Càng chậm, giá càng đắt!
Các Website khác - 20/12/2005

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Càng chậm, giá càng đắt!

Hà Văn Thịnh

Thông tin vừa mới nắm được: Sẽ không đặt ra ngày tháng gia nhập WTO nữa! Và dường như ta bắt đầu bước đi thủng thẳng? Thế giới biến đổi nhanh chóng mặt, chẳng lẽ ta lại bắt đầu đếm bước đến với thế giới bằng cách đi thủng thẳng?

Xin có mấy ý luận bàn về "cách đi thủng thẳng":

Có cái tật khó có thể chấp nhận là bất cứ cái gì, từ nhỏ đến lớn, đều phải chờ hỏi cấp trên. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển từng nói: Mỗi ngành khi đi đàm phán đều có phương án riêng của mình mà trưởng đoàn không biết. Chỉ riêng chuyện ấy thôi đã khó đàm phán với người ta rồi. Nếu lúc nào cũng "hỏi" thì làm sao có thể trả lời những điều vừa nhạy cảm, vừa thiết thực? "Nhà giàu"- những "ông chủ" của WTO - luôn thích vặn vẹo người nghèo.

Báo chí nước ngoài nói Việt Nam chỉ lo "rào cho kín" nhưng lại không biết rào cái gì; rào chỗ nào; hàng rào cao đến mức nào? Ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA - nói: Bài toán được - mất ta chỉ giải bằng phương pháp suy đoán. Rào chống được kẻ trộm, nhưng vẫn thoáng sao cho những người khách ân cần, thật thà có thể ghé chơi thường xuyên. Đôi khi, cần phải hiểu đúng nguyên tắc Lênin đã đề ra xưa kia: Nếu có lợi cho cách mạng thì dù phải đi với những người "bạn đường một nửa chỉ trong một phút", chúng ta vẫn phải đi. Không có cuộc chơi nào, dù lớn, dù bé mà không phải hy sinh.

Ta nghèo, thiệt thòi, khó khăn nên ứng xử vừa phải là lẽ đương nhiên. Cái giá mà Việt Nam phải trả hẳn phải lớn hơn những gì Trung Quốc, Saudi Arabia đã trả. Nếu ngang bằng đã là thắng lợi lắm rồi. Chợ chiều, hoa héo là hai trong ba điều nên tránh, nên quên.

Tại sao ta có thể đòi những điều chưa có tiền lệ? Chẳng hạn như, phải coi thế giới là một siêu thị khổng lồ. Trong siêu thị ấy có muôn vạn mặt hàng. Không thể ngã giá từng mặt hàng một! Câu hỏi là đến bao giờ? Trong siêu thị, không có chuyện trả giá. Chấp nhận hay không, đó là nguyên tắc. Tại sao không thể đấu tranh, thương lượng theo từng nhóm vấn đề, từng hạng mục một? Còn bàn cụ thể, chi tiết, thì biết đến bao giờ mới xong?

Giá thành 1 tấn gạo sản xuất ở Mỹ là 415USD/tấn. Nhà nông Mỹ được trợ giá 140USD/tấn. Vì vậy, Mỹ ung dung chào giá 275USD/tấn. Lời giải rõ như ban ngày: Họ làm, nhưng lại cấm ta làm điều tương tự. Sự thao túng của nhà giàu là luật chơi nghiệt ngã mà đôi khi, kẻ nghèo phải theo. Càng chậm, càng đòi hỏi; Việt Nam càng đi sau, thiệt hại ngày càng lớn.

Gia nhập WTO là vấn đề không thể khác của Việt Nam bây giờ. Mỗi ngày chậm vào WTO là nền kinh tế Việt Nam thiệt hại thêm một khoản tiền đáng kể.

Chúng ta cần "mua" WTO. Trong khi rất nhiều "nhà giàu" không cần bán. Càng chậm, chắc hẳn sẽ càng đắt hơn. Chúng ta biết rõ không thể trả cho WTO mọi giá, nhưng có đủ khả năng để tìm ra cho "món hàng" đó một cái giá đúng và đủ.