Cảnh sát cơ động đón giao thừa trên... đường
Các Website khác - 28/01/2006

(VietNamNet) - Như bao ngày lễ tết khác, cái Tết năm nay gần 400 chiến sỹ trung đoàn CSCĐ Thủ đô lại lên đường làm nhiệm vụ để mọi nhà có được phút giao thừa yên bình và một cái tết trọn vẹn.

Ăn tết sớm...

Trinh sát Nguyễn Thanh Châu: "Đã không ít giao thừa vợ con tôi khóc trên điện thoại khi tôi gọi về chúc mùng năm mới..."

Trong những ngày lễ tết của dân tộc, đặc biệt là Tết nguyên đán gần 400 cán bộ chiến sĩ của trung đoàn CSCĐ Thủ đô luôn phải ứng trực.

Từ trước tết một tháng trung đoàn CSCĐ đã triển khai lực lượng để chống ùn tắc giao thông cũng như liên tục tuần tra kiểm soát ở những hội chợ, triển lãm... những nơi người dân tập trung đông sắm tết.

Ngoài ra còn tổ chức bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, chúc tết các cơ quan xí nghiệp, các đồng chí lão thành. Ban đêm thì tổ chức tuần tra kiểm soát trên toàn thành phố.

Giờ khắc giao thừa là giờ mà mọi người, nhà nhà xum họp thì toàn bộ chiến sỹ CSCĐ đón giao thừa... trên đường.

Một chiến sỹ trung đoàn CSSCĐ nói về cái tết sớm của họ: "Từ 23, sau khi tiễn ông công ông táo về trời trung đoàn bắt đầu tổ chức cho chúng tôi ăn tết. Trước kia chúng tôi còn tập trung gói bánh chưng, rất vui. Nhưng bây giờ thì không làm nữa".

Đón giao thừa trên... đường

Các chiến sỹ CSCĐ nói về những cái tết của mình, những cái têt không được ở bên gia đình người thân. Buồn, nhưng trong mỗi giọng nói đó vẫn lộ rõ sự tự hào. Họ tự hào vì họ đang làm nhiệm vụ, đang cố gắng mang lại cho người dân Thủ đô một cái tết yên bình với niềm vui trọn vẹn.

Trinh sát Nguyễn Hồng Sơn (SN 1984): "Đây là cái tết đầu tiên ở trung đoàn CSCĐ, mới chân ướt chân ráo vào ngành tôi cảm thấy rất vinh dự. Chúng tôi đang được làm công tác bảo vệ, mang lại cho người dân thành phố một cái tết yên bình.

Tuy nhiên thoáng chốc tôi cũng cảm thấy buồn. Xa gia đình thì chắc ai cũng buồn, nhất là trong cái thời khắc giao thừa. Nhớ bố mẹ, nhớ người thân. Nhà tôi thì cũng không xa, ngay quận Long Biên thôi nhưng không thể về. Quả thật có lúc nghĩ đến việc hay là mình chạy ù về nhà một lát. Tuy nhiên không thể làm như vậy được. Nhiệm vụ vẫn là trên hết mà.

Hơn nữa mọi người ở đây đều như nhau cả. Tất cả chúng tôi đều phải đặt gia đình riêng qua một bên để tập chung vào nhiệm vụ. Chúng tôi được trung đoàn tổ chức cho ăn tết cũng rất đầy đủ và cũng vui nên không có vấn đề gì".

Trinh sát Nguyễn Thanh Châu (SN 1959): "Tôi bước vào nghề CSCĐ từ năm 1978. Gia đình tôi ở Phú Thọ. Hàng năm vào ngày lễ tết tôi luôn trong tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Vào khoảng mùng 4, mùng 5 được cơ quan cho về ăn tết cùng gia đình.

Vào thời điểm giao thừa, đang làm nhiệm vụ trên đường, cũng nhớ nhà lắm chứ!Thường thì tôi viêt thư hoặc điện thoại về chúc mừng năm mới gia đình, vợ con. Vợ tôi mặc dù buồn nhưng cũng không trách cứ gì. Còn các con tôi thường suy bì với bạn bè. "Các bạn con, bố chúng nó đi công tác nhưng tết vẫn về, sao bố không về?". Những lúc như vậy tôi lại phải giải thích cho các con hiểu nhiệm vụ của mình. Quả thật đã không ít giao thừa vợ con tôi đã khóc qua điện thoại khi tôi gọi về chúc mừng năm mới".

Trinh sát Nguyễn Đức Phương (SN 1982) tự hào về công việc của mình: "Vào nghề CSCĐ đươc 2 năm. Mỗi khi tết đến cũng cảm thấy buồn một chút vì không được ở bên gia đình nhưng chúng tôi cũng có niềm vui riêng. Xung quanh còn có đồng đội. Tết ở đây có người nhà rất xa, có người nhà rất gần nhưng tất cả đều tập trung ở đây sống với nhau hoà thuận, vui vẻ.

Soạn: AM 687439 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Trung đoàng trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, Thượng tá Nguyễn Thanh Côi đã 37 lần đón giao thừa trên... đường. Ông nói: "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi mà!".

Chúng tôi xác định nhiệm vụ là trên hết. Đã người lính cơ động là phải chấp nhận hy sinh những gì thuộc về cá nhân. Vì yêu cầu công tác, không chỉ riêng lính chúng tôi mà cả lính biên phòng, hải đảo họ còn phải xa nhà hơn cả chúng tôi. Thanh niên thì phải sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, bất cứ nơi đâu.

Trong cuộc sống có nhiều điều vất vả, khó khăn. Trong những ngày tết, khi đi làm nhiệm vụ chúng tôi thấy mọi người được đi chơi cùng gia đình, bạn bè tuy nhiên nghề của chúng tôi là lấy hạnh phúc của người khác làm niềm vui của mình mà.

Bản thân tôi còn là con cả trong gia đình nhưng không thể ở nhà để chuẩn bị được một cái tết thật đầy đủ. Tôi chỉ có thể giúp đỡ bố mẹ về mặt tinh thần còn những thứ khác thực sự là rất khó"

Về phía già đình tôi biết mẹ tôi buồn vì không có tôi ở nhà trong những ngày tết nhưng bà vẫn động viên tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, sát cánh cùng đồng đội để mang lại cho thủ đô một cái tết yên vui. Mẹ tôi nói: "Nhân dân có cái tết yên vui, trong đó có cả bố mẹ". Quả thật bố mẹ tôi rất ủng hộ cho tôi".

Thượng tá Nguyễn Thanh Côi, trung đoàn trưởng trung đoàn CSCĐ thủ đô đã 37 năm trong nghề CSCĐ thì cả 37 năm ông đón giao thừa trên đường. "Trước kia làm trinh sát tôi đón tết trên đường là một nhẽ. Đến khi là trung đoàn trưởng tôi vẫn vậy. Giao thừa tôi cũng đi chúc tết và mừng tuổi các trinh sát của mình ở trên đường. Khi mới vào nghề thì cũng ngậm ngùi nhưng bây giờ thì quen rồi.

Người Việt Nam, không ai không muốn vào giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ năm mới như vậy mà gia đình thiếu đi một người. Gia đình tôi, tôi và cả 3 con đều theo ngành công an nên thường xuyên vào giờ khắc đó 4 bố con tôi đều không có nhà. Vợ tôi chắc cũng buồn nhưng cũng không phàn nàn gì, chắc cũng đã quen với việc mỗi giao thừa gần như không có 4 bố con ở bên".

Trung đoàn trưởng nói thêm: "Thực lòng mà nói các chiến sỹ thuộc trung đoàn của tôi rất thiệt thòi. Tết không được đoàn tụ với gia đình, bạn bè. Đa phần vẫn còn trẻ, chưa có gia đình. Họ cũng muốn vào ngày tết có một chút thời gian để đi chơi cùng bạn gái chẳng hạn nhưng cũng không được. Nhiệm vụ vẫn phải đặt lên trên hết, phải lo cho dân trước đã. Nói chung vợ những chiến sỹ công an thường là thiệt thòi và vợ chiến sỹ CSCĐ càng thiệt thòi hơn.Nghề của chúng tôi là "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi" mà".

  • Vân Giang