Đây là phản ứng của FAO về việc Huế, Đà Nẵng diệt bồ câu và chim hoang dã bằng súng hơi, đạn chì, còn TP Hồ Chí Minh thì diệt bằng thuốc độc dipterx.
Trong văn bản trên, đại diện FAO đề cập đến việc UBND TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng ra các quyết định giết chim bồ câu và chim hoang dã. "Nhận thức rõ rằng quyết định này không phải từ trung ương, chúng tôi muốn bày tỏ sự lo ngại của chúng tôi về cách làm này. Nhiều tổ chức và nhà tài trợ quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại này với chúng tôi”.
FAO cho rằng: "Mặc dù chim hoang dã có thể có vai trò nào đó trong việc phát tán virus chủng Al (cúm gia cầm), song việc giết chim bồ câu và các loài chim hoang dã khác không được xem là một biện pháp kiểm soát HPAl hợp lý. Mọi người đều biết nguồn khởi phát dịch bệnh hiện nay là từ virus ở trong các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các loài thủy cầm. Các biện pháp thích hợp đã được đề xuất áp dụng để ngăn chặn dịch là tiêm vaccine cho gia cầm, giám sát cẩn thận các đàn gia cầm sau khi tiêm vaccine, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm và có biện pháp đền bù hợp lý khi tiêu hủy gia cầm. Việc thực thi đầy đủ các biện pháp này giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh".
Cuối thư, ngài Marcelino V. Dalmacio đề nghị: "Thay mặt FAO, tôi đề nghị Quý Bộ yêu cầu chính quyền các địa phương dừng ngay hành động thái quá nêu trên. Nhân đây, tôi muốn khẳng định một lần nữa cam kết mạnh mẽ của chúng tôi để hỗ trợ Việt Nam trong việc đẩy lùi HPAl".
Diễn biến chiến dịch diệt bồ câu và chim hoang dã
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Phải ngừng ngay lập tức”! Về sự việc nói trên, ông Đỗ Hữu Dũng, cán bộ Cục Thú y, cho biết: - Chúng tôi đang soạn thảo công văn xử lý việc này. Diệt chim bồ câu và chim hoang dã là điều Cục không khuyến cáo làm, mà là chủ trương của các địa phương thôi. Nên bây giờ, Cục góp ý với các địa phương là cần dừng ngay việc này. * Trong thời hạn là bao lâu, thưa ông? Cần dừng ngay lập tức. Cục sẽ không đưa ra thời hạn nào phải kết thúc vì Cục có bảo người ta là "bắt đầu” đâu... * Khuyến cáo của FAO là đúng theo nguyên tắc ứng xử với các loài chim trong thời cúm gia cầm. Tuy nhiên, cụ thể trong việc diệt bồ câu, thì có vẻ hơi "khắt khe quá”, vì bồ câu không phải chim hoang dã, nên diệt cũng chẳng thiệt hại gì đáng kể, mà lại khiến yên tâm hơn... - Thực ra chim bồ câu không mấy khi mang bệnh. Nó có thể mang được các virus cúm khác (không phải là H5N1), còn có H5N1 nó cũng chết luôn rồi, không bay xa được đâu. Bởi vì bồ câu có sức đề kháng rất kém. Khả năng lây nhiễm H5N1 từ bồ câu là hầu như không có. Nên, mọi người trong động thái "diệt tất cả cái gì có thể diệt", mà diệt bồ câu thì hơi quá tay. - Xin cảm ơn ông.
| * Tại TP Hồ Chí Minh: Bồ câu nuôi thịt để kinh doanh thì phải tự hủy và nhận sự hỗ trợ của thành phố; còn đối với bồ câu vô chủ (hiện nay có nhiều bầy sống trong một số trường học, cơ quan, nhà thờ) sử dụng 3 biện pháp: rải thức ăn để dẫn dụ và dùng lưới phủ chụp; dùng ná hoặc súng chuyên dụng để bắn (do công an hoặc bảo vệ cơ quan thực hiện); dùng hóa chất (Dipterx) tẩm trong thức ăn để dẫn dụ.
* Tại Đà Nẵng: Với chiến dịch "Tìm và diệt", sau gần một tuần ra quân, Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố Đà Nẵng đã bắn và tiêu hủy hơn 3.000 chim cảnh các loại, trong đó có hơn 350 chim bồ câu. Có lẽ Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước thành lập đội bắn hạ chim trời.
* Huế: Lập “đội đặc nhiệm" bắn hạ bồ câu hoang. Cả TP có khoảng 1.300 con chim bồ câu bay đậu khắp nơi. Đội đặc nhiệm gồm các chiến sĩ Công an TP, sẽ kết hợp với các lực lượng Y tế, Thú y, chỉ 2 ngày sau khi thành lập đã bắn hạ được hơn 200 con bay lảng vảng trên trời, đậu trong các chùa...
|