Nội dung Chỉ thị 05/2006/TTg của thủ tướng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân, nhưng cũng chính lúc Chỉ thị này ra đời và hương vị Tết Bính Tuất còn chưa “chia tay” với con người, chuyện kiêng kị đầu xuân vẫn còn khe khắt, thì ở ngay Hà Nội đã có nhiều đơn thư khiếu kiện gay gắt về đất đai (?). Mà vụ “quan phường” ở UBND phường Minh Khai - Quận Hai Bà Trưng tiếp tay cho một gia đình “chiếm đoạt đất của hàng xóm” là một điển hình về “quản lý yếu kém, nhũng nhiễu dân”.
Ngày 22/2/2006 Thủ tưởng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg về “khắc phục yếu kém, sai phạm và tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Luật đất đai” đồng thời Thủ tướng yêu cầu “phát hiện và đưa ra công luận các hành vi lợi dụng chức quyền tham nhũng, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai...”. |
Ông Nguyễn Duy Thạch (tức Hoàng Văn Thành) trú tại Số 244 - Minh Khai - Hà Nội, trước đây đã cho gia đình hàng xóm liền kề là ông Bùi Quang Kỷ trú tại Số 246 - Minh Khai mượn 19 m2 đất để sử dụng, việc cho mượn này có xác nhận, ký tên và đóng dấu của chính quyền địa phương...
Trước đó ông Kỷ chỉ là người đến ở thuê một căn nhà tại 246 Minh Khai (là đất của bà Vũ Thị Cộng), sau khi ông Kỷ chết thì các con của ông Kỷ “cù nhầy” không chịu trả lại nhà cho con của bà Cộng, nên đã phải kéo nhau ra tòa.
Tại bản án Số 50/DSPT ngày 22-3-1991 của Toà án nhân dân TP Hà Nội đã phán xét rất rõ: “Buộc gia đình ông Kỷ mà đại diện là ông Bùi Quang Voòng con trai của ông Kỷ phải trả lại toàn bộ nhà và đất cho gia đình bà Cộng”, nhưng con trai của bà Cộng là anh Nguyễn Gia Hùng sau khi đã lấy lại đất đai vẫn “thương tình” tiếp tục cho các con ông Kỷ (đại diện là Bùi Quang Voòng) được mượn một căn nhà rộng 17 m2 để ở.
Như vậy, cả ông Thạch và anh Hùng cho ông Voòng mượn tổng cộng là 19 m2 + 17 m2 = 36 m2. Sau này ông Voòng tự khai là đã mua thêm của anh Nguyễn Văn Vọng (hàng xóm liền kề) số đất 29,5 m2, nhưng ông Voòng lại bị chính các em ruột của mình tố cáo là gian dối để chiếm đoạt đất đai.
Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã triệu tập anh Nguyễn Văn Vọng để làm rõ và giải quyết, anh Vọng khai báo với Toà (cũng như cung cấp với các Nhà báo) rất cụ thể là chỉ bán cho ông Voòng khu chuồng lợn rộng có... 7 m2, nhưng ông Voòng có nhờ viết trong giấy viết tay là 29,5 m2...
Năm 2002, ông Trần Quốc Khánh (Phó chủ tịch UBND phường (nay là chủ tịch UBND phường Đống Mác) bằng quyền hạn của mình đã “chế biến hồ sơ” để giúp làm “sổ đỏ” cho ông Voòng trên mảnh đất đi mượn nói trên (Sổ đỏ số 10107352914, hồ sơ gốc số 199/QĐ-UB ngày 28/12/2002), thậm chí trong sổ đỏ của ông Voòng được cấp tới... 50,70m2.
Chỉ đến khi ông Voòng chuẩn bị xây nhà kiên cố 3 tầng trên 19 m2 đất của ông Thạch cho mượn thì gia đình ông Thạch mới biết ông Voòng đã có sổ đỏ, hơn thế còn có cả “Giấy phép xây dựng số 169.7.2005/GP-XD ngày 26-7-2005” của UBND quận Hai Bà Trưng cấp cho xây nhà bê tông cốt thép 3 tầng (trên đất ông Thạch cho mượn)...
Đất “hợp pháp” của ông Voòng chỉ có “cái chuồng lợn” rộng 7 m2 mua của anh Vọng, vậy UBND phường Minh Khai lấy ở đâu ra để đề nghị xét cấp tới những ... 50,70 m2? Giả sử anh Nguyên Gia Hùng “không thèm đòi” căn nhà 17 m2 cho mượn thì cũng lấy ở đâu ra 50,70 m2 (vì 17 m2 + 7 m2 = 24 m2)? Cũng giả sử đến cả ông Thạch “không thèm đòi lại” 19 m2 cho mượn nữa, thì 50,70 m2 lấy ở đâu ra (24 m2 + 19 m2 = 43 m2).
Điều đáng nói là ông phó chủ tịch Trần Quốc Khánh “độc quyền” làm hồ sơ này và không hề hỏi, hoặc xác minh tới các bên có liên quan đến đất đai, trong khi cả ba gia đình là ông Nguyễn Duy Thạch, Bùi Quang Voòng và Nguyễn Văn Vọng đều ở liền kề với nhau, đều cạnh ngay... trụ sở UBND phường.
Đặc biệt hơn, việc đòi lại 19 m2 đất cho mượn của gia đình ông Thạch đã từ lâu, từ khi ông Khánh còn là cán bộ địa chính phường, mọi đơn thư và hồ sơ đều chuyển tới ông Khánh giải quyết...
Tồi tệ hơn nữa, đó là khi sự việc căng thẳng nhất thì chính ông Khánh vừa ký “Giấy mời” để mời ông Thạch và ông Voòng lên UBND phường giải quyết, nhưng cũng đồng thời ký tên và đóng dấu vào đơn để xin hộ giấy phép cho ông Voòng được xây dựng trên mảnh đất mà ông Thạch đã cho mượn.
Vụ việc này đã được một số báo phản ánh gần đây như báo Pháp luật Việt Nam, Đời sống & Pháp luật, Lao động - Xã hội, Tài nguyên & Môi trường... Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo giải quyết, nhưng lại vẫn tiếp diễn tình trạng... “trên bảo dưới vẫn... không nghe”... |
Khi có sự xuất hiện của báo chí, ngày 9/8/2005, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra Văn bản số 405/UB-XD.ĐT để “Tạm đình chỉ hiệu lực Giấy phép xây dựng số 169.7.2005/GP-XD ngày 25/7/2005” đã cấp cho ông Voòng (như đã nói ở trên).
Tuy nhiên, trước đó chỉ có... 1 ngày, tức ngày 08-08-2005 chính Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hai Bà Trưng vẫn ký Công văn số 359/TN-MT khẳng định việc cấp “Giấy phép xây dựng” cho ông Bùi Quang Voòng là... đúng pháp luật (?).
Nhưng “dao sắc không gọt được chính cái lưỡi của mình”, UBND quận Hai Bà Trưng sau đó “làm ngơ với sai phạm”, không khắc phục việc cấp “sổ đỏ” trái qui định như trên. Ngược lại, ông Trần Quốc Khánh lại được “xử lý sai phạm bằng... đề bạt”: chuyển sang làm Chủ tịch UBND phường Đống Mác dẫn đến việc khiếu kiện liên tục cho đến nay.
Khi báo chí lên tiếng phản ánh, UBND thành phố Hà Nội đã kịp thời có Công văn số 1175/VP-NNĐC ngày 03-11-2005 yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý nghiêm “việc hợp thức hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái qui định và việc cán bộ vi phạm lại được đề bạt”. Tuy nhiên, UBND quận Hai Bà Trưng vẫn... làm ngơ.
Đến ngày 30/12/2005, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Quí Đôn tiếp tục ký Công văn số 5727/UB-NNĐC để “yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng rút kinh nghiệm về việc xử lý sai phạm”, đồng thời giao Sở Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất kiểm tra, xác minh, gửi hồ sơ để báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý lên UBND thành phố trước ngày 20-01-2006, song cho đến hôm nay vẫn... “bặt vô âm tín”.
Ông Bùi Quang Voòng thấy UBND quận “không dám xử lý” nên ngày 1/3/2006 cho người đào móng tiếp tục xây dựng để chiếm đoạt, dẫn đến căng thẳng giữa hai gia đình, bà con nhân dân tiếp tục khiếu kiện gay gắt và kêu lên: “Chính quyền quá yếu kém, hay quá nhũng nhiễu, hay thấy há miệng... mắc quai”.
Khi bị phản ứng kịch liệt, ngày 7/3/2006, UBND quận Hai Bà Trưng triệu tập một cuộc họp để “giải quyết” vụ việc nói trên tại phòng họp của UBND quận. Nhưng đại diện gia đình ông Thạch đến thì chỉ thấy hơn 10 cán bộ do Phó Chủ tịch UBND quận Lâm Anh Tuấn chủ trì với đông đảo các ban ngành mà không có ông Voòng (?).
Đồng thời buổi “họp” giải quyết không có biên bản làm việc, theo UBND quận giải thích là “mời lên để thương lượng” cho hai gia đình. UBND quận Hai Bà Trưng “vận động” hai gia đình hòa giải, còn nếu ông gia đình ông Thạch kiên quyết đòi lại 19 m2 cho mượn thì UBND quận phải đo lại đất của cả 2 bên và phải thu hồi sổ đỏ của 2 bên để đưa ra... Toà án.
Lý do mà UBND quận “giải quyết” như trên là theo UBND phường Minh Khai cho rằng “có thể gia đình ông Thạch thừa đất” so với sổ đỏ?
Vậy đấy, một kiểu “hành dân” kì quặc chưa ở đâu có như ở UBND quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Phải chăng UBND phường Minh Khai (mà cụ thể là ông Khánh) đã biết ông Thạch “có thừa đất” nên “tìm cách giúp” ông Voòng làm sổ đỏ để chiếm đoạt đất mà ông Thạch đã cho mượn, để rồi khi ông Thạch kiên quyết đòi lại đất của thì dùng “chính quyền” đứng ra dọa lại (như trên) buộc ông Thạch phải... “hòa giải” với ông Voòng.
Yếu kém thì đã rõ, nhũng nhiễu cũng đã rất rõ, còn có “mắc quai” hay không thì chỉ chính quyền quận Hai Bà Trưng và phường Minh Khai mới rõ (!). Nhưng rõ ràng việc cấp sổ đỏ trái qui định như trên vẫn không chịu khắc phục, đến khi UBND thành phố yêu cầu gửi hồ sơ báo cáo lên thành phố thì “lại chơi bài hành dân”, dùng quyền hạn của chính quyền để “mềm rắn nắn buông” với dân.
Trong trường hợp này (giả sử) gia đình ông Nguyễn Duy Thạch có thừa đất so với sổ đỏ “như ý của UBND Phường” thì UBND quận Hai Bà Trưng cũng không thể giải quyết theo kiểu “ngoài luật” như trên.
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm huỷ bỏ “sổ đổ” đã cấp sai qui định, đồng thời xử lý nghiêm “cán bộ sai phạm lại được đề bạt”, nhằm lấy lại lòng tin cho nhân dân cũng như chấp hành tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này .
Giàng Nhã Trần (Pháp luật)
▪ Tuần lễ ẩm thực Sa Pa tại Hà Nội (10/03/2006)
▪ Hạn chế tác hại trời nồm (10/03/2006)
▪ Những luận điệu sai trái và phi lý (10/03/2006)
▪ Ðến với những điển hình và nhân tố mới (10/03/2006)
▪ Chúng tôi in số báo Nhân Dân đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc (10/03/2006)
▪ Báo Nhân Dân điện tử ngày càng đổi mới (10/03/2006)
▪ Sự khích lệ và những ý kiến phê bình thẳng thắn của bạn đọc (10/03/2006)
▪ Cần phải xem báo Ðảng (10/03/2006)
▪ Tự tin không phải là điều khó (10/03/2006)
▪ Tháng 5 sẽ khởi công xây dựng cầu chính Phú Mỹ (10/03/2006)