Ngân sách khó chia vì ai cũng cần
Các Website khác - 22/10/2005
Quốc hội thảo luận về thực hiện ngân sách nhà nước:
Ngân sách khó chia vì ai cũng cần

* Chi vượt so với dự toán.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Minh
(An Giang) phát biểu tại kỳ họp.
Ngày làm việc thứ ba, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2005; dự toán NSNN năm 2006 và phương án phân bổ NSNN năm 2006. NSNN quả là "miếng bánh" khó chia, vì đâu cũng thấy... cần được bổ sung.

NSNN vượt cao, nhưng chưa bền vững
Trong khi tổng thu NSNN dự kiến vượt dự toán cao, thu nội địa chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu cân đối NSNN. Nhưng nếu làm phép tính loại trừ số tăng thu từ dầu thô, thu từ đất, các khoản thu không ổn định khác thì số tăng thu NSNN từ sản xuất, kinh doanh vẫn ở mức thấp. Trong tổng số thu vượt 27.400 tỉ đồng thì số tăng thu từ sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20%. Ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ nhiệm UBKT&NS của QH - nhận định rằng, điều đó tiếp tục phản ánh tính chưa bền vững của NSNN và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp.

Khối doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh về số lượng, các khu vực của nền kinh tế tăng trưởng khá thì tỉ trọng thu nộp ngân sách của cả ba khu vực kinh tế gồm DNNN, DNNQD và DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với kết quả, tiềm năng và lợi thế. Dù DNNN nhận được rất nhiều sự ưu đãi, song hiệu quả sản xuất, kinh doanh lại không cao, mức đóng góp chưa tương xứng với mức đầu tư.

Thất thu NSNN, nợ tồn đọng, tiêu cực trong công tác quản lý thu thuế, mua bán hoá đơn để lừa đảo diễn ra phức tạp ở một số địa bàn; số thu từ nhà đất vượt dự toán lớn, nhưng có chiều hướng chững lại do thị trường bất động sản "đóng băng".

Chi còn vượt nhiều so với dự toán
ĐBQH Trương Thị Mai (Cà Mau) đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân các khoản chi vượt quá cao so với dự toán. Bà Mai cho rằng, khi QH quyết định dự toán thu, chi NSNN cũng đã xem xét, quyết định từng khoản thu, chi, thế nhưng có những khoản chi vượt như: Chi sự nghiệp kinh tế (30,2%); chi bổ sung quỹ dự trữ quốc gia (58%); chi quản lý bộ máy (11,9%); chi khác ngân sách (lên tới 81,1%)...

Tình trạng bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát và lãng phí vẫn chậm khắc phục. UBKT&NS nhận định, việc bố trí vốn ngân sách để thanh toán nợ XDCB chưa chấp hành nghiêm nghị quyết của QH.

ĐBQH Lê Đức Thuý (Nghệ An) tham
luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ
2005 và phương hướng nhiệm vụ
2006.

Theo báo cáo của Chính phủ, ước chi đầu tư phát triển từ NSNN năm 2005 vượt 4.005 tỉ đồng, chi đầu tư cho lĩnh vực này năm sau cao hơn năm trước. Tuy QH đã ra nghị quyết, nhưng tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực này vẫn xảy ra trầm trọng, chuyển nhượng thầu không đúng pháp luật diễn ra khá phổ biến...

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đã thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm rõ trách nhiệm trước QH về tình trạng thất thu, nợ, đọng thuế, trốn thuế, doanh nghiệp "ma" hoạt động ngoài sự kiểm soát của Nhà nước; tình trạng gian lận thương mại, gây thất thu NSNN nghiêm trọng; Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ trách nhiệm trước QH về các khoản chi vượt dự toán lớn, không chấp hành nghị quyết của QH trong việc bố trí vốn, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước.

Khó chia
Phát biểu ý kiến trước QH về phân bổ ngân sách, phần lớn các ĐBQH đều trình bày những khó khăn mà ngành, địa phương cần được "bổ sung" vốn. ĐB Đỗ Ngọc Quang (Bắc Ninh) còn nhấn mạnh rằng, phi công VN không thể giỏi được vì máy bay thiếu xăng; tiêu chuẩn ăn của chiến sĩ không bằng giá một bát phở...

ĐB Thu Hồng (Thừa Thiên- Huế) trình bày những khó khăn của ngành văn hoá, ĐB Hồng Vy (Sơn La) nói về vốn cần thêm cho ngành giáo dục... Năm nào cũng vậy, "miếng bánh" ngân sách quả là khó chia vì không ít ngành, địa phương xin thêm vốn. L.H