Thủy điện Tuyên Quang có ba tổ máy, công suất 342 MW, điện lượng trung bình xấp xỉ 1,3 tỷ kW/h; dung tích lòng hồ 2,2 tỷ m3, bổ sung nước cho vùng hạ du vào mùa hạ; phòng lũ cho đồng bằng sông Hồng từ 1 đến 1,5 tỷ m3 nước. Tháng 12-2002, Thủy điện Tuyên Quang được khởi công xây dựng.
Ông Chẩu Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiến độ xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, bốn năm qua (từ năm 2002 đến đầu năm 2006), tỉnh đã tổ chức di chuyển hơn bốn nghìn hộ, với 20 nghìn nhân khẩu đến các khu TÐC. Ðây là cuộc di chuyển dân lớn nhất, được giải quyết ngay trên địa bàn tỉnh, công việc quá lớn, cán bộ chuyên trách lại ít và chưa có kinh nghiệm. Cái khó nhất là vừa xây dựng cơ chế chính sách đền bù vừa khảo sát, bố trí các điểm TÐC cho phù hợp tập quán, trình độ sản xuất của từng dân tộc. Với sự nỗ lực cao của các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị tham gia công tác TÐC, nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Cái được lớn nhất là di chuyển số lượng dân lớn, nhưng không có khiếu kiện vượt cấp, không để xảy ra những điểm "nóng" làm ảnh hưởng sự ổn định về chính trị - xã hội. Nhân dân đến chỗ ở mới đều có đủ đất sản xuất, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng thuận tiện, cho nên đều tự nguyện di dời. Cuộc sống của nhân dân TÐC cơ bản ổn định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vì chưa tạo được những vùng sản xuất tập trung, để có lượng hàng hóa dồi dào, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Một số mục tiêu của dự án chưa được thực hiện đồng bộ như trường học, nhà văn hóa, chợ..., đất lâm nghiệp còn thiếu.
Tính đến ngày 10-2-2006, tổng số hộ đã di chuyển đến khu TÐC mới là 3.116 hộ, 15.286 nhân khẩu, bao gồm vùng lòng hồ 2.844 hộ, 14.209 nhân khẩu; mặt bằng công trình chính 151 hộ, 576 nhân khẩu; mặt bằng công trình phụ trợ 121 hộ, 501 nhân khẩu. Tại các huyện đón dân đều đã hoàn thiện các điều kiện thiết yếu về mặt bằng đất ở, đường vào, đường nội bộ khu TÐC, điện, nước sinh hoạt và đã bố trí được 3.052 hộ, 15.028 nhân khẩu vào ở 30 khu TÐC, 103 điểm TÐC.
|
Ngoài việc chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng để đón dân, UBND các huyện còn tổ chức vận động nhân dân di chuyển đến nơi TÐC bảo đảm đúng kế hoạch; thông báo cho dân biết mức nước ngập trong mùa mưa lũ năm 2006 sau khi hồ tích nước. Ðồng thời, các huyện cũng tổ chức thanh toán dứt điểm tiền bồi thường. Mỗi hộ TÐC được đền bù bình quân 105 triệu đồng. Với số tiền tương đối lớn mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng đến từng địa phương, nhận giữ hộ, giúp người dân quản lý, sử dụng tiền bồi thường có hiệu quả.
Ông Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư Thủy điện Tuyên Quang, giới thiệu: "Nhân dân vùng lòng hồ đến nơi TÐC đều được giao đủ đất theo quy định của Chính phủ, ít nhất 200 - 400 m2 đất ở/hộ; 400 m2/nhân khẩu cho ruộng hai lúa và 600 m2/nhân khẩu cho ruộng một lúa và tỉnh cũng đang xúc tiến xây dựng phương án khảo sát đất màu để tiếp tục giao cho dân khai thác, phục vụ sản xuất. Ngoài số tiền đền bù nhà cửa, đất sản xuất, các hộ TÐC còn được tỉnh hỗ trợ năm khoản như: trồng trọt, điện, chăn nuôi, y tế và giáo dục, để đồng bào mau chóng ổn định cuộc sống".
Cùng với việc lo chỗ ăn, ở cho người dân đến TÐC, UBND các huyện có điểm TÐC còn chú trọng vấn đề tổ chức hành chính, bảo đảm cho nhân dân có đủ điều kiện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Cứ 50 hộ đến TÐC trở lên cho hình thành một xóm mới, có đầy đủ tổ chức chính trị - xã hội; 50 hộ trở xuống thì ghép xen kẽ vào các thôn, bản sở tại, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới. Vấn đề giải quyết di chuyển mồ mả của nhân dân ở vùng lòng hồ là hết sức phức tạp, nhạy cảm, vì nó gắn liền với phong tục, tâm linh của từng dân tộc thiểu số. Tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch nơi để mồ mả trên cốt nước 120, tại khu vực xây dựng Nhà máy thủy điện, tạo điều kiện cho người dân không phải di dời mồ mả đến nơi TÐC, phù hợp tập quán của tuyệt đại đa số đồng bào dân tộc.
Tại nơi tiếp nhận người dân đến TÐC, chính quyền địa phương huy động các đoàn thể chính trị, xã hội, lực lượng quân đội, giúp nhân dân di chuyển nhà cửa. Ông Phạm Ngọc Cường kể, có những nơi, đồng bào làm nhà ở lưng chừng núi, không thể sử dụng các phương tiện cơ giới để chuyển nhà cửa, đồ đạc. Huyện đã huy động các lực lượng giúp tháo dỡ, vận chuyển ra đường lớn rồi dùng xe cơ giới chuyển về nơi TÐC. Những ngày đầu đến nơi ở mới, cuộc sống còn khó khăn, các gia đình TÐC đã được người sở tại hỗ trợ dựng nhà cửa, đùm bọc nhau trong tình "tương thân, tương ái", để họ thật sự hòa nhập ở quê hương mới.
Cuộc sống mới ở khu TÐC
Xã Tân Mỹ là một trong những xã đón nhiều dân tái định cư của huyện Chiêm Hóa. Mặc dù bố trí dân TÐC xen ghép với dân sở tại hay thành lập thôn mới thì tất cả các điểm TÐC đều được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn thiện, như kéo điện, đường giao thông được mở rộng và trải cấp phối. Các hộ dân được bố trí đủ đất ở, với bình quân 400 m2 và mỗi khẩu hơn một sào đất lúa hai vụ, đất soi bãi và đất rừng đang quy hoạch, rà soát để cấp thêm.
Ông Lý Hữu Quý, ở thôn Bản Tụ cho biết, gia đình trước ở thôn Khuổi Kè, xã Xuân Tiến (Na Hang). Trước khi di chuyển, ông đã được Ban Di dân mời đến xem trước và nhận đất. Ông cho biết thêm, Bản Tụ có nhiều nét giống với Khuổi Kè, nhất là tập quán sản xuất. Tuy vậy, khi về nơi ở mới, lòng ông vẫn còn bâng khuâng nhớ về nơi "chôn nhau, cắt rốn" của mình. Khi chuyển đến đây, ông được chính quyền và nhất là bà con trong thôn tận tình giúp đỡ, từ việc dựng lại nhà cửa, đến các điều kiện sinh hoạt khác, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình mau chóng ổn định. Sản xuất vụ đầu được cấp giống và phân bón, bà con lối xóm lại góp công cày bừa và hướng dẫn kỹ thuật, cho nên 2.000 m2 ruộng của gia đình ông cấy đúng thời vụ, được chăm sóc tốt, cho thu hoạch gần hai tấn lúa. Khu vườn của gia đình ông được bố trí một cách hợp lý, có khu trồng rau, chăn nuôi, khu vệ sinh sạch sẽ.
Ở bản Nà Giàng cùng xã, chúng tôi gặp bà Phùng Thị Cói, đang bế đứa chắt được sinh ra trên quê mới. Gia đình bà cũng từ Khuổi Kè, Xuân Tiến về đây. Căn nhà gỗ ba gian chuyển về từ nơi ở cũ được sửa lại, nền láng xi-măng, trong nhà đã có nhiều tiện nghi đắt tiền. Ðược biết vụ đông xuân năm nay, gia đình bà là một trong những gia đình hoàn thành cấy sớm nhất thôn, đến nay, lúa đã được làm cỏ đợt một. Gặp chúng tôi, bà Cói rất vui: "Già này chỉ có một nguyện vọng là khi Nhà máy thủy điện đi vào hoạt động được về xem".
Chúng tôi đi thăm nhiều khu TÐC của tỉnh Tuyên Quang, được nghe nhiều ý kiến, khen thì nhiều, chưa hài lòng cũng có. Chúng tôi ở Hà Nội, đã qua hai, ba lần chuyển chỗ ở, phải chịu đựng cảnh bề bộn ban đầu, cho nên hiểu được việc di dời hơn bốn nghìn hộ thì khó tránh khỏi những khiếm khuyết. Phần lớn các gia đình TÐC đã sớm ổn định cuộc sống trên quê mới đó là thành công lớn của tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh những thành công bước đầu, còn không ít việc phải làm để cuộc sống của nhân dân TÐC ngày càng tốt hơn.
Rời Na Hang, nơi có thủy điện Tuyên Quang đang ngày đêm hối hả cho ngày chặn dòng sông Gâm. Chia tay các khu TÐC, nơi cuộc sống mới đang "đâm chồi, nảy lộc", chúng tôi hình dung, công việc sắp tới của tỉnh Tuyên Quang còn bộn bề, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
|