7 cầu truyền hình trực tiếp thảo luận về tuyển sinh. Ảnh: V.A |
Trưa 19/1, sau 4 giờ thảo luận qua cầu truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển chính thức quyết định bỏ quy định về điểm thưởng với học sinh giỏi. Lần đầu tiên, thí sinh sẽ tra cứu dữ liệu tuyển sinh ĐH, CĐ trên mạng. Đây là hai thay đổi đáng chú ý nhất trong mùa thi 2006.
Sáng 19/1, Hội nghị thi và tuyển sinh được thảo luận trực tiếp tại 7 đầu cầu là Hà Nội, TP HCM, Huế, Cần Thơ, Vinh, Tây Nguyên, Tây Bắc. Dự thảo quy chế thi và tuyển sinh năm nay về cơ bản không thay đổi so với năm 2005. Ba vấn đề được thảo luận nhiều nhất là quy định điểm thưởng với học sinh giỏi, phương pháp thi trắc nghiệm, công tác thanh tra những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT ảo.
Thanh tra ngay những địa phương có thành tích ảo
Tại Hội nghị này, tổ công tác nghiên cứu điểm thưởng đã đưa ra những con số kinh hoàng về học sinh giỏi. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Phạm Văn Hùng cho rằng, thưởng điểm là chủ trương đúng để khuyến khích học toàn diện. Việc bội thực tú tài xuất sắc là do công tác đánh giá, thi cử chưa nghiêm. Ở đây, có lỗi của người thày.
"Tôi đề nghị cân nhắc kỹ việc bỏ điểm thưởng, sai ở khâu nào thì sửa khâu đó. Chúng ta không thể vì thày sai mà học sinh chịu thiệt. Nếu bãi bỏ điểm thưởng, học sinh có thể chỉ tập trung vào một số môn thi ĐH, dẫn tới học lệch", ông Hùng nêu quan điểm.
Từ điểm cầu Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Lê Tiến Hưng lập tức bác bỏ quan điểm trên. Ông cho rằng, với lượng học sinh lớn như hiện nay, lãnh đạo sở khó kiểm soát được hoạt động của các thày, cô. Vì 2 điểm thưởng, phụ huynh học sinh sẽ tìm mọi cách để lợi dụng sơ hở của quy chế.
Tán đồng quan điểm trên, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ Trần Trọng Chính đề nghị phải bỏ ngay điểm thưởng - một quy định đang nảy sinh tiêu cực. Đẩy vấn đề xa hơn, ông Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT phải phúc tra bài thi của những tỉnh, thành có số lượng học sinh giỏi tăng đột biến hoặc có tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 99%.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện Quốc hội, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển kết luận bãi bỏ quy định thưởng điểm với học sinh giỏi từ năm 2006. Tuy nhiên, với những học sinh đặc biệt xuất sắc (thi đạt 60 điểm) sẽ xem xét có ưu ái riêng.
Ông Hiển thừa nhận thực tế, công tác coi thi THPT chưa tốt, một số cán bộ đang chạy theo thành tích, trong đó không loại trừ trường hợp tiêu cực. Thời gian tới, thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra gắt gao, cương quyết xử lý nghiêm các địa phương có thành tích ảo.
Không tiến hành ồ ạt phương pháp trắc nghiệm
Đại biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: V.A |
Năm nay, lần đầu tiên phương pháp trắc nghiệm sẽ được sử dụng trong kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo Cục trưởng Khảo thí Nguyễn An Ninh, để đảm bảo bí mật, các giám thị phải thu lại đề trắc nghiệm, không cho thí sinh mang theo ra ngoài. Những năm tới, sẽ mở rộng môn trắc nghiệm.
Từ thực tế tại trường, Hiệu trưởng CĐ Sư phạm mẫu giáo TƯ1 Nguyễn Văn Lê cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ khi áp dụng phương pháp trắc nghiệm với các môn xã hội. Lý do là đề trắc nghiệm không phản ánh hết được khả năng của thí sinh. Ông Lê đề xuất nên kết hợp cả hai phương pháp trắc nghiệm và tự luận trong đề thi.
Trước nhiều ý kiến phản ánh việc thi trắc nghiệm tốn kém, in sao đề phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển yêu cầu, năm 2006, tập trung làm tốt trắc nghiệm Ngoại ngữ. Sau đó, sẽ tổng kết đánh giá và cân nhắc các môn trắc nghiệm tiếp theo.
Mùa tuyển sinh 2005, nhiều ý kiến phản ánh những bất cập trong việc định điểm sàn. Ông Hiển cho biết, năm nay bộ vẫn giữ chủ trương có điểm sàn, nhưng sẽ lưu ý đến yếu tố vùng miền, các trường dân lập nhằm đảm bảo nhu cầu về nguồn nhân lực của địa phương.
"Những điều cần biết về tuyển sinh" lên mạng
Theo Bộ GD&ĐT, năm nay, vẫn có 2 đợt tuyển sinh ĐH. Ngày 4-5/7 thi khối A. Ngày 9-10/7 thi các khối B, C và D. Thí sinh dự thi khối D sẽ làm bài trắc nghiệm Ngoại ngữ vào sáng 10/7. Khối CĐ tổ chức tuyển sinh 16-22/7. |
Trước mỗi mùa tuyển sinh, cuốn sách "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ" là phương tiện để phụ huynh, học sinh tra cứu mã trường, ngành học, chỉ tiêu tuyển... Năm nay, lần đầu tiên, Trung tâm tin học của Bộ GD&ĐT sẽ đưa toàn bộ thông tin về tuyển sinh lên mạng.
Giám đốc Trung tâm tin học Quách Tuấn Ngọc cho biết, với một click trên máy tính, thí sinh có thể biết biết toàn bộ thông tin cần tìm, tiết kiệm thời gian. Ví dụ, thí sinh muốn dự thi ngành ngân hàng, mạng dữ liệu sẽ tập hợp toàn bộ trường có liên quan. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, đây là cải cách hành chính trong công tác tuyển sinh, giúp thí sinh có thêm phương tiện tra cứu khác ngoài cách tra cứu truyền thống.
Việt Anh
▪ Bộ sưu tập kỷ vật của giáo sư Trần Văn Khê (19/01/2006)
▪ Giữ gìn an toàn thực phẩm Tết (19/01/2006)
▪ Dịch vụ cho thuê xe dịp Tết đắt hàng (19/01/2006)
▪ Cuộc sống mới ở một vùng lũ quét (19/01/2006)
▪ Đã thấy "một Việt Nam của chúng tôi" (19/01/2006)
▪ Hai Việt kiều trẻ nhiệt huyết với quê hương (19/01/2006)
▪ Phấn đấu đạt 75.000 - 80.000 người (19/01/2006)
▪ Tổng kết phong trào thi đua khen thưởng năm 2005 (19/01/2006)
▪ TIN VĂN HOÁ (19/01/2006)
▪ Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo báo cáo chính trị (19/01/2006)