Niềm đam mê bị lừa dối
Các Website khác - 21/10/2005

Niềm đam mê bị lừa dối

Bóng đá VN đang rơi vào một giai đoạn "tồi tệ nhất" - nói theo chữ của ông Riedl - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển U23 VN. Người hâm mộ bóng đá VN rất đau lòng trước nhận xét trên, nhưng cũng phải thừa nhận nó. Bởi vì đó là một sự thật. Người hâm mộ đã bừng tỉnh sau một cơn mê bóng đá dài và giờ đây mang nỗi buồn bị lừa dối.

Tiêu cực trong bóng đá, với những gì được phanh phui và đưa ra trước công luận, thì quả thực tiền bạc không phải là chuyện đáng quan tâm (xét về mặt số lượng). Có vị trọng tài chỉ nhận hơn 2 triệu đồng, nhiều cũng chỉ từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng...

Thật đáng buồn, danh dự, kết quả những trận bóng và sự đẹp đẽ của môn thể thao có sức lay động cảm xúc của hàng triệu người bị bệnh thành tích mua đứt. Chẳng lẽ người ta nhẫn tâm bán đi niềm vui của công chúng dễ dàng như vậy? Người hâm mộ thấy đau và tội nghiệp khi biết được những tiêu cực trong bóng đá. Có lẽ vì mỗi người yêu bóng đá dường như cảm thấy cá nhân mình bị xúc phạm.

Người hâm mộ bóng đá sững sờ vì chợt nhận ra, từ trước đến nay, những cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn, lòng cảm khái đầy đam mê đối với bóng đá của họ là bị lừa. Những trận bóng mà họ thao thức, theo dõi, bình luận đều là đá cuội, các kết quả của những trận bóng tạo nên niềm vui hay nỗi buồn thuần tuý chất bóng đá của họ cũng chỉ toàn đồ giả.

Từ trước đến nay, cũng có những khi công chúng biết được một vài tiêu cực trong bóng đá, có mua bán độ, mua bán kết quả, nhưng vì quá yêu nên người ta dễ dàng tha thứ và dễ dàng tin.

Nhưng tình yêu hồn nhiên đó nay bị tổn thương vì bị phụ bạc, nên nhiều ngôi sao, cầu thủ, trọng tài, sân bóng quen thuộc của họ chỉ còn là những hình ảnh xa lạ, chán chường. Không biết những người lừa dối niềm đam mê bóng đá của người hâm mộ có nhận ra rằng, họ là người phụ tình không?

Không chỉ lừa dối người hâm mộ mà còn vấn đề khác phải đặt ra đối với hiện tượng tiêu cực trong bóng đá, cũng như trong thể thao nói chung. Thể thao là cao thượng, nếu không được như thế thì không phải là thể thao.

Nhà nước chi ngân sách rất lớn để xây dựng một nền thể thao khá toàn diện để mọi người dân trực tiếp hoặc gián tiếp được thụ hưởng. Từ trong những phong trào có chất lượng, chọn nhân tố để xây dựng thể thao đỉnh cao, đủ sức so tài trên các thảm đấu quốc tế, đem vinh quang về cho tổ quốc. Cao hơn nữa, đó là hun đúc một tinh thần cao thượng, lành mạnh, yêu cái đẹp, yêu sự công bằng trong lòng xã hội.

Những chủ trương tốt đẹp và quan trọng đó đã bị những tiêu cực trong thể thao - không chỉ riêng bóng đá mà còn nhiều bộ môn khác - huỷ hoại. Đó mới là cái mất lớn nhất, chứ không chỉ là lừa dối niềm đam mê.

Lê Thanh Phong