Cả nước chia vui với Tây Nguyên
Các Website khác - 17/03/2006
Cuối tháng 3-2006, tại thành phố Plây Cu (Gia Lai) sẽ diễn ra Ðại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gửi thư cho Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam. Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trả lời phỏng vấn về các nội dung và hoạt động chủ yếu của đại hội.
PV: Thưa ông, nhân kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam tổ chức tại Plây Cu (Gia Lai), Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích của Ðại hội?

Ông Phạm Thế Duyệt (ÐC PTD): Ðã 60 năm kể từ ngày Bác Hồ gửi thư cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền nam nhân Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam họp tại Plây Cu ngày 19-4-1946. Cùng cả nước, đồng bào Tây Nguyên đã anh dũng chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử. Tiếp theo đó, nhân dân Tây Nguyên Anh hùng lại cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, mở đầu bằng cuộc tiến công đại thắng trên địa bàn Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30-4-1975, hoàn toàn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên CNXH.

Suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, cả Tây Nguyên hùng vĩ: Kon Tum, Gia Lai, Ðác Lắc, Lâm Ðồng, Ðác Nông, nơi nào cũng có những chiến công vang dội, thôn buôn nào, dân tộc thiểu số nào cũng có những người con yêu nước, những anh hùng chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những tấm gương sáng của các Cụ: Y-bi A-lê-ô, I Ngông Niêk Ðăm, dân tộc Ê Ðê; Nay-Ðia'h dân tộc Gia Rai; Ðinh Núp dân tộc Ba Na... mãi mãi là niềm tự hào của các dân tộc Tây Nguyên và của đồng bào cả nước. Rất nhiều già làng, nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có những đóng góp rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng Tây Nguyên và cả nước; đã góp phần trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, các dân tộc Việt Nam.

Hơn ba mươi năm sau giải phóng đất nước, nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đến nay Tây Nguyên đã hoàn toàn đổi mới, cơ sở hạ tầng: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, điểm bưu điện - văn hóa xã... được xây dựng đồng bộ. Tây Nguyên hoang vu sau chiến tranh chống Mỹ đã trở thành các vùng cây công nghiệp lớn như: cao-su, cà-phê, chè, tiêu, điều... có giá trị xuất khẩu cao và nổi tiếng trên thế giới.

Nhờ các chính sách đổi mới, cho nên đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được cải thiện nhanh chóng; không còn cảnh đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; bệnh sốt rét, bướu cổ được giải quyết triệt để; con em đồng bào dân tộc thiểu số đều được đến trường; cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cả Tây Nguyên đã và đang thực hiện có kết quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo". Ngày 18 - 11 hằng năm đã trở thành ngày Hội Ðại đoàn kết các dân tộc ở từng buôn, làng Tây Nguyên.

Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên lần này sẽ là dịp để biểu dương tinh thần yêu nước, đoàn kết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt 60 năm qua đã một lòng một dạ đi theo Ðảng và quyết tâm thực hiện Thư của Bác Hồ gửi đồng bào các dân tộc thiểu số miền nam nhân Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam họp tại Plây Cu ngày 19-4-1946. Ðại hội cũng là dịp để khẳng định đường lối, chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta về thực hiện chính sách: đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển của các dân tộc anh em sống trên Tây Nguyên và đất nước Việt Nam. Ðại hội cũng sẽ được nghe những lời tâm huyết đóng góp với Ðảng, Nhà nước, Mặt trận của đại biểu các dân tộc Tây Nguyên về dự Ðại hội. Ðây cũng là dịp vạch rõ âm mưu thâm độc xuyên tạc các chính sách dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và chia rẽ người Kinh, người Thượng; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch.

Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên thắng lợi sẽ đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên quyết tâm phấn đấu xây dựng Tây Nguyên cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ðại hội thành công sẽ là hành động thiết thực của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chào mừng và thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng Cộng sản Việt Nam sắp khai mạc.

* Xin ông cho biết các hoạt động và nội dung chủ yếu của đại hội?

- Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.U Ðảng, mấy tháng nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp của Tây Nguyên đã tổ chức ngày Hội Ðại đoàn kết các dân tộc rất sôi nổi ở tất cả các buôn, làng để kỷ niệm 75 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và 60 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền nam; nơi nào cũng ôn lại Thư của Bác, nhà nào cũng đặt Thư của Bác nơi trang trọng nhất để ông bà, cha mẹ, con cháu trong gia đình tìm hiểu nội dung Thư của Bác Hồ gửi các dân tộc thiểu số miền nam. Tại ngày hội lớn này, từng buôn, làng đã cử những đại biểu tiêu biểu nhất, ưu tú nhất của mình đi dự Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc của tỉnh và Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên còn có nhiều đại biểu đại diện cho các tôn giáo, các thành phần xã hội tham dự để nói lên những tình cảm tốt đẹp nhất, sâu sắc nhất của Tây Nguyên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Ðây cũng là dịp để Tây Nguyên ôn lại những truyền thống cách mạng vẻ vang và những gương sáng yêu nước nồng nàn của những người con tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên sẽ được nghe những lời chí huấn tâm huyết nhất, sâu sắc nhất, mong mỏi nhất của Ðảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Ðại hội sẽ có Quyết tâm Thư gửi lên Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thể hiện sự quyết tâm xây dựng Tây Nguyên sớm giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, an ninh - quốc phòng. Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết chặt chẽ hơn, phấn đấu kiên cường hơn để mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân của Tây Nguyên.

Nội dung Ðại hội còn bao gồm lễ khánh thành dựng bia khắc ghi Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các dân tộc thiểu số miền nam ngày 19-4-1946, Lễ hội mừng Ðại hội thắng lợi với đêm biểu diễn văn nghệ và cồng chiêng rất độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Những nội dung lớn trong phần khai mạc Ðại hội và Lễ mừng công sẽ được truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước cùng chia vui với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

* Theo Chủ tịch, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận cần quan tâm những gì để đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên phát huy sức mạnh đại đoàn kết xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu mạnh?

- 60 năm thực hiện Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các dân tộc thiểu số miền nam, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã từng bước làm cho Tây Nguyên phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... Song dù sao thì Tây Nguyên vẫn còn nghèo, dân trí chưa cao so với mặt bằng chung của cả nước; các thế lực thù địch lại luôn nhòm ngó Tây Nguyên, lợi dụng cái gọi là "tôn giáo, dân tộc, nhân quyền" để kích động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc của Tây Nguyên nhằm phá hoại cuộc sống yên bình và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Trước tình hình ấy, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cần làm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên quán triệt sâu sắc Thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số miền nam và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát huy cao truyền thống yêu nước, đoàn kết; thực hiện thắng lợi các nghị quyết của T.Ư Ðảng và Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, làm cho Tây Nguyên sớm thoát khỏi nghèo nàn, chậm phát triển so với các vùng miền trong cả nước.

Trước mắt, cần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4% mỗi năm để đến năm 2010 - 2015 cơ bản giải quyết xong các hộ nghèo cả về đời sống, việc làm và nhà ở. Thực hiện tốt hơn nữa chính sách Ðoàn kết, bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển của các dân tộc Tây Nguyên; vạch trần âm mưu chia rẽ người Kinh - người Thượng; lợi dụng cái gọi là "Tin lành Ðề ga", "Nhà nước Ðề ga", dụ dỗ thanh niên dân tộc thiểu số trốn đi nước ngoài để phá hoại cuộc sống bình yên và khối đại đoàn kết toàn dân của các dân tộc Tây Nguyên, làm cho Tây Nguyên ổn định và phát triển bền vững.

Cần quan tâm hơn nữa việc chăm lo nâng cao trình độ học vấn, coi trọng học tiếng nói chữ viết của các dân tộc, bồi dưỡng thanh thiếu niên người dân tộc về mọi mặt ngay từ nhà trường phổ thông, trường đào tạo con em dân tộc thiểu số để sớm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Các Chương trình 135, 134 và kế hoạch xây dựng đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các công trình công nghiệp ở Tây Nguyên cần thực hiện tốt để năm 2020 Tây Nguyên cùng cả nước thực hiện thành công công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Ðó là cơ sở quan trọng để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững và ổn định.

Mặt trận các cấp cần tiếp tục làm cho cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" ở từng buôn, làng, từng xứ họ của đồng bào các tôn giáo; ai nấy đều thi đua xây dựng tốt gia đình văn hóa; thôn, buôn văn hóa; khu dân cư văn hóa..., góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên và cả nước.

Tôi tin tưởng sau Ðại hội Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên lần này, các dân tộc Tây Nguyên sẽ có bước phát triển mới, toàn diện. Tây Nguyên mãi mãi xứng đáng với sự chăm lo, tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng sắp tới chắc chắn sẽ được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vui mừng đón nhận và thực hiện thắng lợi.

* Xin cảm ơn ông.

LÊ HOÀNG thực hiện