Bước 'chuyển mình' của một Trung tâm cai nghiện bắt buộc
Báo Tiếng chuông - 06/03/2017
Từ một trung tâm cai nghiện bắt buộc, Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng đã dần “chuyển mình” thành một trung tâm mở, thu hút nhiều người tự nguyện đến cai nghiện.

Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Thành-Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng về quá trình chuyển đổi của Trung tâm và những kết quả đã đạt được.

 

Ông Dương Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng-Ảnh Nhật Thy

 

PV: Ông có thể giới thiệu đôi điều về Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng?

Ông Dương Đức Thành: Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng được thành lập năm 2001. Chức năng nhiệm vụ được giao ban đầu là cai nghiện, chữa bệnh cho người nghiện ma túy và người hoạt động mại dâm. Trong 12 năm đầu, số lượt người bị bắt buộc phải vào Trung tâm là 1.322, trong đó có 1.288 lượt người nghiện ma túy và 234 lượt người hoạt động mại dâm. Tháng 11/2015, Trung tâm được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án chuyển đổi tên gọi và điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, các nội dung chủ yếu được điều chỉnh bao gồm: Tên gọi được điều chỉnh từ Trung tâm 05-06 thành Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng, bổ sung chức năng nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý đối tượng xã hội (là người nghiện không nơi cư trú), tổ chức hoạt động tư vấn và điều trị tại cộng đồng, điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone; giảm chức năng chữa bệnh cho người hoạt động mại dâm và quản lý sau cai nghiện cho người có nguy cơ tái nghiện cao.

Cùng với việc điều chỉnh chức năng và tên gọi, Trung tâm thành lập 4 phòng chức năng phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới (Điều trị nội trú, Tư vấn và điều trị ngoại trú, Quản lý học viên, Tổ chức-Hành chính-Tổng hợp).

Với chức năng nhiệm vụ mới, Trung tâm tập trung xây dựng các chương trình truyền thông kết nối với cộng đồng, điều chỉnh hầu hết các quy chế, quy trình tư vấn và điều trị; cải tạo môi trường và phong cách làm việc, cải tạo cảnh quan thiên nhiên; nâng cấp Văn phòng tư vấn điều trị nghiện ma túy thành phố Đà Lạt (đã xây dựng năm 2014), đưa vào hoạt động 2 Văn phòng tư vấn tại 2 huyện trọng điểm về ma túy (huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà); đẩy mạnh các hoạt động đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đi đôi với tuyển dụng nhân sự có chất lượng cao.

Có thể nói, đến nay Trung tâm đã có nền tảng khá vững chắc để đảm bảo thực hiện ổn định nhiệm vụ chuyển đổi mô hình hoạt động. Cùng với uy tín về chất lượng chuyên môn mà Trung tâm đã tạo dựng được trong những năm qua, quá trình thực hiện chuyển đổi này đã góp phần hình thành thương hiệu của Trung tâm không chỉ trong tỉnh Lâm Đồng mà cả trong khu vực các tỉnh, thành phố lân cận.

PV: Ông có thể cho biết các cơ sở, căn cứ đặt nền móng cho sự chuyển đổi của Trung tâm?

Ông Dương Đức Thành: Thực ra, không phải đến lúc Nhà nước đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi thì Trung tâm mới thực hiện quy trình chuyển đổi. Thực trạng về một số người nghiện khá lớn được đưa ồ ạt vào các Trung tâm để bắt buộc phải cai nghiện luôn tạo ra những bức xúc từ nhiều phía, trong đó có đội ngũ nhưng người làm công tác cai nghiện chuyên nghiệp. Đó là thực trạng nơi chữa bệnh lại mang dáng dấp của một nơi giam giữ, người bệnh không được cảm giác được điều trị bệnh, cơ sở điều trị bệnh lại có đội ngũ bảo đảm an ninh chiếm tỉ lệ đa số, các phương pháp và kỹ năng công tác xã hội không được xem trọng. Từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm đã cố gắng tìm một lối đi khác biệt (nhưng vẫn nằm trong các quy định của pháp luật): Xem trọng yếu tố con người, tôn trọng và phát huy vai trò của cá nhân người nghiện; xây dựng giải pháp tác nghiệp dựa trên vấn đề và nhu cầu của người nghiện, xây dựng đội ngũ tự quản và thân nhân người nghiện thành lực lượng thứ hai tham gia vận hành các hoạt động chuyên môn, chủ động đề xuất và được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận thực hiện Quy chế tiếp nhận và cai nghiện cho người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện (từ năm 2001).

Cùng với sự hội nhập sâu rộng về mọi mặt của đất nước vào cộng đồng quốc tế, cùng với sự khẳng định mạnh mẽ của Hiến pháp 2012 về quyền con người và sự điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013, Trung tâm đặt ra nhiệm vụ trọng tâm: Phải tự điều chỉnh mình trên cơ sở những yêu cầu bức xúc của thực tế cuộc sống. Các cơ sở, căn cứ đặt nền móng cho sự chuyển đổi của Trung tâm chính là những yêu cầu bức xúc từ cuộc sống.

Thứ nhất, yêu cầu của Nhà nước và của cộng đồng: Hiến pháp 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác không còn xem người nghiện là tội phạm hay là tệ nạn xã hội. Người nghiện được bảo đảm các quyền về nhân thân, không bị bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện bằng một quyết định hành chính, được bảo vệ nếu chứng minh được mình không bị lệ thuộc bởi ma túy, sẽ không còn tình trạng người nghiện bị ồ ạt đưa vào các Trung tâm ngoài ý muốn của họ.

Thứ hai, nhu cầu của gia đình người nghiện. Thân nhân người nghiện luôn tồn tại những yêu cầu mâu thuẫn - vừa muốn Nhà nước đưa người thân của mình vào các Trung tâm để cai nghiện, vừa sợ người thân bị ngược đãi, bị lây nhiễm các loại bệnh, bị tiêm nhiễm thêm các thói xấu khi phải sống trong môi trường tập trung của một Trung tâm cai nghiện. Nói cách khác, họ vừa muốn được giúp đỡ, vừa chưa đủ lòng tin vào hiệu quả của một Trung tâm cai nghiện công lập.

Thứ ba, chính bản thân người nghiện có những nhu cầu rất chính đáng. Bên cạnh nhiều người nghiện cố tình sống trái pháp luật vẫn có một số người muốn nhưng không đủ sức để tự từ bỏ nghiện. Ngay cả nhiều người nghiện sống trái pháp luật vẫn có những khoảnh khắc ước ao mình không bị nghiện. Họ muốn thoát nghiện nhưng không muốn đến các cơ sở cai nghiện tập trung vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân rất thật là phải đối diện với sự tù túng, sự đe dọa thường nhật của các cơ sở cai nghiện này.

Thứ tư, các cơ sở cai nghiện thực chất là một cơ sở cung cấp dịch vụ và phải trở thành một cơ sở cung cấp dịch vụ như các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Khi nó không cung cấp được dịch vụ có chất lượng theo yêu cầu của khách hàng thì khách hàng không tìm đến. Tự thân cơ sở cai nghiện phải chuyển đổi, vì không chuyển đổi sẽ không có khách hàng, và sự tồn tại của nó là vô ích.

PV: Trong quá trình thực hiện, Trung tâm đã gặp những khó khăn, thuận lợi như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Đức Thành: Trung tâm cũng đã nhiều thuận lợi có khi thực hiện chuyển đổi mô hình. Đầu tiên phải kể đến điều kiện tự nhiên thuận lợi: Khí hậu ôn hòa, thiên nhiên trong lành, khuôn viên cảnh quan đẹp và thân thiện - phù hợp với yêu cầu về tự nhiên của một cơ sở điều trị bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trung tâm đã xây dựng được thương hiệu, được cả cấp trên, thân nhân và cộng đồng xã hội trong và ngoài tỉnh công nhận sự cần thiết và hiệu quả hoạt động. Cơ sở vật chất bước đầu được cải tạo, nguồn thu được duy trì, tạo thuận lợi cho hoạt động chuyên môn và thu nhập ổn định cho đội ngũ nhân sự

Bên cạnh đó, nền tảng pháp lý khá vững chắc tạo nền tảng thuận lợi cho hoạt động: Các luật và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh rất nhất quán trong quan điểm phải chuyển đổi mô hình hoạt động. Đội ngũ viên chức và người lao động ngày càng thạo việc, cơ bản đồng thuận về quan điểm và phương pháp làm việc. Có hệ thống quy chế ổn định, tạo mặt bằng chung thuận lợi cho công tác điều hành và vận hành bộ máy. Phương thức làm việc theo hướng chuyển từ quản lý cai trị sang phục vụ đã được nhen nhóm, hình thành từ lâu, đến khi thực hiện chuyển đổi mô hình thì các phương thức này càng được khẳng định trong đội ngũ viên chức.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những khó khăn do chủ trương chuyển đổi nhận thức và mô hình chỉ mới hình thành trong thời gian gần đây, cơ sở pháp lý hướng dẫn thực hiện chưa thật đầy đủ, các cơ sở cai nghiện còn gặp nhiều lúng túng trong triển khai cụ thể. Bên cạnh đó, áp lực từ số lượng người nghiện ngày càng nhiều, chủng loại ma túy ngày càng đa dạng, tác hại của chúng ngày càng cao, tất cả đã đặt ra yêu cầu đôi lúc mâu thuẫn: phải giải quyết cai nghiện cho số đôn, vừa phải áp dụng các quy trình công tác xã hội tiên tiến - thường yêu cầu tác động tiệm tiến, khó tổ chức cho tập thể đông người điều trị.

Cơ sở vật chất chậm được mở rộng, ngày càng không đáp ứng được nhu cầu của xã hội về tiếp nhận và điều trị cho số lượng người đông hơn, không đủ để tổ chức nhiều hoạt động đa dạng và có chất lượng như mong muốn.

Bộ máy nhân sự không nhiều, khó tổ chức và duy trì nhiều hoạt động đa dạng, nhất là viên chức y tế đạt yêu cầu đào tạo. Năng suất và chất lượng lao động của đội ngũ viên chức chưa đồng đều.

Một số mô hình hoạt động thiếu bền vững, thiếu độ ổn định cần thiết nên chưa khẳng định được tính hiệu quả. Nguồn thu sự nghiệp từ hoạt động dịch vụ chưa tương xứng, ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ đầu tư cải tạo cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ.

PV: Vậy những kết quả đã đạt được sau quá trình chuyển đổi là gì, thưa ông?

Ông Dương Đức Thành: Về hoạt động nội trú, ngoài hoạt động điều trị về y tế và thể chất, có thể điểm qua các kết quả chính mà Trung tâm đã được: Điều chỉnh, nâng cấp được các giải pháp điều chỉnh nhận thức và hành vi, hầu hết đều có sự tham gia chủ động của học viên, là năm đầu tiên thực hiện quy trình điều trị nghiện theo chuẩn khoa học công tác xã hội hiện đại như vận dụng kỹ năng công tác xã hội lồng ghép biện pháp pháp lý và y tế; áp dụng và nâng cao các giải pháp công tác xã hội nâng cao kỹ năng sống và kỹ năng tư duy tích cực (kỹ năng lập kế hoạch sau khi hòa nhập, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tìm kiếm việc làm, giới thiệu một số dịch vụ xã hội, kỹ năng từ chối, kỹ năng đối phó với cơn thèm ma túy, kỹ năng tìm việc làm).

Thực hiện nhiều liệu pháp mới trong quy trình như: Liệu pháp giáo dục tích cực: giáo dục theo mô hình tín chỉ (có 06 tín chỉ pháp luật, nhân cách lối sống, sức khỏe, các kỹ năng tự chủ bản thân), số học viên đạt tín chỉ chiếm tỷ lệ 95% (tăng so với cùng kỳ là 5%); Liệu pháp tư vấn (tư vấn cá nhân 1.742 lượt, tư vấn chuyên sâu 60 học viên, tư vấn nhóm 35 lượt); Liệu pháp sinh hoạt trị liệu (sống có trách nhiệm, rèn giũa tái tạo thói quen tốt, vệ sinh nội vụ nội vụ, cảnh quan ngày càng xanh, sạch đẹp); Liệu pháp lao động trị liệu (giúp học viên khôi phục ý thức và thói quen làm việc, liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng định kỳ chuyển gửi thông tin việc làm, tổ chức giới thiệu việc làm tại Trung tâm).

Thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, như cải thiện mạnh mẽ điều kiện ăn ở văn hóa ngăn nắp, đẩy mạnh nhiều hoạt động văn hóa - thể thao với sự tham gia thường xuyên của nhiều nguồn lực xã hội như các tổ chức tôn giáo, thanh niên địa phương, thanh niên khuyết tật, sinh viên các trường đại học địa phương và TP.HCM, Bình Định; duy trì và bổ sung nhiều đầu sáng cho thư viện, nâng tổng số lượng đầu sách Trung tâm lên 5.620 đầu sách, số lượt đầu sách HV mượn đọc trong năm là 5.620.

Nhờ điều chỉnh đồng bộ và nâng cấp các hoạt động cai nghiện, dù cơ sở vật chất của Trung tâm chỉ đủ sức tiếp nhận của Trung tâm 170 người, nhưng năm 2016 Trung tâm đã điều trị cho 299 người, trong đó có 266 người đến cai tự nguyện, chiếm tỉ lệ 89% tổng số người được cai nghiện tại Trung tâm, thời gian cai nghiện tự nguyện được đăng ký khá ổn định, người có thời gian cai ngắn nhất là 3 tháng, người có thời gian cai dài nhất là 36 tháng, đạt bình quân 9,2 tháng/lượt cai.

Trung tâm cũng tổ chức nhiều mô hình như truyền thông trực tiếp theo phương thức tương tác, có cung cấp tờ rơi cho đối tượng học sinh; tổ chức hội thi tìm hiểu về ma tuý (chủ đề "Thanh thiếu niên phòng ngừa ma tuý" vào tháng 9/2016) cho thanh niên các xã, thị trấn; truyền thông qua phương tiện trực quan: Sản xuất áp phích và panô có nội dung nâng cao nhận thức về ma tuý và vận động đi cai nghiện tự nguyện.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng có chương trình "Đồng hành cùng học viên sau cai nghiện". Hoạt động cụ thể bao gồm tổ chức vãng gia, tìm hiểu hoàn cảnh sống cụ thể của người nghiện đang cai, tư vấn cho gia đình về các phương thức quản lý, hỗ trợ người sau cai; thường xuyên tiếp cận người sau cai nghiện, động viên, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, mời gọi họ tham gia các công tác xã hội của địa phương nơi họ sinh sống, vận động các đoàn thể quan tâm chia sẻ và giúp họ khi cần, tác động đề nghị họ tiếp tục đi cai tự nguyện nếu họ tái nghiện, tiếp tục tư vấn bằng nhiều hình thức khác nhau để vượt qua các hoàn cảnh sống khó khăn. Trong năm 2016, đã tổ chức vãng gia 05 đợt, đưa vào chương trình 294 lượt học viên, hỗ trợ thường xuyên 12 học viên, thực hiện quản lý trường hợp 10 học viên.

Ngoài ra, Trung tâm ngày càng tăng cường các hình thức cộng đồng trách nhiệm với nhiều thành phần xã hội khác nhau, lôi kéo các nguồn lực sẵn có vào hoạt động chung của Trung tâm, tranh thủ sự ủng hộ về mọi mặt đối với hoạt động điều trị tập trung cũng như các chương trình ngoại trú.Trong năm đã tạo được 18 đầu mối liên kết, chủ yếu trên các lĩnh vực y tế, dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục, các cơ sở văn hóa, các doanh nghiệp, các tôn giáo.

PV: Ông có thể cho biết, Trung tâm sẽ làm gì để công tác cai nghiện đạt kết quả tốt hơn nữa?

Ông Dương Đức Thành: Năm 2017, Trung tâm tiếp tục đặt trọng tâm vào chương trình đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng chuyển đổi mô hình hoạt động với mục tiêu cung cấp nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu cai nghiện cho người nghiện và tạo được sự hài lòng của cộng đồng. Các chương trình công tác chính bao gồm:

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, tiếp tục đưa viên chức tham gia các hoạt động đào tạo; xây dựng văn hóa tổ chức giai đoạn 2017 - 2020, lấy văn hóa tổ chức làm nền tảng cho mọi quy tắc ứng xử giữa viên chức và học viên, thân nhân học viên trong quá trình cai nghiện, rèn luyện.

Vận dụng triệt để các giải pháp công tác xã hội khoa học vào nghiệp vụ cụ thể tại Trung tâm, nhất là giải pháp quản lý trường hợp, kỹ năng tư vấn, kỹ năng đồng hành, kỹ năng tạo sự tương tác - cộng tác trong quá trình rèn luyện. Các giải pháp này không chỉ áp dụng cho học viên, mà bao gồm cả thân nhân và chuyên viên chuyên trách trên cộng đồng.

Tiếp tục mở rộng các hoạt động ngoại trú, nhất là chương trình "Đồng hành với học viên sau cai", chủ động tham gia mạng xã hội, tạo sự liên kết và tương tác với mọi thành phần trong xã hội - kể cả người đang nghiện và người nghiện sau cai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!