Mắc thêm bệnh tại... bệnh viện
Các Website khác - 08/05/2010

(ANTĐ) - Theo Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm khuẩn ở các BV nước ta hiện vẫn ở mức khá cao (5,5-8%). Thực trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị mà còn khiến nhiều người bệnh phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật “kép”.

Quá tải BV và điều trị dài ngày làm tăng 
nguy cơ nhiễm khuẩn BV

Nhân viên y tế chủ quan

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nhiễm khuẩn trong các BV ở nước ta đang ở mức cao do điều kiện vệ sinh kém, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị hoặc quá tải trong phẫu thuật ngoại khoa... Đặc biệt, trong khi các BV chủ trương đẩy mạnh công tác chống nhiễm khuẩn BV thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, bác sĩ, nhân viên trong BV tỏ ra chủ quan với công tác này.

Kết quả khảo sát trong năm 2009 tại 29 khoa lâm sàng thuộc khối ngoại, sản, cấp cứu của 9 BV tuyến Trung ương và tỉnh của khu vực phía Bắc cho thấy, mới có 2,3% số BV có đủ phương tiện vệ sinh bàn tay; hơn 58% nhân viên y tế không trả lời đúng các câu hỏi về vệ sinh bàn tay.

Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế hiện nay ở nước ta còn rất thấp. Điển hình tại BV Bạch Mai và một số BV khu vực phía Bắc, chỉ có 2,6% nhân viên y tế vệ sinh bàn tay trước khi thăm khám cho bệnh nhân, 4,2% vệ sinh bàn tay trước khi chuyển từ thao tác bẩn sang thao tác sạch trên cùng bệnh nhân. Tại các BV của Hà Nội, ngay ở những khoa chỉ đạo điểm về vệ sinh bàn tay, tỷ lệ nhân viên y tế không tuân thủ vệ sinh bàn tay trước khi thăm khám vẫn còn rất cao.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2009, các BV trên địa bàn đều tăng cường đầu tư các phương tiện hỗ trợ vệ sinh bàn tay như khăn lau tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh..., nhờ đó tỷ lệ nhân viên y tế tuân thủ rửa tay tại các khoa chỉ đạo điểm tăng trung bình từ 35% đến 55%. Song, với 45% nhân viên chưa tuân thủ vẫn là con số cao. Hơn nữa, ở các khoa không phải chỉ đạo điểm, tỷ lệ nhân viên y tế không tuân thủ rửa tay trước khi thăm khám bệnh cao hơn nhiều.

Trước thực trạng đó, ông Hiền cho biết, trong năm 2010 Sở Y tế sẽ tiếp tục duy trì hoạt động chỉ đạo điểm về vệ sinh bàn tay tại BV Đông Anh, Thanh Nhàn, Phụ sản, đồng thời triển khai mới tại BV Hà Đông, Đan Phượng. Từ đó nhằm hình thành thói quen vệ sinh bàn tay trước và sau khi chăm sóc người bệnh, góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắc phải trong BV. Hiện tại, qua giám sát, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV chung tại 34 BV trên địa bàn Hà Nội trong năm 2009 là 2,9%.

Để lại nhiều hậu quả

Bệnh nhân khi phải nằm viện vốn dĩ thể trạng đã yếu, sức đề kháng kém nên rất dễ bị mắc các bệnh lý khác do nhiễm khuẩn BV, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ em, người già, phụ nữ. Trên thực tế, ngay tại những BV tuyến Trung ương như BV Nhi Trung ương, Bạch Mai..., khá nhiều bệnh nhân sau khi vào nằm viện điều trị nội trú một thời gian đã bị mắc thêm một bệnh lý khác, phổ biến nhất là viêm phổi... do nhiễm vi khuẩn, nấm, virus kháng kháng sinh trong BV.

Điều tra tại BV Nhi Trung ương cho thấy, trong dịch khí quản của các bệnh nhi tại khoa Sơ sinh và Điều trị tích cực có 15 loại vi khuẩn khác nhau, 36% bình ô xy và bình hút là nguồn lây bệnh. Tại khoa Chấn thương sọ não, BV Thanh Nhàn-Hà Nội, mỗi năm có trên 5.000 ca nhập viện, 12% số này bị hôn mê sâu.

Do phải nằm điều trị thở máy trong thời gian dài, sức đề kháng của người bệnh vốn đã yếu nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn, 25-28% bệnh nhân sau phẫu thuật mắc thêm viêm phổi ứ đọng. Các khảo sát chỉ ra, viêm phổi mắc phải trong BV thường xảy ra sau 48 giờ bệnh nhân nhập viện. Trên 75% bệnh nhân mắc viêm phổi BV do đặt nội khí quản hay phẫu thuật ngực, bụng… và số người tử vong do biến chứng này cao gấp 2 lần những người không bị mắc viêm phổi.

Theo phân tích từ chính ngành y tế, có 5 hậu quả đối với bệnh nhân khi bị nhiễm khuẩn BV gồm: tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, tăng ngày điều trị, chi phí điều trị và tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật. Còn với nhân viên y tế, nguy cơ bị phơi nhiễm sau thương tổn do kim tiêm nhiễm khuẩn xuyên qua da từ một bệnh nhân nguồn dương tính là viêm gan C 10%, viêm gan B 22-40%, HIV 0,03%...

Ngoài ra, việc mắc thêm các bệnh khác trong quá trình điều trị do nhiễm khuẩn BV còn là nguyên nhân kéo dài thời gian nằm viện, gián tiếp làm tăng tình trạng quá tải BV vốn đã rất trầm trọng hiện nay.

Nguyễn Phan