Tôi đã học được ở Việt Nam về tình hữu nghị
Các Website khác - 11/02/2006
Bà Susan Schnall
Bà Susan Schnall, người từng rải truyền đơn ở vịnh San Francisco, phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, cách đây gần 40 năm, đã nói như vậy trong buổi lễ nhận "Kỷ niệm chương vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc" do Việt Nam trao tặng.
Nụ cười tươi tắn và gương mặt cương nghị lạ thay lại rất phù hợp với tà áo dài đỏ thẫm mà Susan Schnall “diện” trong buổi lễ nhận “Kỷ niệm chương vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng.

Buổi lễ diễn ra thân mật và ấm áp trong tiết mưa xuân lất phất của Hà Nội. Susan Schnall xúc động và khiêm tốn nhắc tới những người Mỹ khác cũng từng tham gia phản chiến như bà.

“Phần thưởng này không chỉ dành cho tôi mà còn dành cho tất cả những người Mỹ từng dũng cảm đứng ra phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chúng tôi đã học được từ Việt Nam rằng chính phủ (Mỹ) khác với nhân dân. Chúng tôi đã học được từ các bạn thế nào là tình hữu nghị. Đó là những gì tôi mãi trân trọng…”.

Năm 1967, Susan là y tá chữa bệnh cho thương binh của Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam tại Bệnh viện hải quân Oak Knoll ở California. Nữ y tá trẻ ngày ngày chăm sóc vết thương cho thương binh và có dịp lắng nghe các câu chuyện từ họ.

Một cậu lính trẻ kể với Susan nỗi hãi hùng khi buộc phải giết rất nhiều người. Một người lính khác kể về việc quân đội Mỹ thực hiện chiến thuật rải truyền đơn để kêu gọi nhân dân Việt Nam rời bỏ Việt Nam sang Mỹ. Một vài câu chuyện khác giúp Susan hiểu những gì xảy ra tại Việt Nam thật khác so với những gì Chính phủ Mỹ đang cố thuyết phục mọi người tin.

Susan bỗng thấy mình trưởng thành hơn. Chị nhận ra việc những thanh niên quanh mình được giáo dục để căm thù những con người có cách nhìn không giống mình để rồi giết người dễ dàng hơn thật là điều tội lỗi và phi lý.

Ngày 12-10-1968, Susan quyết định hành động. Chị mượn một chiếc máy bay của người bạn và tổ chức một đợt rải truyền đơn từ trên máy bay ở khu vực

vịnh San Francisco. Các tờ truyền đơn của chị mang nội dung thông báo về một cuộc tuần hành vì hòa bình của các cựu chiến binh và lính Mỹ tại các căn cứ quân sự ở khu vực vịnh, tại một tàu sân bay và bệnh viện nơi chị làm việc. “Lúc đó tôi nghĩ rằng quân đội Hoa Kỳ sử dụng máy bay để rải bom tại Việt Nam thì tại sao tôi lại không thể sử dụng máy bay tại Mỹ nhằm kêu gọi phản đối chiến tranh” - Susan tâm sự.

Sau đó, Susan tổ chức một cuộc họp báo để nhân dân Mỹ hiểu rằng đã có những binh sĩ Mỹ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tại nơi biểu tình vì hòa bình, Susan luôn mặc bộ đồ y tá và hô vang khẩu hiệu “Hãy đưa những người con trai của nước Mỹ còn sống trở về nước”. Tháng 2-1969, tòa án quân sự kết án Susan 6 tháng tù giam. Lý do: chị đã sử dụng y phục của quân đội vào mục đích chính trị.

“Chuyện này thật lố bịch - Susan kể lại - Trên truyền hình khi ấy phát hình ảnh tướng Westmoreland mặc quân phục tới quốc hội điều trần để xin thêm ngân sách cho cuộc chiến. Ông ấy mặc quân phục để kêu gọi chiến tranh thì tôi cũng có quyền mặc bộ đồ y tá để cổ vũ hòa bình chứ!”.

Bản án và việc bị sa thải khỏi lực lượng vũ trang không hề làm Susan nản lòng dù cuộc sống của chị có nhiều xáo trộn.“Không phải tất cả mọi người đều đồng tình với tôi. Nhiều người họ hàng thậm chí không thèm nói chuyện với tôi trong nhiều năm. Nhưng mẹ tôi lúc nào cũng đứng đằng sau tôi và tự hào về con gái mình”.

Sau khi chuyển về New York, Susan không thể lấy lại được mảnh bằng y tá do các thành kiến đối với chị. Susan gia nhập Quĩ quân nhân Mỹ gây quĩ hỗ trợ y tế cho Đông Dương và một số bệnh viện của Việt Nam như Bệnh viện Bạch Mai. Chị tiếp tục đi tuyên truyền phản chiến tại các quán cà phê phản chiến ở các căn cứ quân sự. Hiện Susan là thành viên của Tổ chức Phụ nữ vì hòa bình và trao đổi toàn cầu của Mỹ.

“Tôi chưa bao giờ hối tiếc về những gì mình đã làm. Tôi chỉ thất vọng bởi mình cùng nhiều người khác đã không thể khiến chính phủ chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam sớm hơn”, Susan - nay đã là một phụ nữ hơn 50 tuổi nhưng chất giọng vẫn đầy lửa - nói.

Theo Sài Gòn giải phóng