Thế chấp nhà để... nghiên cứu chó
Để lập trang trại phù hợp với môi trường sống của chó, Lê Quốc Tuấn tìm chọn một địa điểm hoang vắng tại ấp Cây Thông, xã Cửa Dương. Chỉ 8.000m2 đất hoang, giá 12 triệu đồng/1.000m2 mà Tuấn phải mua làm bốn lần và sáu lần mới trả hết tiền.
Tháng 4-2001 Tuấn tung vốn, chọn được 120 con chó giống tốt, giá từ 250 ngàn đến 400 nghìn đồng/con. Chỉ 4 tháng sau 70 con đã lăn ra chết và đến tháng 10 năm ấy đàn chó hơn 30 triệu đồng của Tuấn chỉ còn đúng 10 con. Tai họa cùng lúc ập đến khi trại nuôi tôm trong đất liền của gia đình anh, tôm thi nhau nổi đầu chết trắng đầm. Tuấn đã phải thuê bác sĩ từ đất liền ra đảo để cứu chữa cho chó, tốn kém hàng chục triệu tiền thuốc, chưa kể tiền thầy.
Sau cú sốc ấy, Tuấn chỉ mua mỗi lần 10 - 15 con và tiến hành thí nghiệm đủ chủng loại thuốc. Cùng một triệu chứng bệnh nhưng Tuấn cho chó uống, tiêm nhiều loại thuốc khác nhau. Một số dược sĩ ở TP Rạch Giá đã tư vấn cho Tuấn về thuốc và cơ chế bệnh. Một bác sĩ, thạc sĩ Đông y đã hướng dẫn trồng những loại thảo dược phù hợp với chó, có khả năng trị bệnh: sả có khả năng kháng khuẩn, cỏ mực giúp cầm máu, đường ruột, cỏ mần trầu thì mát... Tuấn còn thuê người sưu tầm trong dân gian được hàng chục bài thuốc nam và những kinh nghiệm nuôi chó quý báu trên đảo. Khi bác sĩ bó tay thì Tuấn lại... ra tay. Tất cả những con chó bị chết anh đều "khám nghiệm tử thi", những con đau ốm và kể cả những con còn khỏe mạnh anh cũng nghiến răng chịu mất tiền đè ra mổ để nghiên cứu, so sánh đối chiếu. Kết quả cho thấy, bệnh của chó Phú Quốc chủ yếu tập trung ở đường ruột. Sau 2 năm ròng thí nghiệm, lặp đi lặp lại nhiều lần ở các nhóm chó bệnh và thuốc điều trị Tuấn đã giải quyết được những vấn đề cơ bản về bệnh của chó Phú Quốc. Cái giá phải trả là 170 con chó bị chết do bệnh, làm thí nghiệm, đó là chưa kể hàng chục con đào hang, leo rào ra đi... Tuấn lao đao, hai lần phải thế chấp nhà cho ngân hàng, rồi vay khắp nơi, bán cả xe máy, chấp nhận đi bộ, nhịn cả ăn sáng để dồn tiền nuôi chó.
Hình thành trung tâm bảo tồn chó
Chó Phú Quốc thích đào hang ở. | Tuấn chỉ vào tấm bảng ghi hai tiếng chữ Anh - Việt trước trang trại chó của mình bảo: "Tôi muốn nó trở thành một Trung tâm bảo tồn giống chó xoáy Phú Quốc và tôi đã viết như thế". Một số người trên đảo cũng có tham vọng nuôi chó quy mô lớn nhưng bất thành. Tuấn cho biết, khi đặt vấn đề với mấy người bạn kiến trúc sư nhờ họ thiết kế giùm trang trại nuôi chó nhưng họ bó tay. Thế là Tuấn đành tự mình chia 8.000m2 đất thành 11 khu khác nhau gồm: Khu tuyển chọn chó lớn, chó nhỏ; khu vực cho chó 2 - 3 tháng tuổi và từ 3 - 4 tháng tuổi; khu chó lạ; khu sinh sản; khu nuôi hoang dã; khu phối giống; khu "bệnh viện"; khu chó giống màu đen; khu chó giống màu vàng và cuối cùng là nghĩa địa cho chó. Khu nghĩa địa cũng được chia làm 2 với đối tượng bị bệnh, chết lúc nhỏ "vô danh" và một khu có mộ bia đàng hoàng dành cho những chú chó khôn lớn đã có "đóng góp" nhất định trong trại. Trên mộ bia ghi tên, ngày tháng qua đời, lý do chết: Do cắn lộn, rắn độc cắn hay "hi sinh" vì thí nghiệm thuốc...
Quan điểm nhìn nhận về chó Phú Quốc của Tuấn qua nghiên cứu theo dõi cũng khác với một số nhà "khuyển học". Tuấn khẳng định nó là giống chó quý hiếm của Việt Nam và thế giới, nguồn gốc ở Phú Quốc chứ không phải xuất phát từ Thái-lan vượt biển qua như một số nhận định. Chó Phú Quốc không khó nuôi, vấn đề là phải "hiểu" nó. Chúng có nhiều điểm đặc biệt, như khả năng săn bắt, đào hang, leo rào, nhanh nhẹn, hiếu kỳ, trung thành tuyệt đối với chủ. Tính bầy đàn của chó Phú Quốc cũng rất cao, khi một đối tượng nào đó mới nhập trại không "hợp gu", ngay lập tức bị tấn công kiểu hội đồng cho đến chết.
Anh cho rằng chỉ có 6 tiêu chí để xác định chó Phú Quốc chứ không phải 9 như một số tài liệu đã viết, đó là: Phải có xoáy lưng; ngực nở, bụng thon; đuôi vót cần câu; lông sát dưới 2cm; chân màng vịt (chó Phú Quốc có khả năng bơi lội rất tốt, có thể bơi từ đảo này qua đảo khác xa hàng km), và một yếu tố quan trọng là phải xuất xứ từ Phú Quốc. Các tiêu chí: tai đứng, đốm lưỡi, có móng deo mà các nhà nghiên cứu đưa vào thì loại chó thường cũng có.
Trăn trở của Tuấn là làm sao bảo tồn được giống chó Phú Quốc quí hiếm. Một đề tài nghiên cứu khoa học về "Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi dưỡng và phát triển chó xoáy Phú Quốc" vừa được anh hoàn thành. Hồ sơ đăng ký độc quyền về thương hiệu, biểu tượng chó xoáy Phú Quốc đã được công nhận. Tuấn cũng đã nhanh chóng xây dựng hai website: choxoayphuquoc.com.vn và choxoaylungphuphuquoc.com.vn cho riêng mình. Trong năm 2006 sẽ vay vốn đầu tư mở rộng, lập khu nghiên cứu, khu biểu diễn và khu đua chó, nâng tổng đàn lên 1.000 con.
|