Quỹ xã hội đầu tiên của một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Các Website khác - 16/03/2006
Ông S.Ting đang giới thiệu
dự án đô thị hướng ra biển Đông
với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Sáng 15-3, tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ hỗ trợ cộng đồng mang tên Lawrence S. Ting, vị Chủ tịch HĐQT đã quá cố của các công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, liên doanh Tân Thuận..., đã ra mắt, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của ông. Đây là quỹ xã hội đầu tiên của một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tên tuổi của Lawrence S.Ting (1939-2004) gắn liền với những thành tựu của khu chế xuất Tân Thuận, nhà máy điện Hiệp Phước, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ông là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên hưởng ứng chính sách mở cửa của Việt Nam một cách rất tích cực và đây tâm huyết.

15 năm qua, kể từ khi đến Việt Nam cho đến phút cuối cùng của đời mình, ông luôn coi Việt Nam là "quê hương thứ hai"; và ông đã sống với Việt Nam đúng với tâm niệm đó. Như nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Trần Chí đánh giá: "Ông S.Ting không chỉ là nhà đầu tư thuần túy đi tìm lợi nhuận mà còn góp phần xây dựng thành phố, góp phần làm nên chủ trương, chính sách đổi mới mang tính sáng tạo. Ông S.Ting đầu tư không chỉ bằng đồng vốn mà cả bằng sức lực, đầu óc trí tuệ và bản lĩnh sáng tạo đối với Việt Nam, ít nhất là trên khu vực này".

Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
15 năm trước khi khu vực Nhà Bè nay là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng) vẫn còn là vùng đất ngập mặn nghèo khó, trình độ phát triển lạc hậu so với các quận nội thành rất nhiều, nhưng với tầm nhìn của một nhà đầu tư lớn, ông S.Ting đã nhìn ra tiềm năng to lớn của vùng đất này và quyết định đầu tư vào đây. Ngày nay, đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nét hiện đại của một đô thị mới, hiện đại bậc nhất đất nước đã hiện ra. Thành phố đã mở một hướng lớn, ra biển Đông qua khu đô thị này cùng với các dự án khác mà ông S.Ting đã đầu tư vào mặt tiền phía đông thành phố như Điện Hiệp Phước, khu chế xuất Tân Thuận.

Tại buổi lễ ra mắt, Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting đã trao đợt học bổng đầu tiên cho 140 học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị 850 triệu đồng;

Trao tặng Trường Trung học phổ thông Bắc Cạn 10 bộ máy tính cá nhân, một máy Projector và một máy tính xách tay;

Trao tài trợ cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Cạn 10 căn nhà tình nghĩa có tổng giá trị 100 triệu đồng.

Ông là một nhà đầu tư có tầm nhìn xa trông rộng, đầy kiên nhẫn của người đi tiên phong khai phá. Phẩm chất đó đã giúp ông tạo dựng được sự nghiệp ở đất nước Việt Nam. Nhưng ông cũng còn một tấm lòng đối với Việt Nam, khi ông từng nói với người con trai thứ - ông Arthur Ting, lý do ông quyết định đầu tư vào Việt Nam rằng: "Chúng ta đến đây để thực hiện những công việc mà những người bình thường khác không muốn làm. Chúng ta đến để hỏi họ cần gì và chúng ta có thể làm được gì cho họ". Ngay từ khi các dự án đi vào hoạt động khoảng ba năm, ông đã suy tính đến việc thành lập quỹ từ thiện mang tên Tân - Phú (Tân Thuận - Phú Mỹ Hưng) để hỗ trợ cho giáo dục và hạ tầng. Và cho đến giờ phút cuối cùng, trong chúc thư, ông ghi rõ: Dành 10 ha đất để xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, xây dựng Quỹ từ thiện Lawrence S. Ting và đóng góp cho công tác xã hội ở Việt Nam.

Thực hiện di nguyện đó, Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting được thành lập mà tiền thân là Quỹ Tân Phú, do phu nhân của ông - bà Ting Fei Tsong Ching, làm Chủ tịch Hội đồng bảo trợ, với mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ lĩnh vực giáo dục ở những vùng còn khó khăn; đặc biệt là trao học bổng cho những học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; với số vốn ban đầu 100.000 USD. Đây là toàn bộ số tiền phúng viếng (ông và tiền đóng góp của gia đình). Tin từ Phú Mỹ Hưng cho biết, tổng vốn của Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence trong thời gian xúc tiến thành lập đã lên đến 300.000 USD và 50 triệu đồng.

Theo Tin tức