![]() |
Thông tin này được nêu ra tại Hội nghị công bố báo cáo chung về Điều tra quốc gia Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (gọi tắt là SAVY 2) được Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) và Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 1/6 tại Hà Nội.
Báo cáo nêu lên bức tranh tổng thể về sự thay đổi, xu hướng phát triển trong kiến thức, thái độ, hành vi, lối sống và điều kiện sống của thanh thiếu niên, từ đó đưa ra nguồn dữ liệu cho các chương trình và chính sách của quốc gia dựa trên các số liệu xác thực.
Nối tiếp cuộc điều tra lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2003 và công bố năm 2005, cuộc điều tra lần thứ 2 được thực hiện năm 2008 trên phạm vi toàn quốc trong nhóm vị thành niên và thanh niên từ 14-25 tuổi.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cực DS-KHHGĐ nhấn mạnh: Mục tiêu của cuộc điều tra SAVY 2 là nhằm đưa ra bức tranh tổng thể của vị thành niên và thanh niên Việt Nam, những thay đổi và xu hướng phát triển của nhanh thiếu niên sau 5 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất.
Cuộc điều tra cung cấp những thông tin chi tiết nhằm mục đích so sánh và đánh giá sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng nam, nữ; thành thị, nông thôn; nhóm thanh niên đã lập gia đình và chưa lập gia đình; giữa các nhóm thanh niên có trình độ học vấn khác nhau...
Kết quả điều tra cũng cung cấp các số liệu phục vụ các nhà nghiên cứu, lập kế hoạch và hoạch định chính sách phục vụ mục tiêu cải thiện chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ và các chương trình phục vụ đối tượng vị thành niên và thanh niên Việt Nam.
Kết quả cuộc điều tra SAVY 2 cho thấy: thanh thiếu niên này nay so với 5 năm trước được sống trong điều kiện tốt hơn nhiều và họ có nhiều biểu hiện tích cực trong các lĩnh vực của cuộc. Sự phát triển kinh tế- xã hội nhanh chóng của đất nước đã mang đến cho thanh niên nhiều cơ hội, giúp họ có nhiều niềm tin vào tương lai.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức với thanh thiếu niên Việt Nam như: lao động ngày càng đòi hỏi tay nghề, trình độ cao; dễ dàng tiếp xúc với những hành vi nguy cơ cao cho sức khỏe; một bộ phận thanh thiếu niên vẫn tỏ ra thiếu hiểu biết về kỹ năng sống, có hành vi nguy cơ cao đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, cũng như đối với phúc lợi cuộc sống nói chung của họ và gia đình.
Nhiều thông tin cụ thể được nêu ra trong báo cáo như: thanh niên ở Việt Nam có quan hệ tình dục lần đầu tiên là 18,1 tuổi. Có 9,5% thanh niên từng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Truyền thông đại chúng vẫn là nguồn cung cấp thông tin phổ biến nhất về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên, trong đó truyền hình chiếm vị trí hàng đầu (65%), tiếp đến là sách báo, radio, loa truyền thanh và internet. 98% thanh thiếu nhiên có nghe nói về HIV/AIDS. Tỷ lệ những người có hiểu biết tốt về HIV tăng theo học vấn. Học vấn càng cao thì hiểu biết tốt về HIV càng cao....
Trên cơ sở điều tra, báo cáo nêu lên một số khuyến nghị chung như sau: Các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi vị thành niên và thanh niên cần chú ý nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho con, đặc biệt cần thảo luận, trao đổi nhiều hơn với con về các chủ đề quan trọng như: tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình, KHHGĐ, phòng chống HIV/AIDS và các vấn đề sức khỏe sinh sản khác.
Nhà trường cần tăng cường hơn nữa các hình thức giáo dục kỹ năng sống, cung cấp các thông tin về chủ đề mà học sinh lớn tuổi quan tâm như: tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình, phòng chống HIV/AIDS...
Vào trung tuần tháng 7 tới, Hội nghị công bố 9 báo cáo chuyên đề trên cơ sở các dữ liệu của cuộc điều tra SAVY 2 sẽ được công bố. Đó là các báo cáo chuyên đề về thanh thiếu niên như: giáo dục, việc làm, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, HIV, sự thay đổi các giá trị xã hội, chấn thương và bạo lực, sức khỏe tâm thần, truyền thông đại chúng và sử dụng chất gây nghiện.../.
Hồng Nguyên▪ Lưu trữ tế bào gốc - cơ hội điều trị bệnh nan y (19/05/2010)
▪ Trung Quốc tự ý tuyên bố "Lệnh cấm đánh bắt cá" trong lãnh hải của Việt Nam. (16/05/2010)
▪ 'Không nước nào được lợi nếu biển Đông mất ổn định' (12/05/2010)
▪ Ra mắt Trung tâm phát triển KHCN và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (11/05/2010)
▪ Mắc thêm bệnh tại... bệnh viện (08/05/2010)
▪ Thêm 80.000 người nghiện điều trị bằng methadone (08/04/2010)
▪ Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh : Bắt đầu từ đâu? (06/04/2010)
▪ Tăng cường năng lực về phòng chống ma túy (19/03/2010)
▪ Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ của PEPFAR (26/01/2010)
▪ Năm 2010, Ngành Y tế Hà Nội xây dựng thêm 40 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia (26/01/2010)