Festival cà phê Buôn Ma Thuột - Một nửa là niềm vui
Các Website khác - 06/12/2005
Tại Đác Lắc, cây cà-phê vừa được vinh danh. Festival cà-phê Buôn Ma Thuột diễn ra từ ngày 2 đến 5-12 nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn.
Được

Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Nguyễn Văn Lạng thổ lộ rằng, Festival cho cây cà phê là nguyện vọng, là ấp ủ nhiều năm của ông và các doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Bởi ấp ủ nhiều năm nên Festival nhìn chung được tổ chức quy mô và tương đối thành công. Cả TP Buôn Ma Thuột trong dịp Festival nhộn nhịp với sắc mầu cờ hoa rực rỡ. Hàng chục chương trình liên tục diễn ra, khiến bà con "ngợp" trước ngày hội cà phê lần đầu tiên được tổ chức này. Những gian hàng của các doanh nghiệp cà phê tham gia triển lãm trong khuôn viên Bảo tàng Biệt Điện khá ấn tượng, bắt mắt. Cà phê Trung Nguyên thiết kế gian hàng giống chiếc nhà rông có mái cao và nội thất đậm chất Tây Nguyên. Một bức ảnh thật lớn chụp trái cà phê chín mọng; một bức khác chụp cảnh các thanh niên người dân tộc thiểu số say sưa đánh cồng chiêng... Không gian của gian hàng Trung Nguyên được thiết kế dân dã, gần gũi nhưng cũng rất hiện đại, lạ mắt. Bên ngoài gian hàng trưng bày, Trung Nguyên dành hẳn một khoảng sân rộng với bàn tre, ghế tre phục vụ miễn phí cà phê cho khách ghé ngang...

Không khí lễ hội thêm "tươi" hơn khi có nhiều bài hát viết về Đác Lắc, viết về cà phê và viết riêng cho Festival mở rộn rã suốt ngày. Trong đêm khai mạc, qua giọng ca của Y Moan, khán giả còn biết thêm một bài hát khác của Nguyễn Cường về cà phê, bài Robusta Đác Lắc, Robusta Việt Nam. Hơn nữa, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, có “gốc" cũng như không "gốc" ở Tây Nguyên, đã góp phần thu hút đông đảo người dân đến Festival.

Ngoài ra, điều đáng hoan nghênh là Ban tổ chức dành riêng khu vực cho các doanh nghiệp trưng bày máy móc, phân bón, nông cụ... để bà con đi xem sản phẩm cà phê còn có dịp tiếp xúc với công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến cà phê. Bởi vậy, những gian hàng này luôn thu hút đông khách đến xem.

Festival cà phê cũng không quên dành diện tích cho các đặc sản Tây Nguyên, vốn được nhiều du khách quan tâm, như thổ cẩm, rượu cần, mật ong... Bấy nhiêu là đủ làm cho Festival cà phê thêm thương, thêm sắc đỡ nhàm chán vì đơn điệu sản phẩm.

Chưa được

Nhưng, nếu Ban tổ chức Festival biết dừng lại đúng ở những thứ ấy thì có lẽ đã tạo nên một lễ hội vinh danh cà phê chuyên nghiệp. Đằng này, không biết vì "tham vọng" gì mà Ban tổ chức cho phép các gian hàng "tạp hóa" xen lẫn vào Festival khiến khuôn viên Bảo tàng Biệt Điện rất đẹp và thoáng đãng trở nên chật chội, phức tạp, thậm chí có phần bát nháo. Dành một dịp lễ hội nào đó, Tết dương lịch sắp tới chẳng hạn, Đác Lắc có thể tổ chức một hội chợ thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của bà con hơn là "ké” vào Festival cà phê, vừa sơ sài, vừa đánh mất ý nghĩa của Festival chuyên đề này.

Thời điểm tổ chức Festival không phù hợp. Vì ở Đác Lắc tháng 12 hàng năm vẫn còn trong mùa mưa, mà mùa mưa không phải là mùa du lịch Tây Nguyên. Cho nên, lượng khách trong nước và nước ngoài đến Đác Lắc trong dịp Festival không nhiều, chủ yếu là khách địa phương và khách mời. Ngày 4-12, chúng tôi liên hệ với Công ty du lịch Đam San, đơn vị phụ trách tour cà phê, để đặt vé tham quan vườn cà phê nhưng không có. Theo thông báo của Ban tổ chức là trong dịp Festival có 26 điểm uống cà phê miễn phí cho du khách. Chủ một quán cà phê ở TP Buôn Ma Thuột (một trong số 26 điểm uống cà phê miễn phí), than thở rằng vì cái vé mời miễn phí này mà chị và nhân viên phục vụ phải mỏi miệng giải thích cho khách suốt ngày. Bởi trên vé mời không ghi rõ là mỗi vé chỉ uống miễn phí được một lần.

Và chút đắng

Chắc hẳn nông dân Tây Nguyên rất hồ hởi với Festival này, Festival dành riêng cho cà phê, cũng có nghĩa là dành riêng cho họ. Do đó, họ tò mò tới xem thử người ta tôn vinh cà phê (cũng là tôn vinh nông dân trồng cà phê) như thế nào. Nhiều người đã đặt dấu hỏi, rằng mối quan hệ giữa “hai nhà", "nhà" doanh nghiệp cà phê và "nhà" nông dân trồng cà phê hiện như thế nào. Trong khi, những doanh nghiệp chế biến cà phê ngày càng ăn nên làm ra với mức lãi "siêu lợi nhuận", thì nông dân vẫn quặt quẹo với chút vốn ít ỏi của mình vì giá cà phê hạt quá thấp. Vậy mà, trừ đêm khai mạc, những đêm sau của Festival, người ta bán vé vào cổng với giá 5.000 đồng/vé. Tôi cũng không rõ số tiền ấy mua được bao nhiêu ký cà phê hạt và bao nhiều gam cà phê chế biến, chỉ thấy rằng nhiều người đã quay trở về, tiếc nuối vì không thể vào cổng tò mò xem cái mà mình “đổ mồ hôi sôi nước mắt" mới có được. Ban tổ chức cho rằng, thu tiền vé để trang trải cho công tác vệ sinh môi trường trong khuôn viên Festival. Chẳng lẽ đủ kinh phí để tổ chức một Festival quy mô như thế lại thiếu tiền để làm vệ sinh, trồng lại cỏ trong Bảo tàng Biệt Điện sao?

Việc giá phòng nghỉ, giá giữ xe đột nhiên tăng trong những ngày Festival cà phê diễn ra dường như nằm ngoài "dự kiến" của các cơ quan quản lý. Một vị khách đi than vãn: "Tôi thuê một phòng ở gần bến xe cũ, nhận phòng rồi mới hay bà chủ tăng giá thêm 20.000 đồng/phòng. Đành chấp nhận vì các khách sạn ở Buôn Ma Thuột đều hết phòng". Ngay cả bãi giữ xe ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đác Lắc, đêm trước 2.000 đồng/chiếc nhưng đêm sau tăng thêm 1.000 đồng. Khách không đồng ý lập tức bị đuổi đi chỗ khác. Đó chỉ là hai trong nhiều chuyện lợi dụng thời cơ tăng giá dịp Festival. Mong rằng, những lần tổ chức lễ hội tới, Ban tổ chức quan tâm đến những “hạt sạn" nêu trên.

Theo Theo Thể thao và văn hóa