Bộ trưởng Đào Đình Bình từ chức
Các Website khác - 03/04/2006
Ông Đào Đình Bình. Ảnh: Hồng Loan

Ngày 3/4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã viết đơn từ nhiệm. Quyết định của ông Bình được đưa ra cùng ngày với việc Bộ Chính trị họp xem xét đình chỉ chức vụ của ông Bình theo đề nghị của Thủ tướng.
> Đề nghị đình chỉ công tác Bộ trưởng Bình
> Văn hóa từ chức chính là lương tri
> Vụ tiêu cực tại PMU 18

Trong cuộc họp này, nhiều ý kiến đã ghi nhận đóng góp của ông Bình trong 4 năm làm Bộ trưởng. Tuy nhiên, trước nhiều tiêu cực và sự cố xảy ra ở những ngành thuộc Bộ Giao thông Vận tải như: lật tàu E1, công trình kém chất lượng ở cầu chui Văn Thánh…, đặc biệt là những tiêu cực ở PMU 18, không ít người cho rằng bản báo cáo của Bộ trưởng chưa thực sự cầu thị, làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là việc giao vốn giao dự án, quản lý tài sản công. Đây cũng chính là lý do khiến Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bình làm lại kiểm điểm, đồng thời đề nghị Bộ Chính trị xem xét đình chỉ chức vụ với ông Bình.

Ông Đào Đình Bình sinh năm 1945, tiến sĩ vận tải.
Tháng 7/2002, Quốc hội chính thức phê chuẩn ông Bình làm Bộ trưởng Giao thông vận tải. Tại kỳ họp trước đó, việc phê chuẩn này đã chưa được các đại biểu chấp thuận.

Chiều tối 3/4, mọi nỗ lực của VnExpress liên lạc với Bộ trưởng Bình và người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải trong vụ tiêu cực ở PMU 18 là Phạm Tăng Lộc đều bất thành. 21h, người phát ngôn riêng của Bộ trưởng, ông Nguyễn Hồng Hiển, cho biết, không nhận được thông tin về việc Bộ trưởng viết đơn từ nhiệm.

Năm ngày trước (29/3), lần đầu tiên công khai trả lời báo chí trong vụ tiêu cực ở PMU 18, thay vì làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, Bộ trưởng đã dành phần lớn thời gian phản bác phát biểu của thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, đồng thời đổ hầu hết trách nhiệm cho ông này. Cũng trong cuộc gặp đó, Bộ trưởng Bình khẳng khái, ông không nghĩ đến chuyện từ chức. Đó chỉ là ý kiến cá nhân của thứ trưởng Tiến.

"Chức tước vẫn đưa lại nhiều cơ hội hơn. Do vậy, họ cố bám lấy cái ghế đến suốt đời, rồi quyền lợi đi theo. Nếu thấy chưa tròn trách nhiệm, thấy lương tâm cắn rứt hãy nên từ chức.
Ở Việt Nam, không khéo người ta làm chính trị vì mục đích kinh tế, điều đó dẫn tới tệ tham nhũng.
Ban đầu là lãnh đạo tốt nhưng quyền lực có thể làm tha hoá con người" - tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Trong diễn đàn “văn hóa từ chức” của VnExpress, nhiều độc giả đã đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, rằng: “Từ chức là văn hóa lương tri. Nếu có một văn hoá chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc”. Rất nhiều ý kiến còn gay gắt đề nghị ông Bình từ chức.

Với việc viết đơn từ chức hôm nay, ông Bình trở thành bộ trưởng thứ hai xin từ nhiệm. Năm 2004, khi vụ án tham ô của Lã Thị Kim Oanh xảy ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã từ chức. Ngày 1/6/2004, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 11 bỏ phiếu chấp nhận đơn từ nhiệm của ông Ngọ.

Phạm Hiếu - Anh Thư

Ý kiến của bạn

Theo dòng sự kiện:
Đình chỉ sinh hoạt Đảng của ông Nguyễn Việt Tiến (03/04)
Đề nghị đình chỉ công tác Bộ trưởng Đào Đình Bình (02/04)
Ông Tiến nêu nhiều trách nhiệm của Bộ trưởng Bình (31/03)
10 tỷ đồng thất thoát từ việc cho mượn ôtô tại PMU 18 (31/03)
Làm rõ trách nhiệm Phó ban chống tham nhũng Bộ GTVT (31/03)
Xem tiếp»
Các tin khác:[Trở về]