Chuyện ba cô giáo tự bỏ tiền ra xây lớp học
Các Website khác - 11/02/2006
Cô Ksor Hiêr (phía trái) và
học sinh trước căn lớp tự xây
Đó là ba cô giáo ở xã Ia Trôk, huyện Ia Pa (Gia Lai), những người tự bỏ tiền ra xây lớp học, sắm bàn ghế, đồ dùng học tập, tạo điều kiện cho con em các làng có lớp học chỉn chu thay vì phải học dưới gầm nhà sàn.
"Người tiên phong" ở buôn

Ksor Hiêr ở buôn Chơ Ma, xã Ia Trôk, kể rằng năm 1980, sau khi tốt nghiệp khóa mầm non ở huyện, chị về dạy ở xã Ia Mrơn, cách nhà gần 10 cây số. Mỗi sáng phải dậy trước 5 giờ cho kịp đến lớp. Lúc đó không có tiền mua xe đạp, phải đi bộ.

Đến năm 1987, Hiêr được điều về dạy ở buôn Chơ Ma, xã Ia Trôk. Lúc đó, lớp học là những chiếc ghế kê sơ sài dưới sàn nhà mượn của bà con dân bản. Những lúc trời trở lạnh, gió lùa tứ bề kéo theo cái lạnh cắt da. Học trò đứa bị cảm lạnh, đứa chịu lạnh không nổi nên bỏ học gần hết. Nhiều đêm trằn trọc nghe tiếng gió rít qua từng kẽ ván của ngôi nhà sàn cũ mà niềm khát khao về một căn lớp nhỏ ấm cúng lớn dần trong tâm trí cô giáo nghèo.

Rồi tình thương của cô giáo Ksor Hiêr dành cho lũ trẻ đã chiến thắng sự lo toan bộn bề trong cuộc sống gia đình. Người làng ngạc nhiên khi thấy vợ chồng Hiêr thuê xe chở gỗ, chở xi măng về nhà. Gần nửa tháng, hai vợ chồng cặm cụi chở từng xe đá, ghép từng mảnh gỗ... Căn lớp nhỏ dần dần được hình thành. Lớp học rộng khoảng hơn 50m2, ban đầu chỉ là một bộ khung gỗ khá chắc chắn và nền tráng xi măng. Hai năm sau, những mảnh ván dùng làm vách được gỡ ra để xây tường gạch hẳn hoi. "Vợ chồng mình thấy học trò phải học dưới gầm nhà sàn mãi cũng không yên lòng. Nhà chưa xây, các con còn nhỏ nhưng thấy cảnh như thế không đành. Mình phải bán ba con bò, mấy tấn lúa, rồi tiền dành dụm nữa, hết chừng 16 triệu đồng mới đủ. May mà đất nhà mình rộng nên cũng đủ xây. Từ ngày xây phòng học này, học sinh đi học đều hẳn, không phải đến từng nhà gọi như các năm trước. Một số bàn ghế, đồ dùng học tập mình cũng phải bỏ tiền túi ra mua và tự làm lấy. Học sinh ở đây tội lắm, có đứa nhà nghèo quá, áo quần không đủ mặc, mình phải mua cho chúng. Hay như cháu Nay Hmí, hết giờ học rồi vẫn tần ngần chưa chịu về. Gặng hỏi mãi cháu mới vừa khóc vừa nói: "Cháu đói! Nhà không còn gạo nữa". Thế là mình phải cho cháu ăn cơm, lấy ít gạo để nó đem về nhà", cô Hiêr tâm sự.

Lúc tôi đến thăm lớp, 23 học sinh đang say sưa "nuốt" từng lời cô giáo. Cô Hiêr vui mừng: "Nhiều cháu đã lên học cấp hai. Thấy mình tự làm phòng học cho các cháu, dân làng đều bảo ban con em đi học đầy đủ. Ngày 20.11 vừa rồi, nhiều cháu đem hoa tới tặng. Mình vui lắm!".

Người kế tục

Cô Hsem đang giảng bài từ những đồ dùng tự làm. ảnh: Thiên Trúc

Cô Mlô Hsem cũng là một giáo viên mầm non cắm làng gần 10 năm nay. Mọi người ở buôn Tong Se vẫn còn tiếc rẻ khi Hsem chỉ dạy một năm đã đi buôn khác. Anh Ksor Miên ở buôn Tong Se nói: "Có Hsem dạy ở buôn mình, bọn trẻ thích lắm. Cấp trên đã đem cái bụng tốt của nó đến buôn khác rồi. Tiếc thật!".

Đến buôn Tham, cô trò phải dạy, phải học dưới những ngôi nhà sàn mượn của dân. Sàn nhà trống huơ, trống hoác. "Học ở nhà sàn mượn của dân khổ lắm. Có bàn ngồi bàn, có ghế ngồi ghế, không có thì đành ngồi nền gỗ, tre, nứa. Nhiều khi mình phải bỏ tiền túi ra mua kẹo để giữ chân các cháu. Hai năm sau (năm 1999), mình bàn với chồng mượn đất của chị gái, xây một phòng học cho các cháu có nơi học hành tốt hơn... Ván, gỗ của nhà có sẵn, mình chỉ phải mua xi măng, đá, cát và thuê công. Nhìn căn nhà nền được tráng xi măng, hai bên thưng ván kín mít, dẫu còn đơn sơ nhưng mình mừng đến rơi nước mắt khi nhớ lại cảnh học sinh ngồi co mình trong giá lạnh", cô Hsem nhớ lại.

Để có đủ bàn ghế cho gần 30 cháu, Hsem phải tự đóng thêm; đồ dùng minh họa nhiều thứ tự làm. Phòng học được trang trí bằng những chiếc gùi nhỏ xinh xinh, những mảnh váy với những hoa văn khá đẹp... Hsem kể: "Vào dịp Trung thu, mình đều tổ chức cho các cháu vui chơi. Tiền lương không nhiều lắm nhưng mình cũng bớt lại chút ít mua quà bánh cho các cháu phá cỗ. Nhiều cháu nay đã lên lớp 9, lớp 10".

Già làng buôn Tham hể hả: "Hsem tốt lắm! Yàng ban cho buôn mình nhiều cái bụng tốt. Lúa không thiếu, chăn không thiếu, chỉ thiếu chữ thôi. Buôn mình biết ơn Hsem lắm!".

Bán lúa xây lớp học

Siu Hdô (33 tuổi) vẫn nhớ mãi chuyện gần 15 năm trước. Sau khi học sư phạm mầm non ở TP Plây Cu về, cô được phân công dạy ở buôn Chơ Ma. Năm 1996, khi mẹ Hdô chuyển sang tỉnh Đác Lắk sống có để lại căn nhà. Hdô đã sửa lại căn nhà cho các cháu trong làng có nơi học hành. Việc làm của cô giáo Hdô được mọi người ủng hộ ngay. Ngay hôm sau, Hdô gọi người đến bán lúa, cộng với tiền tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng đem sửa nhà. Những ngày đó, vợ chồng Hdô bận bịu với việc mua tôn lợp mái, tráng nền, trang trí lại. Gần một tháng sau thì một phòng học hoàn thành. Nhìn lớp học còn trống nhiều quá, Hdô tự bỏ tiền đi TP Plây Cu (Gia Lai) mua thêm đồ dùng học tập cho các cháu. Có lớp học mới, có nhiều đồ dùng học tập hơn, bọn trẻ không muốn về nhà khi tan học. Có đứa còn ngồi lại mày mò với trò chơi ghép chữ. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ say sưa với những trò chơi mới, khuôn mặt Hdô như rạng rỡ hơn.

Theo Thanh niên