Bộ sưu tập kỷ vật của giáo sư Trần Văn Khê
Các Website khác - 19/01/2006
GS Trần Văn Khê.
Trong gian phòng rộng hơn 40m2 của ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày kín các nhạc cụ - những kỷ vật một thời theo giáo sư Trần Văn Khê khắp bốn biển năm châu...
Tiếng nói từ những chiếc đàn

Chiếc đàn tỳ bà (phải) - hiện vật độc bản của nhạc sư Vĩnh Bảo tặng giáo sư Trần Văn Khê.

Mỗi kỷ vật có một lai lịch, một trường hợp riêng gắn bó với người nhạc sĩ. Hành trạng của ông đối với từng kỷ vật cũng có khác nhau. Chiếc đàn tỳ bà là vật kỷ niệm của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - người bạn tri âm thân thiết tài hoa - tặng từ năm 1968. Trên dòng chú thích ngắn, giáo sư Trần Văn Khê cẩn thận ghi chú: đây là chiếc đàn tỳ bà đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo đã khoét một lỗ sau lưng đàn để chỉnh cho đàn từ âm câm thành âm vang. Chiếc đàn độc bản này đã cùng ông đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới.

Một cổ vật gia đình từ thế kỷ 19 còn lại đến hôm nay là chiếc đàn tranh cổ kính. Chiếc đàn tranh này là vật bất ly thân, theo giáo sư biểu diễn trong chương trình nhạc hội ở rất nhiều nước. Năm 1949, cũng chính với chiếc đàn này, giáo sư Trần Văn Khê đoạt giải nhì trong cuộc thi nhạc hội thanh niên tại Budapest. Kỷ niệm của giáo sư Lưu Hữu Phước từ năm 1976 là chiếc đàn đáy dùng trong các cuộc hát ca trù, cũng là di vật kỷ niệm một thời giáo sư Lưu Hữu Phước làm viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc tại TP Hồ Chí Minh.

Có những kỷ vật lặng yên trên giá, trong một góc khuất, nhưng tiếng nói từ đó lại khiến người xem dừng lại, tần ngần. Như chiếc đàn gáo (đàn hồ) thô mộc do người bạn học Bùi Văn Nhu tự tay làm tặng cách đây đã 34 năm. Chiếc đàn đã theo giáo sư biểu diễn và thuyết trình trong nhiều buổi đờn ca tài tử và nói về nghệ thuật hát chèo của Việt Nam.

Hay như chiếc đàn bầu của nghệ sĩ Hải Phượng tặng kỷ niệm giáo sư Khê nhân chuyến lưu diễn nhạc Việt Nam tại Pháp năm 1994. Lúc này tên tuổi Hải Phượng bắt đầu nổi lên trên trường nhạc quốc tế, và chiếc đàn là kỷ vật đánh dấu bước ngoặt quan trọng đó.

Góp vào bộ sưu tập kỷ vật này có không ít bạn bè quốc tế. Một chiếc đàn setar chế tác tại Ba Tư của nhạc sĩ Tofigh tặng giáo sư Khê nhân dịp cô bảo vệ luận văn cao học tại Đại học Sorbonne, Paris được đặt trang trọng trên giá. Bên cạnh có chiếc đàn valiha của nghệ nhân Randarfison người dân tộc Madagascar tặng nhân buổi biểu diễn giao lưu âm nhạc Việt Nam - Madagascar tại Antananarivo từ năm 1985.

Của tin về lại chốn này

Kỷ vật còn nhiều lắm, còn nhiều món chưa trưng bày hết được. Những bài thơ của bạn làng văn nghệ bốn phương gửi tặng, những câu đối, thư họa, tranh thêu... tất thảy đã tìm thấy một nơi để về, một nơi để tiếp tục phần việc của kỷ niệm: giao kết giữa một cá nhân tài hoa với số đông những người thế hệ sau cần tìm hiểu.

Ông trưởng phòng quản lý di sản - Sở VHTT xuýt xoa khi nghe hành trình chuyển tất cả 146 thùng sách và nhạc cụ từ Pháp về Việt Nam bằng tàu thủy, ròng rã lênh đênh hai tháng vượt đại dương.

Ông Dương Đình Thảo - nguyên giám đốc Sở VHTT TP Hồ Chí Minh - bày tỏ rằng bộ sưu tập kỷ vật của giáo sư Khê sẽ là nguồn tư liệu vô giá cho những ai muốn sưu tầm, học tập nghiên cứu. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh hỗ trợ bằng cách cử người sang giúp giáo sư Trần Văn Khê phân loại tư liệu, ghi chú thích giới thiệu và trưng bày theo không gian hiện có.

Ngôi nhà cùng bộ sưu tập của ông rồi sẽ là một địa điểm cần đến của khách yêu văn nghệ, muốn tìm hiểu âm nhạc Việt Nam và tìm hiểu về vị giáo sư từng vinh danh nhạc cổ truyền Việt Nam trên toàn thế giới.

Theo Theo Tuổi trẻ