Cần đánh giá sâu hơn những yếu kém của nền giáo dục
Các Website khác - 25/02/2006
Các đại biểu của Hội Khuyến học cho rằng, Dự thảo Báo cáo cần đánh giá sâu hơn những yếu kém, khuyết điểm của thực trạng giáo dục về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo dục và quản lý giáo dục tầm vĩ mô; chưa thật sự coi trọng dạy nghề, hệ thống giáo dục cộng đồng, và các chính sách phát triển giáo dục chưa có tác dụng thúc đẩy.

Sáng 24-2, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng về giáo dục và đào tạo. Cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo Chính trị (về giáo dục và đào tạo), những ý kiến của các đại biểu góp ý phần đánh giá thực trạng giáo dục và đào tạo còn phiến diện. Dự thảo Báo cáo cần đánh giá sâu hơn những yếu kém, khuyết điểm của thực trạng giáo dục về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo dục và quản lý giáo dục tầm vĩ mô; chưa thật sự coi trọng dạy nghề, hệ thống giáo dục cộng đồng, và các chính sách phát triển giáo dục chưa có tác dụng thúc đẩy. Nhưng bất cập rõ nhất hiện nay là chương trình, sách giáo khoa mà trong báo cáo lại yêu cầu thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục, sách giáo khoa phổ thông là không phù hợp, cần được thay đổi bằng cụm từ "xây dựng chương trình, giáo dục, sách giáo khoa...".

Ðánh giá về chất lượng và quy mô giáo dục, Dự thảo cần nêu rõ cả trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Về phương hướng nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo, ý kiến nhiều đại biểu nhận xét: đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là nhu cầu bức xúc, nhưng chỉ nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cao là chưa đủ, vì với nhiều vùng khó khăn, giáo dục và đào tạo phải có nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực. Ðổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo đề cập tới mười nội dung, nhưng vẫn còn thiếu một nội dung rất quan trọng, đó là dân chủ hóa giáo dục.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự tâm đắc với định hướng xây dựng hệ thống giáo dục mở, nhưng đề nghị đi sâu vào việc xây dựng xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực cao. Cần nêu bật sự nghiệp CNH, HÐH đất nước đòi hỏi gì ở giáo dục và đào tạo. Theo đó, lĩnh vực này phải được CNH, HÐH như thế nào? Khẳng định mô hình cơ bản xã hội học tập là gì? Trong xã hội học tập, phải khẳng định trách nhiệm của các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải ổn định hệ thống giáo dục quốc dân, bởi hệ thống giáo dục hiện nay chưa ổn định, còn chắp vá và thay đổi quá nhiều qua nhiều thời kỳ.

* Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội vừa tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, phần giáo dục và đào tạo.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí đánh giá, qua 20 năm đổi mới, được sự quan tâm thích đáng của Ðảng, Nhà nước và xã hội, ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành tích, góp phần quan trọng vào những thành công chung của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá: "Giáo dục và đào tạo chất lượng còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý" là hoàn toàn chính xác. Việc xác định đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới là đúng hướng. Các đại biểu cũng tập trung làm rõ những yếu kém, bất cập của ngành giáo dục - đào tạo và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.