Chạy đua với bão số 8, di dời hàng ngàn dân
Các Website khác - 30/10/2005

(VietNamNet) - Gió tràn vào đất liền mỗi lúc một mạnh. Bão số 8 đã rất cận kề. Các tỉnh miền Trung càng gấp rút triển khai phòng chống cơn bão mạnh này!
>> Toàn cảnh bão số 8

Soạn: AM 602079 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bão số 8 đã rất cận kề miền Trung

Bình định: Khẩn cấp di dời dân

Chỉ trong 5 ngày (từ 22 - 26/10), 2 cơn lũ "nối đuôi" đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho Bình Ðịnh. Đã có 16 người chết, thiệt hại vật chất ước tính lên đến 120 tỷ đồng. Chưa kịp khắc phục thì Bình Ðịnh lại phải đối mặt với bão số 8.

Công tác khẩn cấp nhất trong lúc này là di dời dân ở các vùng ngập lụt, có nguy cơ bị lũ quét và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 8. Theo tiến độ do lãnh đạo tỉnh yêu cầu thì đến 15h ngày 30/10 phải hoàn tất.

Huyện Phù Mỹ đã điều động 70 ghe thuyền, đưa người già, trẻ em ở các xã Mỹ Đức, Mỹ Cát, Mỹ Tài… đến nơi an toàn; riêng thanh niên ở lại cùng lực lượng xung kích giúp dân dọn dẹp nhà cửa, vật dụng, hỗ trợ di dời dân. Đến 15h chiều 30/10, huyện đã chuyển 47.000 bao cát, hàng trăm cọc tre xuống các vùng đã bị sạt lở để gia cố. Hơn 150 cán bộ chiến sĩ của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát đã xuống các xã phía đông huyện Phù Mỹ giúp chính quyền địa phương ứng phó với bão.

Tại Phù Cát, UBND huyện đưa 100.000 bao cát đến gia cố các đoạn đê đã bị sạt lở ở các xã Cát Nhơn, Cát Nhơn, Cát Tiến…; cứu trợ 500 thùng mì tôm cho nhân dân. Huyện cũng huy động 4 ca nô xuống các xã phía đông để di dời dân đến nơi an toàn.

Các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân… cũng huy động lực lượng và triển khai gấp các phương án ứng phó với bão số 8. Hiện các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Bình Định đã kịp vào neo đậu ở những nơi an toàn.

Quảng Ngãi: 1 tàu mất liên lạc, 1 sà lan không chịu cứu hộ

Trưa 30/10, ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TƯ đã về Quảng Ngãi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão. Ðến 17h ngày 30/10, hơn 500 hộ dân nằm trong 8 vùng thuộc diện di dời khẩn đã chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên có 01 chiếc tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn đang mất liên lạc, trên tàu có 10 thuyền viên.

Ngoài ra, chiếc sà lan số hiệu Yết Kiêu P3 của Xí nghiệp trục vớt vận tải 1 Sài Gòn, chở trục cẩu 36m, đang từ cảng Chân Mây (Huế) vào TP.HCM thì gặp nạn. Sau khi nhận được tín hiệu, Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng) đã đưa tàu ra cứu hộ nhưng 9 thuyền viên trên sà lan vẫn kiên quyết không chịu rời tàu.

Soạn: AM 602083 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nông dân khẩn trương găt lúa vụ 3 "chạy" bão số 8

Được biết, Bộ Công an đã chi viện cho tỉnh 100 chiến sĩ cơ động, 200 áo phao, 100 chăn mền. Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Minh Giữ cho hay, trong ngày 30/10, đã bố trí khoảng 1.000 chiến sĩ sẵng sàng "ứng chiến" với bão. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã đưa lực lượng, phương tiện vào chi viện cho tỉnh.

Hiện tuyến đường lên huyện miền núi Tây Trà, Sơn Tây bị sạt lở nhiều đoạn không qua lại được. Người dân ở 2 xã Sơn Lập, Sơn Tinh (Sơn Tây) đang bị cô lập, không có điện nhiều ngày qua do đường sạt lở, trụ điện đổ.

Quảng Nam: Dừng ngay mọi cuộc họp để phòng chống bão

Ngày 30/10, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng đã chỉ đạo dừng tất cả các cuộc họp trong những ngày đến để tập trung phòng chống bão lụt. Tại các vùng thấp trũng, tỉnh cho học sinh nghỉ học; sơ tán bắt buộc các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, huy động toàn bộ các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh trong tư thế sẵn sàng đối phó và ứng cứu khi bão số 8 đổ vào.

Theo báo cáo của các huyện, hiện Quảng Nam có 2 ngọn núi bị nứt, là núi Ðầu Voi (Tiên Phước) và núi Ðồi Kiểm Lâm (Ðông Giang). Hàng trăm hộ dân dưới 2 ngọn núi này cần sơ tán khẩn cấp. Ngay trong ngày 30/10, tỉnh đã bắt đầu triển khai di dời toàn bộ số hộ dân này.

Ở Huyện Tây Giang và Nam Trà My, do mưa lũ trong mấy ngày trước, hệ thống điện, điện thoại và đường giao thông tại nhiều địa bàn bị gián đoạn. Theo báo cáo của huyện Tây Giang, số dân cần cứu trợ lương thực lên đến hàng trăm hộ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Ðức Phát đã đến Quảng Nam kiểm tra tình hình chuẩn bị phòng chống bão số 8. Ông yêu cầu tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương công tác di chuyển dân đến nơi an toàn. Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ðây là cơn bão rất mạnh, vì vậy công tác phòng chống bão phải triển khai khẩn trương ở mức cao nhất, không được chủ quan lơ là. Trung ương đã quyết định tăng cường cho Quảng Nam 400 lều bạt phục vụ cho công tác di chuyển dân.

Ông Cao Đức Phát cũng lưu ý tỉnh kiểm tra độ an toàn của hồ Trà Cân đang xuống cấp nghiêm trọng, lại ở vị trí cao trên 100m trên đầu hàng trăm hộ dân huyện Ðại Lộc. Trong những ngày mưa vừa qua, nước phải qua tràn ở hồ này nên cần kiểm tra thường xuyên, có biện pháp di dời dân ở gần hồ trước khi bão số 8 đổ bộ vào.

Đến chiều 30/10, ở Quảng Nam đã có 1.143 tàu thuyền về được nơi trú ẩn, trong đó có hơn 40 chiếc là tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi.

Soạn: AM 602085 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát làm việc với lanh đạo tỉnh Quảng Nam để bàn biện pháp phòng chống bão số 8

Ðà Nẵng: Cứu 8 thuyền viên gặp nạn trên đường tránh bão

Trên đường vào vịnh Ðà Nẵng để tránh bão số 8 (ngày 29-10), khi cách vịnh Ðà Nẵng khoảng 3 hải lý, bất ngờ tàu BÐ 0491-TS của ông Lê Thanh Dũng (Bình Ðịnh) đã bị sóng lớn đánh chìm. 8 thuyền viên đi trên tàu này đã rơi xuống nước và vật lộn với sóng lớn hơn 10 phút. Rất may, một chiếc tàu của Bình Ðịnh trên đường vào tránh bão đã nhìn thấy tàu gặp nạn và cứu vớt 8 thuyền viên, đưa vào bờ an toàn.

Ðược biết, BCH Phòng chống lụt bão TP đã triệu tập cuộc họp khẩn để triển khai công tác phòng chống bão. Theo đó, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão; tổ chức tàu thuyền trú bão an toàn, chèn chống nhà cửa, kho tàng, đề phòng lũ quét trên hệ thống sông Cu Ðê và sông Tuý Loan, đề phòng sạt lở ven sông, suối....

  • Hải Châu