Chủ động hội nhập kinh tế, những thành tựu quan trọng
Các Website khác - 21/10/2005
Kể từ sau Ðại hội lần thứ VI của  Ðảng, chủ trương chủ động hội nhập kinh tế ngày càng được xây dựng, phát triển và hoàn thiện hơn. Chủ trương này góp phần tích cực phá thế bao vây cấm vận của một số thế lực thù địch, mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước ở khắp các châu lục trên thế giới, từ đó góp phần đắc lực vào việc phát triển thị trường xuất nhập khẩu.
Ngày nay, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) đã trở thành một chủ trương được toàn Ðảng, toàn dân nhất trí. Có thể nói, qua mỗi kỳ Ðại hội Ðảng, chủ trương chủ động hội nhập kinh tế lại càng được xây dựng, phát triển và hoàn thiện hơn.

Sau Ðại hội lần thứ VI của Ðảng, đường lối đổi mới đã mở ra sự phát triển toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực, trong đó chúng ta chú trọng phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và rộng mở. Tại Ðại hội VII, Ðảng ta đã xác định rõ đường lối độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại với phương châm "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Ðại hội IX đã phát triển phương châm "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước..." thành "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".

Chúng ta đã trải qua giai đoạn thực hiện các cam kết ban đầu, đến nay quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng đi vào chiều sâu, việc thực hiện các cam kết trong giai đoạn mới chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của Việt Nam, Nghị quyết 07-NQ/T.Ư được Bộ Chính trị ban hành ngày 27-11-2001 chính là sự kế thừa, cụ thể hóa và triển khai các đường lối của Ðảng đề ra từ trước tới nay, đồng thời đáp ứng kịp thời những đòi hỏi khách quan của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới. Ðây là một văn kiện hết sức quan trọng đối với tiến trình HNKTQT của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Tất nhiên, không chỉ nhờ vào HNKTQT song có thể nói, hiện nay, Việt Nam có uy tín lớn trên trường quốc tế thì thành tích đáng kể chính là nhờ chủ trương và chính sách đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta về HNKTQT. Quá trình HNKTQT đã góp phần tích cực phá thế bao vây cấm vận của một số thế lực thù địch, mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới, từ đó góp phần đắc lực vào việc phát triển thị trường xuất nhập khẩu. Tính đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 167 nước, đã tham gia vào các tổ chức lớn như ASEAN, APEC, ASEM và đang đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chúng ta đẩy mạnh quan hệ buôn bán từ chỗ chỉ dựa vào các nước Ðông Âu, đã mở rộng ra quan hệ buôn bán với 224/255 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ(1), ký 87 Hiệp định thương mại song phương (cả ký mới và ký lại). Việt Nam cũng đã ký hơn 350 Hiệp định hợp tác phát triển với các nhà tài trợ, 48 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 42 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và 37 Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam được mở rộng trong suốt quá trình HNKTQT vừa qua đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập rộng khắp thế giới, nhiều hàng hóa Việt Nam đã có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam được triển khai một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực đã tạo ra nhiều thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thông qua việc khai thông thị trường mới, mở rộng quan hệ buôn bán trao đổi, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhận được các ưu đãi thuế quan và phi thuế quan của các nước, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ 2,4 tỷ USD năm 1990 lên 26,5 tỷ USD năm 2004 và dự kiến sẽ đạt 31,5 tỷ USD năm 2005. Như vậy, với mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2005, thì triển vọng có thể thực hiện được kế hoạch xuất khẩu năm năm 2001 - 2005.

Việc gia tăng quan hệ kinh tế thương mại, gia tăng kim ngạch xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Từ một nước có mức tăng trưởng kinh tế thấp kém, tới nay, Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng hơn 7%, nhiều năm chỉ đứng thứ hai sau mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 50% GDP năm 2004.

Từ HNKTQT, chúng ta đã chẳng những mở rộng quan hệ, mở thêm nhiều thị trường mà còn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý. Thu hút đầu tư nước ngoài là chủ trương quan trọng của Việt Nam trong những năm qua, góp phần khai thác các nguồn lực trong nước, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH. Ðầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển; có tác dụng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HÐH; mở ra nhiều nghề, sản phẩm mới; nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu; tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Tính từ năm 1988 đến hết tháng 5-2005, cả nước đã cấp giấy phép đầu tư cho hơn 6.400 dự án ÐTNN với tổng vốn đăng ký kể cả tăng vốn 60,5 tỷ USD, trong đó có 5.412 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 48,49 tỷ USD, vốn thực hiện đạt hơn 26 tỷ USD. Cho tới nay, đã có doanh nghiệp của hơn 70 nước và vùng lãnh thổ có mặt ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty và tập đoàn lớn có tiềm lực kinh tế - công nghệ, góp phần làm thay đổi trình độ sản xuất của Việt Nam. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh từ năm 1988 đến nay vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất - tiêu dùng của thị trường nội địa rộng lớn với sức mua tăng lên nhanh chóng vừa tận dụng và phát huy những lợi thế xuất khẩu mà Việt Nam đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong những năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thật sự trở thành một trong những động lực tăng trưởng sản xuất công nghiệp Việt Nam. Ðặc biệt, đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam: năm 1990, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ chiếm 19,5%, năm 2004 con số này đã đạt 54% (kể cả xuất khẩu dầu thô). Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta: chiếm gần 30% vốn đầu tư xã hội, 35% giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 40 vạn lao động và hàng chục vạn lao động gián tiếp. Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và những hợp đồng chuyển giao công nghệ theo các dự án hoặc thông qua chương trình hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tiếp thu được nhiều công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nhìn chung công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh đều cao hơn công nghệ đang sử dụng ở Việt Nam và ở mức trung bình của khu vực. Một số dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, sản xuất ô-tô, xi-măng, sắt thép, điện tử,... thuộc loại tiên tiến. Sự xuất hiện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã có các tác động dây chuyền tích cực, như tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, giúp các doanh nghiệp và các nhà quản lý doanh nghiệp trong nước học hỏi thêm về cách thức bố trí sản xuất, quản lý, tiếp thu công nghệ, kiểu dáng sản phẩm và cách thức tiếp thị, phục vụ khách hàng... Những thành công trong việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến mà quá trình HNKTQT mang lại đã tạo nên bộ mặt mới cho nền công nghiệp và xã hội Việt Nam ngày càng hiện đại, văn minh. Bên cạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam còn tranh thủ được nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng lớn. Vốn ODA của các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam, từ năm 1993 đến 2004 đã lên tới 28,78 tỷ USD. Tính đến ngày 20-12-2004, giá trị các hiệp định đã ký kết đạt 20,593 tỷ USD. Năm 2005, Việt Nam huy động được ODA ở mức kỷ lục là 3,4 tỷ USD, tăng 600 triệu USD so với năm 2004. Ðây là nguồn vốn quan trọng đầu tư vào hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống và phục vụ chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Một thành tựu quan trọng nữa do HNKTQT đem lại đó là do việc mở cửa thị trường đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển sang cách làm ăn mới. Sự hội nhập kinh tế đã thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tạo khả năng cạnh tranh. Có thể nói, chỉ trong thời gian hơn 10 năm mà đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển lớn mạnh cả về lượng và chất. Từ chỗ chỉ có hơn 10.000 doanh nghiệp, đến nay đã có khoảng 160 nghìn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Chỉ tính riêng đội ngũ doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu tới năm 2005 đã là 35.714 doanh nghiệp, tăng gấp 965 lần so với năm 1986 (37 công ty), trong đó doanh nghiệp quốc doanh là 4.296 và 31.418 doanh nghiệp thuộc các loại hình khác như Công ty TNHH, cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Ðội ngũ các doanh nghiệp hùng hậu hơn, đội ngũ cán bộ cũng qua hội nhập kinh tế mà trưởng thành hơn, vững vàng hơn.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế, bởi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta còn ở mức thấp (Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), xét về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, so sánh với 11 quốc gia trong khu vực, Việt Nam xếp ở vị trí thấp nhất 11/11; so với toàn cầu, năm 2003, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 60 trên tổng số 80 được đánh giá xếp hạng, nhưng năm 2004 chúng ta đã tụt 17 bậc). Kim ngạch xuất khẩu của nước ta mới bằng một phần ba kim ngạch xuất khẩu của Thái-lan và hai phần ba kim ngạch xuất khẩu của Phi-li-pin. Trong khi dân số của ta lại đông hơn dân số của Thái-lan và Phi-li-pin. Như vậy, rõ ràng, chúng ta phải cố gắng nhiều, nhiều hơn nữa thì mới không tụt hậu, mới có thể vững vàng cạnh tranh và phát triển trong hội nhập.

Trong bối cảnh hiện nay, cả thế giới đang trong xu thế toàn cầu hóa và không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. Thế giới đang hình thành ba trung tâm khu vực mậu dịch tự do và liên minh kinh tế lớn. Ðó là khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ, gồm 33 nước tham gia, với hơn 900 triệu dân và tổng sản phẩm của cả khối khoảng 11 nghìn tỷ USD. Liên minh châu Âu đã mở rộng 25 nước và đang tiếp tục đàm phán mở rộng về phía đông có số dân hơn 450 triệu người, 12 nước đã tham gia đồng ơ-rô, có tổng thu nhập khoảng 9.000 tỷ USD. Khu vực thứ ba là ASEAN mở rộng gồm ASEAN + Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Ðây là khu vực mậu dịch tự do có số dân đông nhất thế giới. ASEAN đã kết thúc đàm phán về hàng hóa với Trung Quốc và đang tiến hành đàm phán với các nước còn lại. Dự kiến lộ trình tự do hóa thương mại từ năm 2014 đến 2020, mức thuế sẽ giảm xuống trung bình dưới 10%. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy một quốc gia đóng cửa hoặc bị bao vây cấm vận thì kinh tế không phát triển được, nhưng một quốc gia mở cửa hoàn toàn phụ thuộc bên ngoài cũng sẽ bị chao đảo như một số nước Mỹ la-tinh khi thị trường thế giới biến động lớn hoặc sức ép chính trị của các nước và các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, độc lập tự chủ kinh tế trong bối cảnh hiện nay là tập trung cao vào phát huy thế mạnh của đất nước tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đạt mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ðộc lập tự chủ về kinh tế sẽ tạo cơ sở cho hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ chính là tiền đề bảo đảm để HNKTQT thành công. Xây dựng kinh tế độc lập tự chủ trước hết là độc lập tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng XHCN; đẩy mạnh CNH, HÐH, tạo tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đủ mạnh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và sức cạnh tranh; có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị và xã hội; bảo đảm nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với các tình huống phức tạp, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế. Và tất yếu, khi HNKTQT thành công sẽ nâng cao hiệu quả của nền kinh tế độc lập tự chủ.

Chúng ta đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới và khu vực. Theo Hiệp định CEPT-AFTA, từ 1-1-2006, thuế hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN (trừ nhóm nhạy cảm và nhóm loại trừ hoàn toàn) giảm xuống 0% đến 5%. Chúng ta đang trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình mười năm đàm phán gia nhập WTO. Ðể có thị trường toàn cầu của 148 thành viên WTO và thu hút vốn đầu tư, công nghệ của họ, thì chúng ta phải mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ cho họ. Quá trình này tạo cho ta nhiều cơ hội và những thách thức gay gắt, song thế và lực của ta ngày nay đã khác xa so với thời kỳ mới mở cửa. Chúng ta tin tưởng rằng, đất nước ta sẽ vượt qua các thách thức đưa nền kinh tế phát triển tới đỉnh cao mới.

---------------------------------------------------

(1) Số liệu của Bộ Thương mại năm 2004.

LƯƠNG VĂN TỰ
Thứ trưởng Thương mại, Tổng Thư ký
Ủy ban quốc gia - Hợp tác kinh tế quốc tế