“Người trong hang đá” có lại vào hang?
Các Website khác - 24/01/2006
Họ đi cõng từng chai nước,
ống nước vượt núi cao.
Từ khi rời khỏi hang về định cư ở bản 39 vào năm 1993 đến nay, tộc người Arem ở xã miền núi Tân Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình đã trải qua nhiều thăng trầm để tồn tại, nhưng ước mơ phát triển bền vững để hòa nhập thì vẫn còn khá xa vời.
Năm 2003, sau khi được TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cho tộc người Arem một khoản tiền xây dựng nhà ở gần 1 tỷ đồng, người Arem đã có cái nhà để ở. Còn vấn đề nguồn nước? Tỉnh Quảng Bình đã bỏ vốn ngân sách gần 5 tỷ đồng cho khảo sát thiết kế và xây dựng một hệ thống đường ống dẫn nước “tầm cỡ” dài 12km. Và như thế, "vấn đề Arem" coi như ổn? Nhưng không, mọi chuyện nó lại bắt đầu từ đây.

Khi có khoản tiền hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh giúp đồng bào Arem, người ta nghĩ ngay đến việc xóa bản Arem cũ để khảo sát quy hoạch một bản mới. Bản mới cũng chẳng ở đâu xa, nó chỉ cách bản cũ chừng 500m. Lạ ở chỗ, vùng đất để định cư bản mới hẹp và dốc hơn bản cũ. Những ngôi nhà sàn bằng bê-tông cốt sắt gần như liền kề nhau.

Người Arem sẽ làm gì để sống nếu không có vườn? Những người quy hoạch thiết kế lý giải rằng, bản mới gần đường 20, dễ cho người Arem đi lại và... hòa nhập. Thêm nữa, gần đường 20 thuận lợi hơn cho việc đầu tư, tìm nguồn nước. Và người ta đã xây dựng một hệ thống dẫn nước thật.

Công trình hoàn thành vào giữa năm 2004, và người Arem ngửa cổ chờ... mưa. Nước đâu chả thấy, các bể nước gia đình và bể nước chung trở thành nơi ngủ của gà và lợn. Người Arem tìm những ao tù, nước đọng đầy bùn gần đấy, chắt lấy những giọt nước hiếm hoi để dùng.

Những vòi nước khô cong. Những phuy đựng nước nằm chỏng chơ. Người ta ngao ngán nhìn công trình tiền tỷ đang dần trở thành phế tích.

Phố bản Arem.
Ông Đinh Đu, Chủ tịch xã Tân Trạch (xã Tân Trạch chỉ có một bản Arem, là xã có dân số chưa đến 170 người, ít nhất toàn quốc) bức xúc nói: “Họ hứa cung cấp đủ nước sạch. Dân bản tin. Nhưng đã nhiều tháng nay, đường ống vỡ, không có ai sửa cả. Bể nước khô, không có ai ngó ngàng. Nước không có, người già trẻ em không có nước sạch để dùng. Muốn có nước sạch, thanh niên phải lội rừng tìm suối nửa ngày đường đi mới mang được nước về".

Kỹ sư thủy lợi Đặng Văn Đệ, Trưởng ban Miền núi, nói thẳng thắn: Việc dời ra bản mới đã có nhiều ý kiến phản đối, nhưng người ta vẫn quyết làm. Khi khảo sát và xây dựng đường ống dẫn nước cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau nhưng người ta vẫn cứ chọn phương án này.

Theo ông Đệ, nguyên nhân nước không về được đến bản trước hết là do lỗi thiết kế (ở đây chưa bàn đến chất lượng thi công). Từ thác Đà Lạt ở km 51 dẫn nước về km 39 (12 km).

với một độ dốc lớn như vậy trong khi hệ thống ống gang nặng chích "bị" treo lơ lửng thế kia thì làm sao trụ được để không bị đứt, gãy. Thêm nữa, gần 1/3 tuyến ống được nhà thiết kế cho chôn nông, sát ngay mép đường hẹp luôn có xe vận tải qua lại (nhiều xe chở gỗ siêu trọng) thì làm sao ống gang chịu nổi.

Sao không bố trí những bể nước trung chuyển nhằm giảm độ dốc và chủ động được nguồn nước. Và có một câu hỏi sao không quyết liệt hơn: Đằng nào cũng dời bản, sao không dời đến nơi gần nguồn nước khe suối, quỹ đất rộng, bằng phẳng và màu mỡ hơn. Nguồn nước cho người Arem không phải bây giờ mới được đề cập, mà nó đã được đặt ra cấp thiết ngay từ khi thành lập bản 39.

Khi hay thông tin hệ thống cấp nước cho người Arem không hoạt động mấy tháng nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lại có một giải pháp tình thế, cấp tiếp 300 triệu đồng để sửa chữa. Lại một quy trình đầu tư phải kéo dài thêm vài tháng trời nữa. Người Arem lại tiếp tục thiếu nước trong dịp Tết.

Khép lại bài viết này, chúng tôi xin được dẫn lại lời của Tiến sĩ Trần Trí Dõi, người đã hơn 10 năm nghiên cứu về tộc người này: "Có thể nói một cách khái quát nguyên nhân của sự thất bại là việc chọn nơi định canh, định cư hoàn toàn không dựa vào một cơ sở khoa học nào về tự nhiên - xã hội và nhân văn mà chỉ dựa vào ý định chủ quan của một vài người. Người ta không hề trao đổi và bỏ qua những nghiên cứu hàng chục năm trời về nhóm người này. Thật là một sự lãng phí...

Theo Tiền phong