Việc đào tạo nghề chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, chưa gắn với sản xuất và thị trường lao động. Quy mô đào tạo còn nhỏ bé, thiết bị lạc hậu, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy còn chậm đổi mới.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng trong mục tiêu và phương hướng tổng quát 5 năm (2006-2010) nhấn mạnh: "Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh hơn, có chất lượng cao hơn, bền vững hơn và gắn kết với phát triển con người. Ðến năm 2010, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp 2,1 lần so với năm 2000; mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,8 - 8%/năm và phấn đấu đạt trên 8%/năm". Ðây là một chỉ tiêu phù hợp thực tế của đất nước, trong bối cảnh chúng ta đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HÐH. Song, để đạt được điều này, theo chúng tôi, một trong những vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định dẫn đến thành công là phải phát huy, khai thác được mọi tiềm năng, nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, trong đó công tác hướng nghiệp, dạy nghề, truyền nghề phải được coi trọng đúng mức, nhằm góp phần tích cực tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, công tác hướng nghiệp, dạy nghề được Ðảng quan tâm, chú trọng, vì thế có nhiều chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Các mạng lưới trường dạy nghề đã từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của các vùng, miền. Quy mô tuyển sinh hệ trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tăng gấp đôi so với mức tăng quy mô tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo được nâng lên rõ rệt, đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động của các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống đào tạo nghề nước ta vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, nhất là về pháp luật và chính sách đào tạo, phát triển nghề. Việc đào tạo nghề chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, chưa gắn với sản xuất và thị trường lao động. Quy mô đào tạo còn nhỏ bé, thiết bị lạc hậu, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy còn chậm đổi mới. Ðội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu về năng lực chuyên môn. Mặt khác, kinh phí cho đào tạo nghề còn eo hẹp, vai trò của đào tạo nghề trong hệ thống giáo dục, trong phát triển kinh tế chưa được nhận thức một cách đầy đủ... Chính vì thế, thời gian qua chúng ta đã gặp không ít khó khăn vì mất cân đối trong cơ cấu lao động, làm cho tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển đất nước. Ðây là điều đang rất cần được Ðảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giải quyết.
Có thể nói bản Dự thảo Báo cáo Chính trị đã đề ra định hướng chiến lược về công tác hướng nghiệp, dạy nghề. Thế nhưng, trước những bất cập nêu trên của công tác hướng nghiệp, dạy nghề thời gian qua, chúng tôi mạnh dạn góp thêm một ý kiến bổ sung trong phần VII của bản Dự thảo là: "Phát triển, đổi mới hệ thống hướng nghiệp, dạy nghề và truyền nghề" để thể hiện rõ hơn chủ trương nhất quán của Ðảng ta về công tác hướng nghiệp, dạy nghề và truyền nghề trong giai đoạn tới.
MINH TƯ (Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây)
------------------------------------
Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng nêu rõ: "Ðẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, trên cơ sở lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất và là nguyên tắc chủ đạo".
Ở đây, Ðảng đã khẳng định rõ quan điểm, nguyên tắc và giải pháp để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế là một xu thế tất yếu hiện nay. Chúng ta đang đẩy mạnh CNH, HÐH nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển thì không thể đứng ngoài quá trình đó. Ðẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế là để thu hút, khai thác nguồn lực bên ngoài và tiếp thụ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước nhanh hơn và bền vững. Ðảng, Nhà nước ta đã sớm ban hành Luật Ðầu tư nước ngoài ngay sau khởi xướng sự nghiệp đổi mới, năm 1987; cùng với Nghị quyết 09 của Chính phủ về tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2001 - 2005, vốn đầu tư nước ngoài và dự án đã được cấp phép liên tục tăng qua các năm. Ðầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung tại các vùng trọng điểm, có lợi thế, tạo ra những ngành nghề và sản phẩm mới có trình độ khoa học công nghệ cao, làm cho các vùng này thật sự là vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế không phải chỉ có một chiều thuận lợi mà còn bao gồm cả những tác động bất lợi, bởi nước ta đang trong quá trình phát triển, nền kinh tế còn yếu, sức cạnh tranh kém. Vì vậy để "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn", chúng ta phải luôn luôn giữ vững nguyên tắc "lấy lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất", không chỉ vì nhìn thấy lợi ích trước mắt hoặc nóng vội muốn hội nhập nhanh, mà xem nhẹ nguyên tắc này, dẫn đến những bất lợi và hậu quả khó lường.
Chúng ta chỉ có thể hội nhập vững chắc và giành thắng lợi khi phát huy được vai trò lãnh đạo của Ðảng và sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn dân. Theo chúng tôi, Ðảng và Nhà nước cần lãnh đạo, chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp chiến lược phát triển đất nước đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Cần tiếp tục mở rộng mạnh mẽ hợp tác quốc tế song phương, đa phương và khu vực, trong đó chú trọng một số nước lớn. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước ASEAN và các nước châu Á - Thái Bình Dương. Phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nền hành chính quốc gia phù hợp chuẩn mực quốc tế để phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Nên lựa chọn những cán bộ am hiểu luật pháp, thông lệ buôn bán quốc tế thành lập bộ phận xử lý những vấn đề nảy sinh, hạn chế tối đa rủi ro khi nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Chủ trương, đường lối đã rõ, những vấn đề có tính quyết định hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế là ở nội lực của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, mà điều quyết định là chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Ðây là thách thức lớn đối với chúng ta. Vì vậy, theo chúng tôi, phải thúc đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp Nhà nước để phát huy vai trò chủ đạo và tính năng động của các doanh nghiệp này, nâng cao sức cạnh tranh. Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ðảng cũng nêu rất cụ thể: "Từng doanh nghiệp khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí đầu vào".
Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức, đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.
VŨ XUÂN CƯỜNG (Lào Cai)
|