm chợ dưới bóng cây. Lúc đầu canh tư người ta đã đi chợ đèn đuốc sáng trưng kẻ đội người gánh những đưa bí rau cải đến nhóm tại đầu chợ phía tây, có người mua sỉ ngồi bán lại; đến sáng đầu chợ phía đông cá thịt và vật hàng mới bày bán" (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo).

Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (bản in NXB C.Guilland et Martinon, Saigon, 1882) do P.J.B. Trương Vĩnh Ký chép ra chữ quốc ngữ và dẫn giải cũng ghi nhận về địa danh này:

Trên cây Da Còm nỡ để ông già gùi đội
Dưới đường Cầu Khắc, chi cho đứa trẻ lạc loài

Tập Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận (Souvenirs historíques sur Saigon et ses environs, ấn bản 1885) do Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích (NXB Trẻ, 1997) mô tả chính xác hơn vị trí của chợ Da Còm: "Trên khoảng Khám đường (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh) và Tòa án mới, xưa có ngôi chợ gọi là chợ Da Còm".

Hiện nay, chung quanh khu vực này vẫn còn sót lại một số cây da cổ, có lẽ là dấu vết của chợ Cây Da còm xưa. Cây cổ thụ lớn nhất, sát đường Lý Tự Trọng, trước mặt Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, với bốn cụm rễ to, vừa được mé nhánh, có lẽ là cây da lâu năm nhất ở thành phố. Một cây da nhỏ hơn nằm bên hông Bảo tàng TP. Hai cây da khác cũng khoảng cùng tuổi nhau, mọc hai bên đường Nguyễn Du, một cây bên phía trái Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, gần góc đường Nguyễn Trung Trực cây kia ở trong khuôn viên dinh Thống Nhất (cây da lông).

Cây da ở đường Bà Hom (quận 6), trước mặt chợ Phú Lâm mới, vốn là cây da sà (da si, ngừa) bị đọc chệch thành cây da sà.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chấp, 75 tuổi, thư ký đình Nghi Hòa, ngụ cư đã 4 đời thì trước đây, ở gần ngã tư Cây Da Sà có một cây da tuổi ước mấy trăm năm. Cây da này rất lớn, đường kính cũng phải vài người ôm, tàng cây phủ rộng vài chục mét, có nhiều nhánh sà xuống. Trong đó, có một nhanh mà rễ cái của nó đường kính đến một người ôm. Bên dưới có ngôi miếu Ngũ Hành. Năm 1956, cây da này chết và ngôi miếu theo đó cũng sụp đổ.

Phía sau chợ Phú Lâm (tên cũ thời Pháp là chợ Gạo) cũng có một cây da. Theo những người dân địa phương, cây da nay đã trên một trăm năm, trước tàn rộng hơn 20m2. Năm 1994, xây dựng chung cư, dành cho các hộ trong diện giải toả dự án đại lộ Đông Tây, miếu thờ Ngũ Hành (miếu Cây Da) ngày trước nằm dưới gốc cây da này đã được di dời vào phía trong.

Chợ Cây Da Thằng Mọi ở góc đường Nguyễn Trãi- Cống Quỳnh (quận 1), có lẽ thành lập thời Lê Văn Duyệt. Nơi này có bán một thứ chân đèn bằng đất nung nặn hình người dân tộc ít người (thằng mọi), đội đèn trên đầu, trong đó đặt một cái tim bấc thấm ngập dầu phộng hay dầu dừa.

Xem thế, việc bảo quản những cây da lâu năm - những "địa chỉ xanh" ở thành phố cũng là góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau, để con cháu chúng ta có thể "chiêm ngưỡng" chúng, chứ không phải chỉ biết đến qua những địa danh còn sót lại. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh (7-9-2005) đưa tin về việc Sở Giao thông công chính TP Cần Thơ tổ chức lấy ý kiến các ngành và người dân về việc nên giữ hay đốn một cây sao trên 100 năm (cây cổ thụ lâu đời nhất thành phố) và cuối cùng đã quyết định giữ lại. Đây là việc làm đáng để chúng ta suy nghĩ!

Theo Thể thao và Văn hóa