Cả nước tưng bừng đón Xuân Bính Tuất
Các Website khác - 30/01/2006
Xin chữ đầu Xuân tại Văn Miếu
Quốc Tử Giám ngày mồng 2 Tết.
Người dân trong cả nước vừa tưng bừng đón chào Xuân Bính Tuất. Chúng tôi xin chuyển đến bạn đọc không khí đón Tết ở nhiều nơi trên cả nước.
Hà Nội đón Xuân yên bình và nhộn nhịp

Hà Nội đón Xuân Bính Tuất trong không khí yên bình, nhộn nhịp và náo nức. Nắng ấm làm bừng lên cảnh sắc và những gương mặt rạng rỡ du xuân. Không khí đón xuân ở Hà Nội vốn nhộn nhịp từ trước Tết, cao điểm là đêm giao thừa.

Như đã thành lệ, vào thời khắc linh thiêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, dòng người từ các ngả đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm và các điểm bắn pháo hoa. Năm nay, thành phố tổ chức bắn pháo hoa tại tám điểm hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Lý Tự Trọng, hồ Ngọc Khánh, Công viên Thống Nhất, hồ Thạch Bàn, khu vực Ðền Lừ, sân vận động quốc gia Mỹ Ðình, sân vận động Ðông Anh. Hoạt động văn hóa nghệ thuật bắt đầu từ những ngày giáp Tết. Xuân này, người dân huyện Gia Lâm có thêm "món ăn" tinh thần là báo Xuân, báo Tết của hơn 80 cơ quan báo, tạp chí của trung ương, Hà Nội và các tỉnh bạn.

Trong đêm giao thừa và các tối mồng 1, mồng 2 Tết Bính Tuất, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có 20 buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại các sân khấu ở Quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục, Công viên Lê-nin, sân vận động quốc gia Mỹ Ðình, trung tâm thị trấn Văn Ðiển, các sân khấu trung tâm các quận, huyện và 50 buổi biểu diễn tại các xã ngoại thành, tạo không gian Tết mới mẻ cho thủ đô. Ðêm giao thừa, thời tiết như chiều lòng người, chỉ vừa se lạnh, dòng người đổ về trung tâm thành phố càng đông.

Lãnh đạo thành phố và khá đông người dân thủ đô dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ anh minh, người khai sáng kinh thành Thăng Long. Các chương trình ca nhạc hoành tráng, đậm nét văn hóa dân tộc được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn kéo dài đến những phút đầu tiên ngày mồng 1 Tết.

Nhiều thanh niên tình nguyện ở thủ đô đón xuân bằng phong trào "Giao thừa sạch", với những băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền ý thức giữ vệ sinh môi trường tại các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng. Trở về nhà sau phút giao thừa, trên tay mỗi người, nhành lộc xuân là những cây mía, cành hoa hồng đỏ thắm, dăm quả khế ngọt ngào hay những bức thư pháp viết bằng chữ Hán - Nôm, gửi gắm niềm mong ước trong năm Bính Tuất.

Ðể mọi nhà, mọi người đều có Tết, thành phố chỉ đạo các ngành, đoàn thể, quận, huyện chăm lo đến các gia đình chính sách, các hộ nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 14 quận, huyện và các xã, phường tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi và học sinh nghèo vượt khó... với số tiền hơn hai tỷ đồng. Các đoàn thể tích cực ủng hộ quà Tết cho các hộ nghèo với số tiền hơn 300 triệu đồng. Trước và trong Tết, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các ban, ngành, đoàn thể, từng quận, huyện, xã, phường, thị trấn đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, các nhân sĩ, trí thức, cán bộ, công nhân các đơn vị trực Tết.

Mấy năm gần đây, nhiều người Hà Nội thích đón mừng năm mới ở những nơi công cộng, các tụ điểm văn hóa. Tết này, Thành cổ Hà Nội mở cửa đón khách tham quan bằng triển lãm 53 bức tranh sơn dầu của nhóm họa sĩ Công ty Mỹ thuật Hữu nghị - Hà Nội, hầu hết là tranh chép phục dựng về Thăng Long từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 đã được đăng trong các sách của các nhà xuất bản ở Pháp, Anh, Thụy Ðiển, Bỉ, Ðức, Trung Quốc... Những ngày đầu xuân, hàng chục nghìn lượt người, có rất nhiều bạn trẻ, chọn nơi đây là "điểm đến", để hiểu lịch sử và thêm tự hào về Thăng Long - Hà Nội.

Triển lãm tranh ảnh với chủ đề "Mừng đất nước - mừng Ðảng - mừng thủ đô đổi mới" tại Nhà thông tin triển lãm số 45 phố Tràng Tiền, triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Mùa xuân" tại số 93 phố Ðinh Tiên Hoàng cũng thu hút khá đông khách tham quan. Một số tua, tuyến du lịch đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai tăng lượng khách bởi đã có nhiều người muốn đón Tết ở những điểm du lịch hấp dẫn và lý thú.

Những năm gần đây, việc mua sắm Tết đối với người Hà Nội thật nhẹ nhàng. Mọi người không quá lo việc "ăn" Tết, cái sự "chơi" Tết ngày càng đậm hơn, hài hòa cân đối với chuyện lo "ăn" Tết. Xu hướng chung của người tiêu dùng là vào các siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm nên không khí ở những nơi này nhộn nhịp hơn hẳn những cửa hàng bán lẻ trên phố. Giáp Tết, thời tiết có gợn lên chút lo lắng trên thị trường hoa, nhất là hoa đào ngày Tết. Thế nhưng, sự khéo léo và kinh nghiệm của các làng trồng hoa ngoại thành và lượng hoa từ các tỉnh lân cận đưa về giúp các gia đình Hà Nội đều chọn được hoa ưng ý. Chiều 29 Tết, giá cành đào bích chỉ 20 nghìn đồng, các loại hoa cắm, hoa đi lễ chùa cũng rẻ. Hồng, cúc, vi-ô-lét, thạch thảo, dễ mua và dễ chọn nhất vẫn là các chợ hoa trên đường Nghi Tàm - Quảng Bá - Nhật Tân, đường Hoàng Hoa Thám, chợ Bưởi và Hàng Lược. Thú chơi hoa Tết của người Hà Nội vẫn đào và quất làm chủ lực như mọi năm. Nhưng người dân Tràng An thanh lịch bắt đầu chú ý đến những thứ hoa quý khác như các loại lan, mai vàng, thủy tiên, hoa tuy-líp...

Những ngày này, đường phố thủ đô luôn khang trang, sạch đẹp. Thật mừng, ngày càng có nhiều người chọn xe buýt là phương tiện du xuân. Tổng công ty Vận tải Hà Nội bố trí hơn 19 nghìn lượt xe buýt phục vụ hành khách trong các ngày 29, mồng 1 và mồng 2 Tết, trung bình từ 10 đến 15 phút, trên mỗi tuyến có một chuyến xe xuất phát. Ðơn vị bố trí lực lượng điều hành cùng 50 xe dự phòng ứng trực tại đầu bến của 25 tuyến buýt trọng điểm có mật độ hành khách đông sẵn sàng giải tỏa khi lượng khách tăng đột biến. Trong dịp Tết, Công ty Viễn thông Hà Nội cũng đưa vào sử dụng dịch vụ hộp thư trả lời tự động về giao thông. Từ hộp thư này, hành khách dễ dàng biết thông tin về lịch chạy tàu Thống Nhất, các tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long, tàu liên vận quốc tế, thông tin về các chuyến xe khách liên tỉnh, các thông tin về đường một chiều, các điểm đỗ xe công cộng, các đường cấm... trên địa bàn thủ đô.

Tết Bính Tuất, nhiều người Hà Nội vẫn miệt mài lao động, nhất là các ngành dịch vụ để mọi nhà vui xuân mới. Ðó là cán bộ nhân viên ngành bưu chính viễn thông, ngành điện lực, ngành giao thông công chính. Tại các khu vực vui chơi giải trí, các khu vực phục vụ báo chí, truyền hình, Công ty Ðiện lực Hà Nội đặt thêm đầu máy đi-ê-zen dự phòng và sẵn sàng phục vụ trong trường hợp có sự cố. Những công nhân của Công ty Môi trường đô thị cần mẫn làm việc suốt đêm, thu dọn, vận chuyển và xử lý hơn 60 tấn rác. Công ty Kinh doanh nước sạch bố trí chín xe stéc trực cấp nước cho các khu vực có khó khăn. Ðể người dân đón Tết yên vui, công an các quận, huyện tập trung 100% quân số, chủ động ngăn chặn các hành vi gây rối, giữ vững an ninh trật tự. Tại các công trình lớn như Trung tâm Hội nghị quốc gia, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài làm việc, đón Tết tại công trường để bảo đảm tiến độ thi công.

PHƯƠNG QUYÊN

Thành phố Hồ Chí Minh tưng bừng đón mừng Xuân mới

Hòa cùng cả nước, mấy ngày qua, nhân dân TP Hồ Chí Minh chào đón Tết cổ truyền dân tộc thật tưng bừng, lành mạnh và tràn đầy hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Những ngày trước Tết, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, phục vụ nhân dân thành phố đã được chuẩn bị kỹ càng.

Ở khu vực trung tâm thành phố có ba điểm mừng Xuân, mừng Ðảng thu hút đông đảo nhân dân là: Ðường hoa Nguyễn Huệ, chợ hoa Xuân tại Công viên 23-9 và Hội hoa Xuân ở Công viên Tao Ðàn. Ðường hoa Nguyễn Huệ khai mạc tối 27 Tết, kết thúc vào mồng 3 Tết. Ðường hoa năm nay mang chủ đề "Dáng xuân", không quy mô bằng năm ngoái nhưng lại được trưng bày gọn gàng và có nhiều hiện vật lạ. Những chú chó đá chào đón khách du xuân; cảnh làng quê Nam Bộ yên ả với vài mái tranh, cây rơm, khối đá và những con bù nhìn giữ lúa; rồi các sản phẩm gốm đến từ Phù Lãng, Bình Dương, Vĩnh Long cùng nhiều loài hoa đặc sắc đến từ mọi miền đất nước;... Tất cả đã để lại ấn tượng đẹp cho khách tham quan, nhất là du khách nước ngoài.

Chợ hoa Công viên 23-9 cũng là điểm đến không thể thiếu của đông đảo nhân dân thành phố trong những ngày chuẩn bị đón xuân. Còn Hội hoa Xuân Bính Tuất tại Công viên Tao Ðàn năm nay khai mạc ngày 24-1, tức 25 tháng Chạp và kéo dài đến hết mồng 8 Tết. Hội hoa xuân là một nét văn hóa đặc sắc của TP Hồ Chí Minh dịp xuân về. Hội hoa xuân lần này thu hút gần 800 nghệ nhân trong nước và nước ngoài đến tham gia trưng bày hơn 4.000 hiện vật trong đó có nhiều hiện vật lạ như đồ xương rồng, cây khế gần hơn 100 tuổi, các loài lan Cattleya vàng và hồng, lan Mokara, lan Vanda,...

Cũng như mọi năm, năm nay TP Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa tại bốn địa điểm: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (quận 4); đền Bến Dược (Củ Chi); Trung tâm Thể dục - Thể thao quận 8 và Câu lạc bộ thể thao Phú Thọ (quận 11). Tại bến Nhà Rồng, tối cuối năm Ất Dậu mới 21 giờ đông đảo nhân dân đã tụ hội về đây chờ xem pháo hoa, chờ thời khắc thiêng liêng đầu năm mới. Khắp các ngả đường kéo về bến Bạch Ðằng đều đông nghịt người. Ai nấy đều vui tươi, hối hả chờ đợi xuân sang.

Cũng trong đêm giao thừa, tại Công viên 30-4, quảng trường trước Nhà hát thành phố và Công viên 23-9, diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào Xuân Bính Tuất thu hút đông đảo công chúng. Ðồng thời các sân khấu IDECAF, Phú Nhuận, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ, Nhà hát kịch thành phố... đều chuẩn bị từ hai đến bốn vở mới và tăng suất diễn để phục vụ công chúng. Mồng 1 và mồng 2 Tết, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có chương trình đặc sắc "Nghệ sĩ mừng Xuân" quy tụ gần 80 nghệ sĩ cải lương thuộc nhiều thế hệ như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương, Vũ Linh, Tấn Giao, Hữu Quốc,... và diễn các vở "Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ", "Xông đất đầu năm" thu hút đông đảo công chúng mến mộ cải lương.

Trong không khí lễ hội mừng Xuân, mừng Ðảng do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tổ chức, lễ hội Bánh tét đã diễn ra tối mồng 2 Tết. Trọng tâm của lễ hội này là rước cặp bánh tét khổng lồ, nặng 3,5 tấn, mỗi đòn dài 3,5 m đường kính 0,8 m từ Công viên văn hóa Ðầm Sen về Nhà hát thành phố. Lễ hội diễn ra trước sự chứng kiến của hàng nghìn người. Sau phần lễ dâng bánh cho Tổ tiên là lễ cắt bánh và phát lộc cho mọi người trong không khí rộn ràng, phấn khởi đón một mùa xuân tươi vui hạnh phúc.

So với mọi năm, Tết năm nay ở TP Hồ Chí Minh hàng hóa khá phong phú, đa dạng, giá cả ổn định, cung đáp ứng đủ cầu. Sáng mồng 2 Tết Bính Tuất, anh Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Nhờ dự đoán trước sức mua năm nay sẽ tăng 30-40% so với năm 2004 ngay từ tháng 9-2004, UBND thành phố cùng Sở Thương mại đã chỉ đạo năm tổng công ty lớn như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Coop mart, Tổng công ty thương mại Bến Thành, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty du lịch Sài Gòn cùng hệ thống siêu thị trên toàn địa bàn thuộc các thành phần kinh tế phối hợp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ đầy đủ các nhu cầu mua sắm, đi lại, vui chơi, giải trí của bà con thành phố, các tỉnh, du khách nước ngoài và người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống tại thành phố.

Trong số các mặt hàng thực phẩm kinh doanh phục vụ Tết gia cầm là mặt hàng dự đoán tăng giá cao nhất đã không xảy ra. Trong ba ngày 27, 28 và 29 Tết, lượng gà sạch về thành phố bình quân 20 tấn/ngày. Các trạm giết mổ gia cầm của Công ty Phúc An Sinh, An Nhơn Huỳnh gia Huynh đệ và các công ty liên doanh nước ngoài ở Ðồng Nai liên tục làm ba ca phục vụ đủ gà cho bà con thành phố cúng ngày 23 ông Táo chầu giời, ngày 30 Tết cúng ông bà và ngày mồng 3 Tết đón ông Táo về. Giá gà ta bình quân (nguyên con) 50.000 đồng/kg được bán rải đều trong 100 điểm bán gà sạch thuộc 24 chợ lớn và các siêu thị có tác dụng "giảm nhiệt" giá gà trên toàn địa bàn.

Ngoài gia cầm các công ty chuyên doanh lớn của nhà nước kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thị bò, cá, tôm... và các mặt hàng thực phẩm chế biến, rau quả, nước giải khát, quần áo,... trị giá 1.000 tỷ đồng hàng hóa bán từ 7 giờ đến 21 giờ. Doanh thu thuộc các siêu thị lớn đạt từ 1,3 tỷ đến hai tỷ đồng/ngày. Các cửa hàng tư nhân phục vụ 24/24 giờ với giá xoay quanh khung giá của công ty nhà nước, tăng lên hoặc giảm xuống 1.000 - 2.000 đồng tùy theo giá vận chuyển phối hợp các công ty, công ty thực phẩm các tỉnh cũng mang hương vị quê nhà giới thiệu người thành phố đặc sản địa phương. Công ty Nông sản xuất khẩu An Giang (AFIFISH) cung ứng 200 mặt hàng chế biến từ cá basa, cá hồi, cá trứng có giá từ 11.500 đến 25.000 đồng/mặt hàng. Các loại khô như tôm khô, khô mực, khô nai, khô bò, khô cá, cá tẩm mè, khô bạch tuộc... đủ loại của tư nhân và nhà nước, của Ðồng Nai, Long An, Kiên Giang, Ðồng Tháp... có giá từ 150.000 đồng đến 450.000 đồng/kg được bày bán khá nhiều với bao bì đẹp, bắt mắt có ghi hạn sử dụng, cách chế biến.

Cùng với việc lo kinh doanh Tết, các công ty lương thực thành phố, hệ thống siêu thị Coop mart phối hợp với UBMTTQ bốn huyện Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Ðức, Cần Giờ mang nhiều mặt hàng giảm giá từ 5-10% cùng nhiều túi quà hiện vật gồm gạo, nước mắm, đường, mì ăn liền... tặng các gia đình nghèo, gia đình chính sách.

Ngoài các mặt hàng thực phẩm, các loại bánh chưng, bánh tét, dưa môn, giò lụa, giò bò... sản xuất theo hương vị miền bắc đều được tiêu thụ khá mạnh. Giá một cặp bánh chưng loại 0,5 kg là 70.000 đồng/cặp cao nhất là 100-150.000 đồng/cặp. Giá các loại hoa nhất là hoa Ðà Lạt như tuy-líp, hồng, thược dược, lay-ơn, cúc vạn thọ tăng hơn Tết trước 30-40% trong khi đó mai, đào giá chỉ nhỉnh hơn chút ít.

Các công ty du lịch cũng cho biết, năm nay lượng khách đi tour khá lớn. Các tour đi Ðà Lạt, Mũi Né, Vũng Tàu... đã hết chỗ từ đầu tháng 1-2005. Khách đi du lịch trong nước 50% là bà con kiều bào và du khách nước ngoài. Số kiều bào đi du lịch phần lớn là thế hệ trẻ về Việt Nam tìm hiểu quê hương nguồn cội và các chính sách của Chính phủ Việt Nam với người Việt ở nước ngoài.

TOÀN THẮNG, BĂNG CHÂU

Ðà Nẵng phấn khởi đón Tết, vui Xuân

Ở Ðà Nẵng, khí sắc đón Tết, vui Xuân Bính Tuất 2006 nhìn chung diễn ra yên bình và phấn khởi. Các đối tượng chính sách, các nhóm đối tượng xã hội được chăm lo chu đáo. Dù trực Tết, gấp gáp giải quyết nhiều việc cuối năm, nhưng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy và UBND Ðà Nẵng vẫn dành thời gian đến với một vài khu vực dân cư còn khó khăn, gặp gỡ một số cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ trực chiến, an ninh... để chúc Tết, vui Xuân. Ðêm Giao thừa, người Ðà Nẵng hầu như không ngủ, áp sát sông Hàn xem bắn pháo hoa, tỏa ra nhiều đường phố chính reo hò, phấn chấn...

Trong mấy ngày trước và trong Tết, giá cả lên xuống thất thường, có khi tăng đến 530%. Vùng Hòa Cường, Khuê Trung, Cẩm Lệ... mua sắm rất cao, có nhà gần cả trăm triệu đồng, nhìn chung đều trên vài chục triệu đồng. Hoa, cây cảnh của Ðà Nẵng Tết qua nhìn chung hơi xấu mã, do thời tiết không thuận. Bù lại, đã có hoa mai vàng rực rỡ của Phú Yên, Khánh Hòa, nam Bình Ðịnh tràn ra và có rất nhiều hoa đào của Hà Nội, Ðà Lạt đến với Ðà Nẵng. Ngày Tết, Ðà nẵng như mảnh đất thu nhỏ, hội tụ sắc xuân từ nhiều vùng, miền của đất nước.

* Những ngày giáp Tết, chúng tôi về thăm thôn Phú Túc, thuộc xã Hòa Phú (Hòa Vang, Ðà Nẵng). Ðây là nơi có 105 hộ với hơn 400 đồng bào người Cà Tu sinh sống. Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền TP Ðà Nẵng, huyện Hòa Vang cho nên cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay.

Ông Thiều Song, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết: Ðồng bào Cà Tu ở Phú Túc trong những năm gần đây thật sự được đổi đời. 100% số hộ có nhà xây, có điện sinh hoạt. Ðường sá đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.

Anh Trần Phom, Trưởng thôn Phú Túc, phấn khởi cho biết: Những ngày giáp Tết, bà con mình được lãnh đạo ở huyện, ở thành phố lên thăm hỏi, tặng quà mừng lắm. Anh cho biết thêm: Trước Tết, lãnh đạo xã về thôn điều tra số hộ có hoàn cảnh khó khăn để trợ cấp gạo ăn Tết. Có 36 hộ khó khăn do già yếu, neo đơn, đau yếu không còn sức lao động được trợ cấp mỗi hộ 10 kg gạo để ăn Tết. Ngoài ra, thành phố và huyện Hòa Vang đến thăm và tặng mỗi gia đình một suất quà, mỗi suất trị giá 100 nghìn đồng. Cuộc sống người Cà Tu mình được như hôm nay dân mình biết ơn Ðảng, ơn Chính phủ nhiều lắm...

Anh Nguyễn Văn Lớ cũng không giấu nổi niềm vui của người dân nơi đây khi có nhiều đổi thay trong cuộc sống. Anh tâm sự: Trước đây dân mình nghèo lắm, không biết cái Tết, chỉ lo làm lụng quanh năm vất vả mà không đủ ăn. Chừ so với trước dân mình sướng hung rồi. Ðảng, Nhà nước làm nhà cho để ở, làm cái đường rộng để đi, xây cái trường để con em đi học, bắt cái điện sáng trưng...

Nhiều người dân Cà Tu ở Phú Túc mà chúng tôi được gặp từ thanh niên đến các cụ già đều tỏ ra phấn khởi trước những đổi thay của quê hương đất nước. Bà con ai cũng vui bởi họ đang đón một cái Tết đầy đủ, không còn cảnh thiếu đói như trước đây. Họ đều có chung suy nghĩ: Có được cuộc sống như hôm nay là nhờ ơn Ðảng, Chính phủ. Chị Mạc Thị Ướt tỏ ra xúc động nói: Gia đình mình trước đây sống trong căn nhà lụp xụp. Vừa qua được Ðảng, Nhà nước hỗ trợ tiền nên xây được cái nhà mới. Tết nay mình được ăn Tết trong nhà mới vui lắm, phấn khởi lắm.

Một mùa xuân mới - mùa xuân của ấm no, giàu có - lại về với người Cà Tu ở vùng đất kiên trung và anh hùng.

TRẦN DANH LÂN, PHAN LỢI

Quảng Nam đón Tết đầm ấm và yên bình

Nhân Dân Quảng Nam đón Tết Bính Tuất trong không khí vui vẻ, đầm ấm và yên bình. Trên các đường phố, công sở, tụ điểm vui chơi nhiều cờ hoa, biểu ngữ đón xuân mừng Ðảng được trang hoàng rực rỡ. Nhiều đường phố ở thị xã Tam Kỳ được làm mới, mở rộng làm cho bộ mặt thị xã - tỉnh lỵ Quảng Nam thêm khang trang, sạch đẹp. Một số tuyến đường như Nguyễn Hoàng, Trần Cao Vân, Nguyễn Du... ở thị xã Tam Kỳ cũng được các đơn vị thi công khẩn trương sửa chữa nâng cấp để phục vụ nhân dân đi lại vui Tết đón xuân.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân như hội chợ xuân ở Tam Kỳ, biểu diễn thư pháp, liên hoan tiếng hát đồng dao, cờ người... ở Hội An. Ngoài ra, các trung tâm văn hóa tại các huyện và các xã, phường, nhất là các huyện miền núi cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi phục vụ nhân dân.

Trước Tết trời nắng ấm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi sắm Tết. Năm nay, nhân dân Quảng Nam đi mua sắm cũng đông hơn làm cho nhiều ngả đường vào các trung tâm thị xã, thị trấn thêm nhộn nhịp và sôi động. Hàng hóa cũng đa dạng, phong phú và sức mua của nhân dân cũng nhiều hơn. Nhiều mặt hàng giáp Tết có tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp hai lần so với ngày thường, song vẫn bán chạy như thịt bò, thịt lợn, cá các loại, trái cây... Thịt bò ngày thường 50-60 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 100 nghìn đồng/kg, thịt lợn 60 nghìn đồng/kg, cá thu 100 nghìn đồng/kg... Ðặc biệt, các loại trái cây, hoa quả đều tăng giá nhưng người mua vẫn đông.

Trong những ngày giáp Tết, công nhân Công ty môi trường đô thị Quảng Nam thật bận rộn. Công ty đã huy động hàng trăm công nhân cùng hàng chục phương tiện tập trung tổng vệ sinh làm sạch đẹp đường phố. Anh Phan Xuân Thánh, Giám đốc Xí nghiệp môi trường đô thị Tam Kỳ, cho biết: Những ngày giáp Tết, lượng rác tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường (khoảng gần 200 tấn/ngày). Do vậy, ngay từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch chúng tôi tập trung lực lượng gồm 80 công nhân, 13 xe chuyên dùng để thu gom rác cho đến gần giao thừa.

Ðể bảo vệ sự bình yên cho nhân dân vui Tết đón xuân, lực lượng công an đã triển khai và thực hiện các phương án bảo vệ an ninh - trật tự nhằm ngăn chặn các loại tội phạm và phòng, chống cháy nổ. Từ ngày 27-1, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã tổ chức ra quân lập lại trật tự - an toàn giao thông và duy trì thường xuyên 60% quân số tuần tra kiểm soát 24/24 giờ trong dịp Tết nhằm chống đua xe trái phép và không để xảy ra ùn tắc giao thông...

PHAN LỢI

Tết vùng than

Kết thúc năm 2005, ngành than bán được 3 triệu tấn than, vượt bảy triệu tấn so với năm 2005, tăng gấp hai lần so với chỉ tiêu Ðại hội Ðảng lần thứ IX. Sản lượng than tăng nhanh, than bán được giá, lợi nhuận trước thuế toàn ngành đạt 2.600 tỷ đồng, lớn hơn tổng lợi nhuận mười năm (1995 - 2004) cộng lại. Xí nghiệp nào cũng có tháng lương thứ 13. Anh Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch công đoàn Công ty than Ðèo Nai, cho biết: Không kể tháng lương thứ 13, chỉ riêng khoản lương, thưởng Tết mỗi công nhân đã có 3,5 - 5 triệu đồng. Ngoài ra còn 1,5 triệu đồng tiền "ăn rằm".

Anh Bùi Huy Hoàng, công nhân lái xe công ty than Cao Sơn, nói: "Nhà có ba người làm ở công ty, lương, thưởng đủ sắm Tết, còn mua được chiếc xe máy". Tính sơ bộ, mỗi công nhân lái xe, lái máy giỏi, thợ lò có năng suất cao có khoảng 10-12 triệu đồng tiền tiêu Tết. Toàn vùng than chi tới 300 tỷ đồng cho việc mua sắm Tết.

Còn anh Phạm Trung Kiên, Giám đốc điều hành siêu thị Hạ Long, khẳng định: Lượng hàng bán ra tăng 30% so với Tết Ất Dậu mặc dù giá đã trượt hơn 10%. Hàng bán chạy nhất là hàng Việt Nam. Gạo Ðiện Biên, tám thơm Nam Ðịnh; bưởi Năm Roi, cam xứ Nghệ, vang Ðà Lạt, các loại củ quả" sản xuất trong nước. Khó bán nhất và cũng ít người mua nhất là rượu ngoại. Thực phẩm ngoại, có gà đông lạnh nhập từ Ba Lan, trước Tết bán 47.000 đồng/kg gần Tết lên 50.000 đồng/kg mà không đủ bán. Trong khi gà sống thiến bán ngoài chợ giá cũng chỉ như vậy, song người tiêu dùng vẫn nghi ngại dịch cúm gà! Thịt lợn, thịt bò đắt nhất vào trưa 30 Tết, chỉ tăng hơn ngày thường chút đỉnh. Nhìn chung giá lương thực, thực phẩm "trượt nhưng ổn định".

Giá "trên trời" nhất là các chậu lan. Lan ghép mô của Vườn Hoàng Lan bày bán trước cổng chợ Hạ Long đủ loại, đủ mầu nhưng giá thì "khét lẹt". Một chậu lan Hồ Ðiệp có 11 hoa đỏ, ba hoa trắng thêm bốn chiếc nơ xanh, vàng gắn quanh giá 3,8 triệu đồng. Chậu nhỏ nhất chỉ một hoa đỏ uốn cong như dấu hỏi giá 150.000 đồng. Lan Hồ Ðiệp - dành cho người sành điệu 390.000 đồng/bông.

Cái gì cũng có cái giá của nó, đắt quá chẳng ai dám mua, trưa 30 Tết hạ giá xuống một nửa cũng chẳng bán được. Cô bán lan, mặt buồn rười rượi, mắt tròn ra nhìn khách chẳng mời cũng chẳng cười.

VŨ ÐIỀU

Cà Mau nhiều hoạt động thiết thực vui Tết

Trong những ngày qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết; mừng Xuân, mừng Ðảng. Năm nay Cà Mau chi gần 4,5 tỷ đồng để hỗ trợ, chăm lo Tết cho gần 30 nghìn đối tượng chính sách của tỉnh. Tỉnh cũng đã cử 15 đoàn cán bộ đi thăm và chúc Tết vùng căn cứ kháng chiến, các lâm - ngư trường, các đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ ở các hải đảo, biên giới...

Các ngành, các địa phương đã hướng các hoạt động vui xuân, đón Tết về cơ sở, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Ngay trong dịp Tết, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh Cà Mau cũng đã kịp thời làm mới và tặng gần 300 căn nhà đoàn kết để hộ nghèo có mái ấm vui xuân mới. Tại các khu vui chơi giải trí, khu du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật bổ ích mừng Xuân, mừng Ðảng. Các hoạt động diễn ra lành mạnh, an toàn tiết kiệm; ước có gần 100 nghìn lượt người vào vui chơi ở các điểm văn hóa, nhất là các khu du lịch sinh thái Ðất Mũi, Khai Long, Ðá Bạc thu hút ngày càng đông người đến tham quan, vui chơi.

NGỌC QUÂN